Tạp chí Sông Hương -
Nhiều hủ tục đè nặng những mảnh đời ở vùng cao A Lưới
19:18 | 14/09/2014

Hiện nay, đồng bào các dân tộc thiểu số Pa Cô, Tà Ôi… ở vùng cao A Lưới (Thừa Thiên- Huế) vẫn còn tồn tại một số hủ tục như thách cưới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, dẫn đến nhiều hệ lụy đáng buồn; đặc biệt là gia tăng hộ nghèo đói...

Nhiều hủ tục đè nặng những mảnh đời ở vùng cao A Lưới
Hủ tục tảo hôn dẫn đến gia tăng hộ đói nghèo, con trẻ không được đến trường

Nghe nói đến hủ tục thách cưới của đồng bào dân tộc Tà Ôi đã nhiều, song khi tận mắt chứng kiến ông Hồ Thanh Xoa (68 tuổi, nguyên Chủ tịch hội Cựu chiến binh xã A Ngo, huyện A Lưới) chuẩn bị đồ thách cưới cho con trai, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những món đồ "sính lễ" này. Theo ông Xoa, hủ tục thách cưới của đồng bào Tà Ôi đã có từ xa xưa, đến nay dù đã giảm về số lượng lễ vật cưới hỏi nhưng vẫn chưa thể nào loại bỏ được vì nó đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân.

"Trước đây, nhà trai muốn rước con gái người ta về làm vợ tất yếu phải chuẩn bị đủ 9 con vật bốn chân (gồm trâu, bò, dê và lợn-PV) để tượng trưng sự giàu có và lòng thành của nhà trai. Giờ thì lễ vật đã lược giản chỉ còn 3 con trâu; hoặc 3 con lợn, nhưng các lễ vật phụ như như chiếu, zèng, cồng chiêng là không thể thiếu được. Nếu thiếu thì họ không cho con mình cưới vợ đâu!", lau chùi lại chiếc cồng để làm "quà tặng" nhà gái trong ngày rước vợ cho con trai, ông Xoa trải lòng.

Nhiều già làng ở xã A Ngo cho biết thêm, không chỉ nhà gái thách cưới nhà trai bằng các lễ vật quý giá mà ngược lại, sau khi nhận đầy đủ lễ vật của nhà trai thì phía nhà gái cũng phải chuẩn bị nhiều gà, vịt, cá suối và dọn tiệc linh đình để chiêu đãi họ hàng, láng giềng đôi bên. Khi cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn thì hủ tục thách cưới như trên gây ra không ít phiền phức và sự tốn kém. Thậm chí, có nhiều gia đình nghèo, do muốn dựng vợ gả chồng cho con cái đành "liều" vay mượn tiền bạc sắm lễ vật thách cưới để rồi sau đám cưới linh đình ấy là những khoản nợ... khó trả.

Bà Hồ Thị Môn, Chủ tịch UBND xã Hồng Kim thừa nhận rằng, do địa bàn xã có 100% dân số là đồng bào Pa Cô, Tà Ôi sinh sống nên dù đã hạn chế hơn trước song hủ tục thách cưới vẫn còn lắm nặng nề. Nhiều gia đình nhà trai vì quá nghèo, không sắm đủ lễ vật đã không được nhà gái cho "rước dâu" là chuyện hết sức bình thường. Nghệ nhân Hồ Văn Hạnh (người dân tộc Pa Cô ở thôn Lê Triêng, xã Hồng Trung), một trong những người dày công nghiên cứu văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao A Lưới nhận định, ngoài dân tộc Cơ Tu và Tà Ôi thì tục thách cưới của người Pa Cô cũng bao gồm nhiều lễ vật. Mặc dù chính quyền địa phương, các cấp và thôn, bản đã nỗ lực vận động nhưng vẫn khó có thể xóa bỏ hủ tục này…

Ngoài hủ tục thách cưới, đến nay, vấn nạn tảo hôn đang có dấu hiệu gia tăng ở một số xã vùng cao của huyện A Lưới. Một cán bộ thuộc Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, do nhận thức, thiếu hiểu biết pháp luật và ảnh hưởng từ phim ảnh... nên nhiều đôi nam, nữ tuổi chỉ 13-14 đã yêu nhau, về sống chung với nhau rồi sinh con đẻ cái... Thống kê của Trung tâm Dân số- KHHGĐ huyện A Lưới, trong 5 năm trở lại đây, toàn huyện có trên 2.100 cặp kết hôn thì có 211 cặp tảo hôn (chiếm tỷ lệ trên 10%) và 10 cặp hôn nhân cận huyết thống. Với quyết tâm ngăn chặn nạn tảo hôn, thời gian qua, UBND huyện A Lưới đã tổ chức triển khai nhiều kế hoạch ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho rằng, ngoài việc tuyên truyền các chính sách, pháp luật về hôn nhân, bình đẳng giới thì huyện đang tăng cường công tác kiểm tra cơ sở, tổ chức xây dựng nhiều CLB "Phòng chống tệ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống", "Không sinh con thứ 3" ở các xã vùng cao... với hy vọng sớm đẩy lùi nạn tảo hôn như hiện nay, trên hết là để tránh những hệ lụy khôn lường từ nạn tảo hôn và các hủ tục; giảm thiểu sự gia tăng hộ đói nghèo trên địa bàn...

Theo cand.com.vn

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng