Tạp chí Sông Hương -
Nữ dịch giả người Thái Lan Morita Rato: Văn học Việt như một khu vườn kỳ bí
08:53 | 19/09/2014

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ là những tác phẩm dịch sang tiếng Thái do nữ dịch giả Morita Rato chuyển ngữ. Với chị, văn học Việt như một khu vườn kỳ bí.

Nữ dịch giả người Thái Lan Morita Rato: Văn học Việt như một khu vườn kỳ bí
Sách VN do Morita Rato dịch ra tiếng Thái - Ảnh: nhân vật cung cấp

Vốn mê thích lịch sử Đông Nam Á, thích học tiếng Việt, ấn tượng đặc biệt về chiến thắng Điện Biên Phủ, từng nghiên cứu về ngôn ngữ và văn học Đông Nam Á, viết luận văn tiến sĩ về văn học VN thời kỳ sau năm 1975, dịch giả Thái Lan Morita Rato đã dành rất nhiều tâm huyết trong việc giới thiệu văn học Việt cho độc giả Thái.

Chị cũng cho biết cảm hứng dịch sách văn học Việt của chị bắt nguồn từ sau khi đọc cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm. “Tôi thấy được những giá trị nhân văn cao cả và ấn tượng trước quyết tâm sống vì người khác của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Đây chính là tất cả lý do khiến tôi thấy cần phải chia sẻ những câu chuyện trong cuốn nhật ký này với độc giả Thái Lan, để mọi người cùng có cơ hội được đọc nó. Bản dịch này được in năm 2006”, chị nói.

 
 

Tôi mong ước được dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du vì đây là kiệt tác văn học VN nhưng tôi chưa dám thử sức. Có lẽ đây sẽ là dự án trọn đời mà tôi có thể đóng góp cho quan hệ Thái - Việt qua văn học...


Ảnh: nhân vật cung cấp 

Dịch giả MORITA RATO

 

Cơ duyên dịch cuốn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (bản dịch xuất bản năm 2011) đã đến vào năm 2010, khi chị làm phiên dịch cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, từ VN sang Thái Lan nhận giải thưởng văn học ASEAN năm 2010. Chị cho biết Nguyễn Nhật Ánh có cách kể chuyện rất cuốn hút, cách viết nhẹ nhàng, khi bắt đầu cầm cuốn sách lên đọc rồi thì khó có thể dễ dàng đặt xuống. “Tôi đã nhanh chóng đọc hết cuốn sách và ngay lập tức hiểu ra rằng tại sao các tác phẩm của ông được bán chạy và được tất cả các thế hệ độc giả từ nam tới nữ, đặc biệt là thế hệ trẻ yêu thích. Bởi sáng tác của ông không chỉ phản ánh góc nhìn về xã hội VN đương đại, mà còn đem lại cảm giác thoải mái khi đọc. Nếu người Thái từng chỉ biết đến VN thông qua những tin tức về chiến tranh hay một đất nước đang phát triển vượt bậc về kinh tế thì cuốn sách này sẽ mở ra một cánh cửa để chúng ta nhìn VN trên một bình diện khác. Các nhân vật hết sức tinh nghịch trong tác phẩm sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản chất của người Việt, cả trẻ con và người lớn”, nữ dịch giả nhận định.

Khi được hỏi về bản dịch thứ ba Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (2013), chị nói: “Tôi quyết định dịch tác phẩm này bởi nhan đề hấp dẫn, cuốn hút, khiến người đọc muốn biết nội dung nói về vấn đề gì và tại sao lại phải vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ. Và những giải thưởng mà tác phẩm đạt được cũng giúp nhà xuất bản bên Thái Lan ngay lập tức đồng ý và tiến hành việc mua bản quyền để xuất bản cuốn sách này tại Thái Lan. Tác phẩm còn đan xen những câu chuyện về chiến tranh nhằm giúp trẻ em hiểu về lịch sử, sự hy sinh của cha ông và dạy cho các em thấu hiểu về nỗi đau buồn, mất mát, nỗi thất vọng cũng như cái chết khiến chúng ta phải chia lìa những người thân yêu”.

Dịch Truyện Kiều sẽ là dự án trọn đời

Morita Rato thừa nhận dù trong quá khứ, văn học VN chưa có chỗ đứng trong xã hội Thái Lan, song phong trào hướng tới cộng đồng ASEAN vào năm 2015, đã khiến người Thái bắt đầu quan tâm tới việc tìm hiểu và “đọc” nhiều hơn về các quốc gia láng giềng. Đây là một cơ hội tốt, tạo ra một không gian nhỏ cho văn học VN để từ đó dần dần có thể cạnh tranh nhằm giành lấy một chỗ đứng bên cạnh các nền văn học khác trên thế giới tại Thái Lan. “Tôi mong ước được dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du vì đây là kiệt tác văn học VN nhưng chưa dám thử sức. Có lẽ đây sẽ là dự án trọn đời mà tôi có thể đóng góp cho quan hệ Thái - Việt qua văn học trước khi tôi nghỉ hưu”, Morita Rato cho biết.

Theo Ngọc Bi - TN

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng