Tạp chí Sông Hương -
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT ghi nhận, giải đáp 7 đề xuất về giáo dục của Thừa Thiên - Huế
16:40 | 13/09/2014

Ngày 11/9, tại Thừa Thiên - Huế, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga dẫn đầu đoàn công tác Bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc với UBND Thừa Thiên - Huế về lĩnh vực giáo dục trên địa bàn tỉnh. 

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT ghi nhận, giải đáp 7 đề xuất về giáo dục của Thừa Thiên - Huế

Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế, ĐH Huế, các trường đại học, cao đẳng, Trung cấp trên địa bàn tỉnh.

Sự quan tâm đầu tư từ địa phương

Tại buổi làm việc, TS Phạm Văn Hùng - GĐ Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế - báo cáo những nét chính về hệ thống mạng lưới trường lớp từ mầm non đến cao đẳng, đại học; công tác tuyển sinh, đào tạo; chất lượng giáo dục, đội ngũ; tình hình chuẩn bị cho năm học mới 2014-2015 và những nhiệm vụ trọng tâm năm học 2014 - 2015 và những năm tiếp theo.

Ngành GD&ĐT Thừa Thiên Huế đã kiến nghị đề xuất với Bộ GD&ĐT các vấn đề. Đó là: 

Sắp xếp lại các trường có đào tạo sư phạm theo hướng tập trung vào chất lượng để hạn chế những bất cập trong đào tạo, sử dụng GV; 

Sớm ban hành chủ trương hướng dẫn để sáp nhập các Trung tâm GDTX, Giáo dục kỹ thuật thực hành - hướng nghiệp và trung tâm dạy nghề cấp huyện; 

Tạo ĐK cho ĐH Huế sớm đầu tư hoàn chỉnh Khu quy hoạch, tạo điều kiện cho ĐH Huế thành ĐH Quốc gia theo thông báo số 175-TB/TW ngày 1/8/2014 của Bộ Chính trị, cho phép nâng cấp Khoa Luật của ĐH Huế thành trường ĐH; 

Nâng cấp trường CĐ Công nghiệp Huế thành trường ĐH; 

Nâng cấp các trường trung học: Giao thông vận tải, Văn hóa nghệ thuật, Âu Lạc (tư thục) thành trường cao đẳng; 

Có hướng dẫn và chỉ đạo chuyển đổi loại hình trường ĐH Dân lập Phú Xuân sang Tư thục; 

Tiếp tục quan tâm và phối hợp với Bộ Văn hóa Thông tin –Thể thao và Du lịch tạo điều kiện hỗ trợ phát triển Học viện Âm nhạc Huế.

Những giải đáp rõ ràng từ lãnh đạo Bộ GD&ĐT

Lắng nghe, ghi nhận những ý kiến phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá cao vai trò, tác động tích cực của GD - ĐT Thừa Thiên - Huế tới sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương cũng như cả nước. Những năm qua, GD&ĐT Thừa Thiên - Huế luôn ở vị trí tốp đầu. Có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm đầu tư rất lớn của địa phương. 

Về những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Thừa Thiên - Huế, Thứ trưởng khẳng định những vấn nào thuộc thẩm quyền của Bộ GD&ĐT thì Bộ xem xét, giải quyết, những vấn đề nào không thuộc thẩm quyền thì Bộ GD&ĐT ghi nhận để trình Chính phủ. 

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, đề nghị của Thừa Thiên - Huế sắp xếp lại các trường Sư phạm là hoàn toàn xác đáng, hợp lý theo chủ trương của Bộ nhằm tránh lãng phí đào tạo nhân lực ngành sư phạm. 

Thứ trưởng cho biết: Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã dừng đào tạo chứng chỉ sư phạm, dừng phương thức đào tạo từ xa đối với ngành Sư phạm. Trong kế hoạch đổi mới căn bản, toàn diện, Bộ đã tính đến bước đầu tiên là đổi mới các trường sư phạm. Bộ cũng đã quy hoạch một số trường, tiếp đến sẽ tính toán, sắp xếp lại, tập trung còn khoảng 7 - 8 trường để đầu tư đào tạo tinh hoa, đảm bảo chất lượng. 

Về sắp xếp lại 3 trung tâm (Giáo dục hướng nghiệp, Dạy nghề, GDTX), hiện Bộ Lao động Thương binh&-Xã hội và Bộ GD&ĐT đã có tờ trình để Thủ tướng Chính phủ cho phép nhập các trung tâm lại. 

Trước mắt, chưa thống nhất về chủ trương thì giao địa phương quản lý các trung tâm này; tùy đặc thù, điều kiện của từng địa phương để có thể sáp nhập hay là chưa sáp nhập, không cứng nhắc; vấn đề quan trọng là tính đến hiệu quả. 

Vấn đề tạo điều kiện để Đại học Huế thành Đại học Quốc gia theo Nghị quyết của Bộ Chính trị đã được đưa ra bàn thảo nhiều lần. Nhưng hiện nay, theo Luật Giáo dục đại học mới ban hành, mô hình Đại học Quốc gia hay là ĐH vùng ngoài sự liên kết nhân lực thì không còn sự khác biệt với các trường ở bên ngoài. 

Các trường thành viên của ĐH Quốc gia hay Đại học vùng theo cơ chế mới cũng có quyền tự chủ ngang với các trường đại học khác. Hơn nữa, chúng ta đang trong quá trình thực hiện thí điểm mô hình ĐHQG, ĐH vùng, còn rất nhiều ý kiến khác nhau. 

Trong bối cảnh hiện nay, nguyện vọng của ĐH Huế trở thành ĐH Quốc gia chưa thể thực hiện. Chừng nào có cơ sở chắc chắn, tối ưu để khẳng định, Bộ sẽ sẵn sàng ủng hộ. 

Việc thành lập, nâng cấp các trường Đại học mới hiện nay rất hạn chế, riêng 2 hồ sơ xin thành lập trường ĐH Luật (trên cơ sở Khoa Luật của ĐH Huế) ở miền Trung và nâng cấp trường Giao thông vận tải thành trường cao đẳng, Bộ GD&ĐT đang trong quá trình xử lý. 

Các trường hợp khác phải tạm ngừng chờ một giai đoạn khác có sự cân đối trong toàn hệ thống mới tính toán được. Bộ cũng đang chờ báo cáo của UBND tỉnh về rà soát, quy hoạch mạng lưới các trường tới năm 2020, trên cơ sở đó xem xét tiếp những hồ sơ đề xuất. 

Về việc chuyển đổi trường ĐH Dân lập Phú Xuân sang tư thục, hiện Bộ GD&ĐT đang soạn thảo Thông tư để thay thế Thông tư 20, sau đó sẽ chốt phương án cuối cùng về thành lập các trường ĐH tư thục. 

Hiện còn 19 trường chưa được chuyển đổi tư thục do còn một số vấn đề chưa nhất quán, năm học tới sẽ có những quy định chặt chẽ hơn, song việc chuyển đổi vẫn còn nhiều khó khăn. Đề nghị địa phương, đơn vị bổ sung báo cáo, Bộ sẽ lắng nghe, giúp các trường tuyển sinh có chất lượng.

Năm 2014, Bộ GD&ĐT đã tạo điều kiện cho các trường được tuyển sinh riêng, xét tuyển hay thi "ba chung". Năm 2015 tổ chức một kỳ thi quốc gia sẽ có sự năng động hơn.  Đề nghị các trường cùng với Bộ GD&ĐT nghiên cứu kỹ vấn đề tuyển sinh, đẩy mạnh đảo bảo chất lượng, đầu ra cho các trường.

Theo giaoducthoidai.vn

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng