Tạp chí Sông Hương -
Ngư dân thiếu chỗ neo đậu tàu thuyền trong mùa mưa bão
14:42 | 26/09/2014

Mặc dù tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chi hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các âu thuyền, cảng cá có khu neo đậu tàu nhưng do xuống cấp, hư hỏng và bị luồng lạch bồi lấp nên đến nay, những công trình này không phát huy hết tác dụng đúng với thiết kế ban đầu. Thực trạng này đã khiến hàng ngàn ngư dân ở các xã ven biển thuộc huyện Phú Vang, Phú Lộc lo lắng, nhất là khi mùa mưa bão đang cận kề. 

Ngư dân thiếu chỗ neo đậu tàu thuyền trong mùa mưa bão

Theo ý kiến phản ánh của nhiều ngư dân xã biển Phú Hải (Phú Vang), âu thuyền Phú Hải được xây dựng từ năm 2010, với kinh phí 42 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 500 tàu thuyền cho ngư dân trong xã và các xã Phú Thuận, Phú Diên... đến trú ẩn. Thế nhưng hơn 2 năm qua, do luồng lạch vào âu thuyền này đã bị bồi lấp nên mỗi khi có bão, ngư dân phải chạy tàu đến các khu neo đậu tàu ở tỉnh bạn để trú ẩn. Vào tháng 10/2013, một số tàu ngư dân không kịp đi nơi khác trú bão đã cố chạy vào khu neo đậu tàu Phú Hải thì bị mắc cạn, suýt bị sóng biển đánh chìm nhưng rất may được cứu hộ kịp thời. Ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hải cho biết: Xã Phú Hải có khoảng 100 tàu thuyền lớn, nhỏ, nhưng khoảng 40 tàu cá công suất từ 200-360CV phải neo đậu ở các âu thuyền ngoại tỉnh, vì không thể vào được âu thuyền Phú Hải, do luồng tàu vào âu thuyền bị bồi lấp nghiêm trọng...

Trong tình cảnh tương tự, ngư dân ở các xã biển Lộc Trì, Lộc Vĩnh, Lộc Bình, Vinh Mỹ... (Phú Lộc) phải cho tàu cá chạy vào cảng Đà Nẵng để tìm chỗ neo đậu tàu. Ngư dân Nguyễn Văn Linh (thôn Đông Hải, Lộc Trì) tâm sự: "Mùa mưa bão năm nào cũng thế, sau mỗi chuyến biển thì bà con ngư dân trong thôn đều phải chạy vào cảng Đà Nẵng để "xin" neo tàu, với cước phí từ 50-60 ngàn đồng/ngày đêm. Để đảm bảo an toàn cho tàu nên hầu hết ngư dân đều chấp thuận với giá này, còn hơn là neo tàu ở cửa biển sẽ bị sóng biển đánh chìm". Trái ngược với thực trạng thiếu chỗ neo đậu tàu thuyền là cảnh thi công cầm chừng do thiếu vốn tại công trình khu neo đậu tàu Đông Hải (Lộc Trì), có tổng số vốn đầu tư trên 58 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục KT&BV nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, trên địa bàn tỉnh có gần 1.750 tàu thuyền công suất lớn, nhỏ hoạt động trên biển và vùng đầm phá Tam Giang nhưng chỉ có 30 âu thuyền được xây dựng ở 26 xã ven biển nên chỉ mới đáp ứng việc neo đậu, tránh trú bão của khoảng 50% tàu thuyền. "Trong khi đó, nhiều âu thuyền đã xây dựng nhưng không sử dụng và bị xuống cấp. Vì thế việc tìm chỗ trú ẩn cho tàu thuyền của bà con ngư dân vào mỗi mùa mưa bão luôn là vấn đề nan giải!", ông Bình khẳng định

Theo CADN

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng