Tạp chí Sông Hương -
Bậu cửa mẹ ngồi
10:16 | 18/09/2014

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng sinh ngày 30/8/1966 ở Pleiku, nguyên Phó Trưởng phòng chương trình Đài PTTH TT. Huế, Ủy viên thường vụ Hội Liên hiệp VHNT TT. Huế, Ủy viên thường trực Hội Nhà văn TT. Huế, Trưởng ban Biên tập TCSH, Thư ký Chi hội Nhà báo TCSH, đột ngột qua đời ngày 16/12/2006 tại Huế ở tuổi 40, độ tuổi chín muồi nhất của người đam mê sáng tạo văn chương.

Bậu cửa mẹ ngồi

Anh đã in các tập tùy bút: Cỏ hoa xứ Huế, Hương mùa thu. Tuyển tập bút ký Hồn Mai đến với bạn đọc vào năm 2007, là tấm lòng của bạn bè văn nghệ in nhân một năm mất của anh; và sau đó là Cõi tạm phù hoa gồm các thể loại: bút ký về chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thơ, truyện ngắn.
Truyện
Bậu cửa mẹ ngồi in trên Thanh niên Cuối tuần cách chục năm trước, xin giới thiệu đến bạn đọc.




NGUYỄN XUÂN HOÀNG

Bậu cửa mẹ ngồi

                         Truyện ngắn

Tên sĩ quan đi sau thúc mạnh báng súng vào giữa lưng Khải. Anh cố kìm một tiếng kêu chợt bật ra trên đầu lưỡi đã dập nát. Chiếc áo chemise trắng của anh rách toạc nhiều chỗ. Cú thúc báng súng vừa rồi làm toạc thêm một mảnh lớn ở lưng.

Khải không còn cảm thấy đau đớn. Anh chỉ nghe toàn thân tê dại. Hai cánh tay bị trói giật khuỷu, suốt từ ngày hôm qua đã không còn một chút cảm giác nào. Nó tê cứng và lèo khèo như hai khúc củi vô dụng. Bị trói giật, Khải đi rất khó khăn. Anh cũng không biết là bọn chúng sẽ giải anh đi đâu. Đêm tối và lạnh. Con đường nhỏ nhem nhép bùn đất, mấp mô đây đó những đụn phân bò còn ấm. Khải đoán có lẽ là anh sắp đi qua một cánh đồng. Sương lạnh khiến anh rùng mình. Máu đang tuôn ra từ những vết thương trên lưng xon xót. Tụi nó đã xúm lại đánh đập anh từ hôm qua đến giờ. Chúng đánh anh bằng bất cứ thứ gì có trong tay. Cách đánh của hận thù, nó bỉ ổi và đê tiện. Cũng suốt từ hôm qua đến giờ, Khải không nói một lời. Đôi mắt anh đỏ rực như hai đốm lửa ánh lên cái nhìn khinh miệt khiến thằng đại úy thét lên "mi là Việt Cộng, mi là thi sĩ, đồ thi sĩ mi là đồ cứt...". Trước sự trầm tĩnh kỳ lạ của Khải, thằng đại úy như bị động kinh, nó lao vào anh bằng tất cả sự điên rồ của một con ác thú không còn kiểm soát được hành vi của mình. Khải vẫn im lặng. Chiều hôm qua, anh đã nhổ cả một bãi nước bọt lớn bầy nhầy máu vào giữa mặt thằng đại úy. Gương mặt xanh mai mái như rắn hổ mang ấy làm anh tởm lợm. Cũng những gương mặt ác thú như thế này đã hại học trò của anh, bạn bè anh, hại những đóa hoa rực rỡ, vùi dập sự sống hằng ngày. Thằng đại úy có thể là một đứa học trò của Khải. Nó có vẻ biết rất nhiều về anh. Nó biết anh thích món ăn nào, làm thơ ban đêm hay ban ngày, trước học trò anh đã nói những gì. Nó không giấu diếm bảo thẳng với Khải là cuộc nói chuyện nào của Khải nó cũng có mặt. Nó căm ghét những người như Khải, sự căm ghét hằn học rất vô cớ, lầy lội bản năng. Nó bảo nó thật sự sung sướng khi được đích thân hành hạ Khải, bắt Khải cúi đầu.

Nhưng Khải không hề cúi đầu. Thân thể mảnh khảnh của anh không còn một chỗ nào nguyên vẹn. Mái tóc dài bồng bềnh bết máu thành từng mảng xam xám run run trong gió lạnh. Nỗi đau nhục thể làm Khải chợt nhớ Thúy, mối tình sâu nặng nhất đời anh. Những lần cùng nhau đi dạo trên con đường đầy lá phượng bay, Thúy vẫn ao ước có một tổ ấm gia đình. Thúy nói về công việc đi dạy của Khải, về những đứa con tương lai kháu khỉnh... Khải nghe những điều ấy rất mơ hồ. Anh ngắm mái tóc rủ đầy những cánh phượng hồng của Thúy. Liệu lúc này có nên lấy nhau không. Một tổ ấm giữa thời tao loạn này có lẽ là không phải lúc. Khải suy nghĩ như vậy, nhưng anh không nói ra. Thúy đang vui, cứ để cho nàng được thỏa thích theo đuổi trước tương lai ít nhiều hoang tưởng của mình. Trong cuộc tranh đấu đầy tù tội và chết chóc này, Thúy là đóa hoa đồng nội làm ấm áp lòng anh. Anh biết ơn những gì mà nàng đã mang lại cho anh. Những giây phút sống thật yên tĩnh và thanh thản bên nàng. Gió thổi rất mạnh. Tóc Thúy lay bay bám vào cổ anh nhồn nhột. Hương tóc bồ kết của nàng ngai ngái thơm. Khải mong một ngày nào đó đất nước hòa bình thống nhất, không còn bom rơi, đạn lạc, không còn những vành khăn sô xót xa. Bấy giờ, bên bờ sông lộng gió, anh sẽ chải tóc cho nàng, làm tiếp những trường ca hãy vẫn còn dang dở, và hằng ngày lên bục giảng dạy dỗ đám học trò hồn nhiên. Bài thơ gần đây viết cho Thúy, anh vẫn thích nhất khổ thơ giữa:

Tin em trao về hồng như nụ chín
Mai có hòa bình khác thể yêu thương.
Đường dù ngái đi rừng chen lớp lớp
Nhớ nhau thì về cho kịp trời thu


Bao giờ ngày ấy sẽ đến, Khải cũng không thể biết được. Máu đã đổ nhiều lắm rồi, nhưng vẫn cần phải đổ thêm. Nếu không có mệ già bán trứng vịt lộn cố tình làm đổ thúng trứng ngoài cổng chợ Ngự, rồi hô hoán kéo áo thằng lính Mỹ, thì lần ấy anh đã bị bắt. Trong cuộc đấu tranh này, vũ khí của Khải là thơ ca và tấm lòng yêu nước. Những vần thơ siêu thực của anh đã sớm đâm hoa kết trái trong tim bạn bè. Khải đến với cuộc tranh đấu tự nhiên như rằng bổn phận của anh là vậy. Không đắn đo, không lựa chọn, chỉ có một con đường dẫn tới hòa bình, dẫu con đường đó phải đi qua cái chết. Thúy cũng đã lường hết những hiểm nguy đang chờ Khải. Kẻ thù có thể thủ tiêu anh bất cứ lúc nào. Những "cái đuôi" vẫn lảng vảng bám theo anh từ nhà đến trường, từ trường về một số địa điểm bạn bè... Bám dai dẳng, lì lợm, như một sự đe dọa. Có lần chúng còn đặt trước cửa nhà anh một quả lựu đạn dằn mặt. Khải vẫn như không. Anh đã có sự lựa chọn duy nhất của mình.

Khải tụt chân vào một mô đất bùn. Trời lạnh giá khiến anh nhớ đến chiếc áo len dài tay Thúy đan tặng anh ngày sinh nhật. Chiếc áo thật ấm, mùi len ram ráp thơm gợi nhớ nụ hôn mềm và ấm của nàng. Có lần anh đã đùa rằng lưỡi Thúy ngọt như đường phèn. Mà đúng là lưỡi Thúy ngọt thật hay đó chỉ là ảo giác của riêng anh. Anh nhớ mãi nụ hôn đê mê mềm và ấm dưới gốc cây muối dại ngày nào. Tê cứng hạnh phúc, Thúy áp sát người vào anh. Khuôn ngực đầy đặn của nàng căng cứng lời mời gọi thanh xuân. Dòng nhựa xanh sức sống chảy tràn lên người Khải. Những chùm muối lúc lỉu màu ô liu mời gọi từng bầy chim đàn trở về phố nhỏ. Cảm giác về một hạnh phúc quá đỗi bỗng như không có thật. Khải thấy mình chơi vơi như khi anh đang dẫn đầu đoàn biểu tình hướng về phía những chiếc nón sắt lấp lóa ánh lưỡi lê. Tiếng nổ chát chúa của lựu đạn, miểng thép văng rào rào, hàng người loang máu đỏ. Mái tóc Thúy chơi vơi chơi vơi phía trước khiến anh lo thắt lòng. Nàng vẫn ở bên anh trong cuộc đấu tranh khốc liệt này. Chiếc áo len đen dài tay của Thúy tặng là một xác tín của Khải. Anh vẫn thường gặp may khi mặc chiếc áo này. Chiều hôm bị bắt, Khải không mặc áo len. Anh vừa mới tắm xong, vận chiếc chemise trắng và đang làm khổ thơ cuối cùng của một trường ca siêu thực.

Khải đi rất chậm. Anh thở có vẻ khó nhọc. Con đường đi qua cánh đồng dài lê thê trong đêm tối. Khải nghe rất rõ tiếng bầy dế hoang gáy ầm ĩ ở những chân ruộng cao. Cánh đồng bước vào thì con gái ngòn ngọt mùi lá non. Thằng đại úy chửi rất tục rồi tiện tay đụi thêm một báng súng nữa vào lưng Khải. Vết báng súng mới chồng lên vết báng súng cũ làm máu ở lưng anh bật ra đỏ thắm cả chiếc áo chemise. Khải hức lên một tiếng nhỏ. Anh cố nén tiếng hức khô khốc bằng đôi môi sưng vều dập nát. Chất nước ngòn ngọt có lẽ là máu sộc từ phổi lên miệng anh cái cảm giác mằn mặn. Khải bỗng nhớ đến mẹ. Nhớ ngôi nhà nhỏ, bậu cửa đã mòn vẹt, mà chiều nào mẹ cũng ngồi đó để đợi Khải về. Suốt bao nhiêu năm trời, mẹ vẫn đợi anh như vậy. Khải mười tuổi, mẹ đợi anh mười năm. Khải hai mươi tuổi mẹ đợi anh hai mươi năm. Khi Khải đã là giáo sư nổi tiếng, mẹ vẫn còn đợi anh nhiều hơn. Với nỗi lo sợ thường trực rằng người ta sẽ giết con của mẹ. Lo sợ vậy, nhưng mẹ tin con đường Khải đi. Chưa bao giờ mẹ ngăn cản anh. Gánh bánh bèo của mẹ đã nuôi Khải lớn thành người, đôi vai gầy của mẹ chỉ cho anh con đường đi. Bỗng dưng Khải nhớ ray rứt bàn tay mẹ vẫn thường vuốt ve gương mặt Khải khi bà tưởng anh đã ngủ. Những lúc như vậy, anh nằm yên, nín thở, nghe làn da gầy trên tay mẹ ram ráp niềm yêu thương.

Khải há miệng cố nuốt từng ngụm không khí lạnh buốt. Chưa chắc ngày mai anh còn sống để hít thở bầu không khí trong lành trên cánh đồng này. Cái chết đang lởn vởn theo Khải. Anh đoán chắc là mình không có thời gian để kịp suy nghĩ cho trọn vẹn một lẽ đời nào đó. Ôi! Cuộc sống này quý giá với anh biết bao nhiêu. Tiếng dế hoang kêu gần gũi dưới chân Khải kéo anh về với tuổi thơ êm đềm ngày nào. Những trò chơi náo nhiệt bên bến sông. Có lần Khải đã suýt chết đuối nếu không có bạn bè cứu. Khải khẽ mỉm cười một mình trong đêm tối. Anh cũng không hiểu tại sao mình có thể cười được trong lúc này, khi mà những cơn đau đang hành hạ anh, da thịt dập nát, tóc bết máu, đôi chân tê dại không giày lết trên con đường nhỏ lạnh buốt bùn lầy. Khải tin rằng, nếu Khải chết, bạn bè anh sẽ làm tiếp phần việc mà anh còn dang dở. Rồi Thúy, nàng cũng sẽ nguôi vết thương lòng. Chỉ có mẹ làm Khải ái ngại. Mẹ rồi sẽ côi cút một mình. Ai sẽ đỡ đần mẹ những lúc đau ốm. Chưa một ngày nào anh làm cho mẹ vui. Trong cuộc dấn thân này, đó là điều xót xa nhất của lòng Khải. Lẽ ra thì anh nên để lại một giọt máu. Đến bây giờ Khải mới nghĩ đến điều này, nhưng chắc là không còn kịp nữa. Không còn kịp nữa đâu hở mẹ. Không còn kịp nữa đâu Thúy ơi. Khải thầm thì thành tiếng giữa cánh đồng mông quạnh. Bầy dế hoang vô tư vẫn kêu gào một khúc nhạc đứt ruột đứt lòng.

Thằng đại úy giật sợi dây thừng bắt Khải đứng lại, rồi ra hiệu cho hai tên lính đi theo áp sát người Khải. Chiếc cọc tre được đóng vội vàng dưới chân ruộng bên con đường nhỏ. Khải bị trói chặt vào cọc. Cật tre lành lạnh khiến người anh tỉnh ra. Đêm như chợt sáng hơn. Bầu trời đêm cuối năm sà thấp xuống với những ngôi sao xa xa lấp lánh. Gió thổi rất nhẹ. Khải nghe mùi hương lúa thơm thơm nồng nàn. Bùn dưới chân anh âm ấm. Một cái hố cạn được đào bên cạnh Khải. Thằng đại úy vừa đào vừa thét lát, ba cái bóng mờ mờ chết chóc như đang ngụp lặn trong dòng phù sinh. Cái chết đang rất gần với Khải. Anh như nghe được mùi vị của nó trên lưỡi mình. Khải căng người giãn sợi dây trói, anh cố đứng thẳng lên đường hoàng trong đêm tối. Bấm đèn pin soi chiếc hố nham nhở với vẻ hài lòng, thằng đại úy chửi thề một tiếng, đưa năm ngón tay bẩn thỉu giật rách chiếc bọc áo ở ngực trái của Khải. Lồng ngực anh lộ ra sáng rực trong bóng tối.

Ba phát đạn nhỏ và đanh vang lên khô khốc.

Bầu trời bất chợt sáng lên. Những tia chớp soi rõ màu máu đỏ thắm trên ngực Khải.

Khải ngước nhìn lên vòm trời lần cuối. Những vì sao chợt nhòe trong mắt anh. Bóng sao rơi lả tả xuống đường chân trời.

Ba mươi năm sau ngày Khải mất, người viết truyện này đã tìm về ngôi nhà xưa của anh. Ngôi nhà nhỏ nằm trong quên lãng. Cảnh vật hầu như không có gì thay đổi kể từ khi nhà thơ nằm xuống. Không gian im vắng. Mái ngói âm dương rêu phong. Những chiếc cột mít nài thanh thanh lên nước bóng loáng theo thời gian. Cây vải trạng trong khu vườn xưa cũng đã chết. Chỉ còn lại một mảnh sân đất nâu nâu ngày tháng u hoài. Trên chiếc bàn gỗ đầy mối mọt, trang thơ siêu thực cuối cùng của Khải vẫn còn để mở. Nét chữ tài hoa như một định mệnh hằn rõ trên trang giấy đã ố vàng.

Con đã đi bao năm Mẹ không rời ngưỡng cửa
Và nay Gió cũng tang bồng
Nhưng thi sĩ vẫn nằm yên trong nhà tù vĩnh cửu
.

N.X.H

-------------------
* Những câu thơ trích trong truyện ngắn này là của nhà thơ - liệt sĩ Ngô Kha.


Nguồn: Thanh niên Cuối tuần





 

Các bài mới
Các bài đã đăng