Tạp chí Sông Hương -
Khôi phục thương hiệu đèn lồng Cố Đô
14:59 | 16/09/2014

Khôi phục nghề truyền thống của cha ông, tạo chỗ đứng vững trên thị trường, cơ sở sản xuất đèn lồng Cố Đô (số 26, đường Phạm Tu, phường Hương Long, TP Huế) chịu khó cải tiến mẫu mã, tạo ra những sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng, vừa khẳng định thương hiệu đèn lồng Huế, vừa quảng bá bản sắc văn hóa Huế đến du khách trong và ngoài nước.

Khôi phục thương hiệu đèn lồng Cố Đô

Những ngày cận kề tết Trung thu, cơ sở đèn lồng Cố đô nhộn nhịp hơn, mỗi người mỗi việc: Cưa gỗ, tiện hoa văn, cắt vải, viết chữ… khẩn trương hoàn thiện những chiếc lồng đèn giao hàng đúng thời hạn. Trung bình mỗi tháng cơ sở sản xuất đèn lồng Cố đô xuất xưởng hơn 1.000 chiếc; những dịp lễ hội, tết Trung thu… thì số lượng tăng gấp đôi, gấp rưỡi. Ngoài 15 thợ làm việc thường xuyên tại xưởng, lúc cao điểm mấy thế hệ trong gia đình ông chủ cũng phải tất bật làm suốt ngày đêm, hoặc khoán cho một số gia đình vệ tinh nhận về nhà gia công khung, dán vải, vẽ hoa văn…

Để thương hiệu đứng vững, cơ sở đèn lồng Cố đô trải qua không ít khó khăn. Mặc dù đây là nghề gia truyền của dòng họ; ông nội của gia đình từng tham gia làm đèn lồng trang trí trong cung đình Huế. Cũng có thời gian nghề làm đèn lồng “ngủ im”. Sau nhiều năm “ba chìm, bảy nổi” anh em trong gia đình bàn nhau quyết tâm xây dựng lại nghề truyền thống với cơ sở sản xuất đèn lồng Cố đô. Khi đó trên thị trường cũng xuất hiện nhiều đèn lồng ở nơi khác tràn về như Hội An, Đà Nẵng và cả của Trung Quốc. Vì vậy, để vực dậy nghề truyền thống, đèn lồng Cố đô phải xây dựng được thương hiệu với đặc trưng riêng.

Sau gần 10 năm lăn lộn trên thị trường, từ sản xuất thủ công nhỏ lẻ, kí gửi đèn lồng ở một số điểm du lịch, rao bán cho các chợ, rồi tiếp thị tại các thị trường ngoại tỉnh. Đến nay, lồng đèn Cố đô đã có mặt tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Nha Trang… Không ngừng cải tiến mẫu mã, dựa vào nhu cầu, thị hiếu, không gian trang trí, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới lạ, phù hợp. Đặc biệt, cơ sở còn tạo ra những chiếc đèn lồng mang đặc trưng xứ Huế với những hoa văn, họa tiết chạm trổ trên khung, in trên vải là hình rồng, kiến trúc cung đình Huế, các lăng tẩm, chùa chiền… như đèn rồng, đèn long – lân – quy – phụng. Hiện, cơ sở có hơn 40 mẫu đèn lồng khác nhau, khách hàng ưa chuộng nhất là đèn lồng hoa sen, lục giác, quả cầu, hoa tuy-líp, củ tỏi…

Đèn lồng Cố đô được du khách đánh giá cao bởi chất lượng, có thể sử dụng lâu dài, chịu được mưa gió vì làm từ vải gấm, lụa tơ tằm trên khung là gỗ thông thơm, đẹp được phơi khô, chạm trổ hoa văn tinh xảo. Giá cả cũng phong phú để du khách lựa chọn (từ 30.000 đồng đến 5.000.000 đồng/chiếc).

Thời gian qua, đèn lồng Cố đô có mặt tại nhiều hội chợ, triển lãm, phét-ti-van nghề truyền thống trong và ngoài tỉnh, giới thiệu, quảng bá về sản phẩm nghề truyền thống của Huế. Ngoài ra, để phát triển thương hiệu, cơ sở đèn lồng Cố đô gắn phát triển nghề với phát triển sản phẩm du lịch, hàng lưu niệm bằng cách tạo ra nhiều mẫu đèn có kích thước nhỏ, có các nếp gấp có thể mang đi xa dễ dàng và không bị hư hỏng trong vận chuyển.

Không chỉ phục vụ thị trường trong nước, đèn lồng Cố đô còn chinh phục thị trường khó tính ở nhiều nước trên thế giới. Thời gian gần đây, thông qua các doanh nghiệp ngoại tỉnh, đèn lồng Cố đô xuất khẩu sang nhiều nước và vùng lãnh thổ, như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Xinh-ga-po… Tuy mỗi đợt chỉ từ 300 – 500 chiếc, nhưng đây là tín hiệu vui cho cơ sở cũng như nghề sản xuất đèn lồng truyền thống tại TP Huế.

Theo nguoicaotuoi.org.vn

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng