Tạp chí Sông Hương -
Lê Quang, Trang Hạ chia sẻ về 'sự bạc bẽo của nghề dịch'
14:06 | 23/09/2014

Dịch giả Lê Quang và nhà văn Trang Hạ cùng cho rằng dịch thuật ở nước ta là một nghề chưa được trả công xứng đáng, thậm chí là "nạn nhân" của ngành xuất bản.

Lê Quang, Trang Hạ chia sẻ về 'sự bạc bẽo của nghề dịch'
Từ trái qua: Dịch giả Lê Quang, MC chương trình, nhà văn Trang Hạ và PGS Đinh Hồng Vân (Giám đốc Trung tâm Biên Phiên dịch Quốc tế CFIT) tại buổi trò chuyện.

Tham gia chương trình trò chuyện với chủ đề "Dịch thuật thời công nghệ số" tổ chức ngày 21/9 tại Hà Nội, hai gương mặt trong làng dịch thuật Việt Nam đã chia sẻ những câu chuyện nghề giá trị. Trang Hạ kể, một ngày chị đi mua sách, hóa đơn lên tới 4,6 triệu đồng nhưng chỉ có 60.000 đồng mua sách văn học Việt. Điều này cho thấy ở thị trường sách Việt Nam, sách nước ngoài đang chiếm trọng lượng lớn, và người cầm trịch trong thị trường là dịch giả chứ không phải là các tác giả. Thế nhưng các dịch giả không thể làm chủ được tác phẩm của mình, mà phụ thuộc phần lớn vào nhà xuất bản.

Theo Trang Hạ, các dịch giả hiện nay đều bị trả công thấp, hầu như không có ai chỉ sống bằng nghề dịch. Dịch giả Lê Quang cũng khuyên: "Nếu chỉ trông vào nghề này thì chết luôn. Ai làm nghề này nên kiếm cho mình một nghề khác". Theo Lê Quang, các bản dịch của anh thường được trả theo tỷ lệ 7% giá tiền in trên bìa sách. "Các nhà làm sách nói, đến cụ Dương Tường tiền công cao nhất cũng chỉ được 60.000 đồng cho một trang dịch tiểu thuyết. Như vậy thì chúng tôi mong gì được trả công cao hơn. Một cuốn sách dịch chúng tôi được trả 9 triệu, cao nhất là 20 triệu, có cuốn chỉ dừng ở con số 4 tới 5 triệu. Nói thực là 4 triệu không đủ tiền cà phê, tiền điện cắm máy tính trong suốt mấy tháng trời tôi dịch cuốn sách đó" - Lê Quang nói.

Tiền công thấp, người dịch, giống như các tác giả trong nước, thường xuyên bị xâm hại bản quyền. Theo dịch giả Lê Quang, nhiều đơn vị làm sách nước ta thường in nối bản, và rất ít nơi trả phần trăm tiền dịch cho những bản in nối. Tiền công dịch giả nhận thường chỉ được nhân với số bản in lần đầu tiên, còn những lần in sau, dịch giả đều ngậm ngùi chua xót khi không có thêm tiền công như đáng ra họ được hưởng.

Với kinh nghiệm lâu năm, Lê Quang nhận định: "Nghề này bạc bẽo vô cùng. Nếu bản dịch dở, người ta sẽ cho rằng bạn dở. Còn nếu bản dịch hay, thì người ta sẽ khen tác giả hay". Cả hai dịch giả đều cho rằng, dịch thuật là một nghề cô đơn. "Bạn đừng trông chờ sẽ chia sẻ công việc này với ai. Chỉ mình bạn trong phòng với văn bản gốc, làm việc với từng từ. Đôi khi, chỉ vướng một từ mà ta mất ngủ cả đêm" - Lê Quang nói. Nhà văn Trang Hạ cũng đồng tình: "Dịch giả là người tự tại, cô đơn trong thế giới của mình. Bạn đừng mong tìm được nhiều tiền bạc hay sự nổi tiếng ở nghề này".

Có mặt tại buổi trò chuyện, dịch giả Thúy Toàn nói ông tới là để học hỏi. "Nghề này phải học suốt đời. Tôi tuổi đã cao, có nhiều năm trong nghề, nhưng vẫn cần học hỏi các bạn ở đây về nhiều điều" - vị dịch giả uy tín chuyên dịch văn học Nga nói.

Trước câu hỏi trong thời công nghệ số phát triển, nghề dịch bị ảnh hưởng thế nào, mỗi người đưa ra một ý kiến. Lê Quang cho rằng công nghệ số không ảnh hưởng tới nghề, bởi Google Translate là một lĩnh vực khác, không liên quan. Nhưng Trang Hạ cho rằng công nghệ số thay đổi hoàn toàn bức tranh dịch thuật. Nhiều người trở thành cái máy dịch do lệ thuộc vào các công cụ số, nhiều khi tạo ra những thảm họa dịch. Theo Trang Hạ công nghệ chỉ ảnh hưởng nhiều tới những người làm chẳng ra gì, còn với những dịch giả tận tâm, thì sự phát triển này chẳng mấy chi phối họ.

Được trả công thấp, thường bị vi phạm bản quyền, và chưa được ghi nhận xứng đáng, nhưng nhiều dịch giả vẫn theo đuổi nghề và tìm cách để sống được bằng nghề, nuôi nghề. Khi đã đủ khả năng thẩm định, người dịch sẽ tự đi mua bản quyền để chuyển ngữ, sau đó bán lại bản quyền cùng công dịch trọn gói cho đơn vị xuất bản trong nước.

Trang Hạ cho biết chị định chuyển ngữ tác phẩm nào sẽ mua bản quyền trước, sau đó mới dịch. Chị không dịch sách của những tác giả nổi tiếng. Ví dụ, tác giả Mẹ điên là một ông bán thịt, nhưng khi sách chị dịch ra tiếng Việt, tác phẩm vẫn có sức lay động nhất định. Nhiều tác phẩm khác được Trang Hạ dịch đều thành công ở Việt Nam. Vì vậy, trung bình mỗi tuần Trang Hạ nhận được ba, bốn lời đề nghị từ các nhà xuất bản nhờ chị chọn tác phẩm để dịch.

Dịch giả Lê Quang gọi cách mua tác quyền để dịch là "buôn bản quyền". Anh nói: "Tôi đi mua bản quyền với giá 200 USD, rồi đi bán lại với giá 500 USD. Như vậy chỉ cần có bản quyền là đã có thể ăn chênh lệch, chứ nghề dịch mà chỉ trông vào tiền công chuyển ngữ thì nên bỏ đi".

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tự đi mua bản quyền sách, chuyển ngữ rồi chào bán cho các đơn vị xuất bản. Để làm được như vậy, cần có sự thẩm định tác phẩm tốt, có uy tín trong nghề. 

Lê Quang là dịch giả tiếng Đức, được biết tới với 25 đầu sách dịch đã xuất bản ở Việt Nam. Nhiều cuốn sách được anh chuyển ngữ là những tác phẩm khó, như Tuyết (Orhan Pamuk), Tình ơi là tình (Elfriede Jelinek), Đo thế giới (Daniel Kehlmann), Người đọc (Bernhard Schlink), Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và Chốn tận cùng thế giới (Haruki Murakami), Phút tráng lệ cuối đời (Michael Krumpfmuller)...

Không chỉ viết văn, làm báo, làm truyền thông, Trang Hạ còn được biết tới như một dịch giả đã làm nên thành công của nhiều cuốn sách như Xin lỗi em chỉ là con đĩ, Mẹ điên, Lỡ tay chạm ngực con gái, Sợi dây tình yêu...

Nguồn: Lam Thu - vnexpress

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng