Tạp chí Sông Hương -
Thực trạng công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
17:08 | 13/09/2014

Hiện nay, công tác giống là vấn đề then chốt quyết định đến chất lượng và năng suất rừng trồng. Nơi nào công tác quản lý giống tốt thì nơi đó có năng suất và chất lượng rừng trồng tăng cao.

Thực trạng công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Thấy được tầm quan trọng đó, trong những năm gần đây, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Lâm nghiệp xây dựng chiến lược về giống cây trồng lâm nghiệp, xây dựng nhiều mô hình giống thử nghiệm; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn và đến nay công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp đã đạt được một số thành công nhất định.

Đến tháng 8 năm 2014, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 56 nguồn giống lâm nghiệp với tổng diện tích 44,97 ha; trong đó: Vườn cung cấp hom: 23,97 ha; rừng giống chuyển hóa thông Caribea: 18,0 ha; vườn giống hữu tính: 3,0 ha Keo lưỡi liềm.

Các nguồn giống đã và đang được sử dụng hiệu quả, đảm bảo nguồn cung cấp vật liệu chất lượng tốt để sản xuất cây con trồng rừng, đáp ứng nhu cầu trồng rừng ngày càng cao của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiểm tra và cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh (SXKD) giống cây trồng lâm nghiệp chính cho 22 đơn vị, hộ gia đình, cá nhân SXKD giống trên địa bàn. Hầu hết các chủ SXKD giống lâm nghiệp chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực, bao gồm đội ngủ cán bộ chuyên môn và công nhân lành nghề có kinh nghiệm để phục vụ sản xuất cây giống lâm nghiệp, đáp ứng yêu cầu sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng;

Để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực giống cây trồng lâm nghiệp, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Lâm nghiệp Tiền Phong đã chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực và đầu tư các trang thiết bị máy móc, nhà xưởng tương đối hoàn chỉnh nhằm phục vụ sản xuất cây con bằng phương pháp nuôi cấy mô. Đến nay, cây giống được sản xuất bằng phương pháp này được các đơn vị trồng rừng, người dân ưa chuộng vì chất lượng cây trồng đảm bảo, ít bị gãy đổ do gió bão.

Những năm trước đây, năng suất gỗ rừng trồng chỉ đạt khoảng 50-60m3/ha. Hiện nay do nguồn giống được cải thiện, chất lượng tốt nên năng suất đạt từ 100-120m3/ha, tăng gấp 2 lần.

Hiện tại, Sở Nông nghiệp và PTNT đang xúc tiến quy hoạch nguồn giống cây bản địa, bảo tồn nguồn gen quý hiếm và tạo nguồn giống chất lượng tốt phục vụ nhu cầu phục hồi và phát triển rừng bền vững.

Để nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo nông dân, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức SXKD giống trên địa bàn nên chọn vườn ươm có đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật (được xếp loại A hoặc B theo quy định tại Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011) để trao đổi, mua bán giống lâm nghiệp; đồng thời lựa chọn mua vật liệu giống và cây con có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để trồng nguồn giống và trồng rừng.

Theo snnptnt.thuathienhue.gov.vn

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng