Tạp chí Sông Hương -
Quảng Điền đẩy mạnh phong trào văn hóa đọc
08:35 | 02/10/2014

"Ðọc muôn quyển sách, đi muôn dặm đường", sách sẽ làm phong phú thêm đời sống văn hóa và bổ sung những khiếm khuyết về tri thức do khoảng cách vùng miền tạo ra. Ðược như vậy, một phần quan trọng cũng là nhờ những thư viện sách nho nhỏ dưới lũy tre làng, trường học. Chính những tủ sách, thư viện bé nhỏ nhưng đã mang lại giá trị lớn kho kiến thức vô giá để chắp cánh cho những ước mơ. Mô hình này cần được nhân rộng hơn nữa để thực hiện đúng theo tinh thần nghị quyết học suốt đời.

Quảng Điền đẩy mạnh phong trào văn hóa đọc

Hiện nay trên địa bàn huyện Quảng Điền có nhiều loại hình thư viện, từ thư viện huyện, thư viện trường học đến thư viện thôn đã phát triển khá mạnh. Hệ thống thư viện ở làng thôn phát triển đã tạo nên phong trào đọc sách và trở thành văn hóa đọc. Chính sự đam mê đọc sách của người dân trên địa bàn huyện đã tác động sự ra đời của hàng loạt thư viện thôn, đến nay toàn huyện đã hình thành hơn 20 thư viện sách ở các làng văn hóa huyện Quảng Ðiền.

Thị trấn Sịa là địa phương có đến 06 tủ sách của làng và gia đình. Trong đó, làng Thạch Bình có một thư viện làng ra đời sớm và hoạt động hiệu quả nhất trên địa bàn huyện với hơn 4.000 đầu sách. Người đọc được phát thẻ, có thư mục sách, phải giữ yên lặng không làm phiền người khác. Mỗi tuần, thôn mở cửa từ 2 đến 3 ngày, mỗi ngày thu hút từ 60 đến 70 lượt người đọc. Trẻ em say sưa đọc truyện cổ tích, truyện tranh, đọc sách tham khảo, nâng cao việc học của mình. Người lớn thì quan tâm các sách về dịch bệnh, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Cũng tại thị trấn Sịa, tủ sách ở thôn An Gia có gần 2.000 cuốn. Tủ sách thôn đã huy động các giáo viên, bà con trong làng ủng hộ mỗi người một cuốn. Vì vậy, tủ sách tại các thôn là của chung và cũng là điểm đến của tất cả mọi người dân trong thôn. Thư viện mở ra ngày càng nhiều đã góp phần giảm tải cho thư viện huyện, thị trấn và các em dễ dàng tiếp cận, tra cứu sách hơn.

Đến xã Quảng Thành, chị Nguyễn Thị Dạ Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã giới thiệu chúng tôi về truyền thống hiếu học của địa phương. Cùng với những tri thức được học trực tiếp từ các thầy cô, các em học sinh các cấp trên địa bàn xã đã được tiếp cận nguồn tri thức phong phú, dồi dào từ sách vở thông qua thư viện trường học và thư viện làng thôn. Tại nhà văn hóa thôn An Thành, hệ thống thư viện thôn đã được hình thành từ năm 2005 với 300 đầu sách các loại từ sách thiếu nhi, sách giáo khoa, sách tham khảo và những loại sách về kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt… Anh Đỗ Ngọc Ninh - Trưởng thôn An Thành và cũng là người phụ trách giữ thư viện sách của thôn cho biết, thư viện thôn từ ngày đi vào hoạt động đến nay đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân địa phương, thư viện được mở cửa vào thứ 5 và thứ 7, đối tượng đến tham gia đọc sách đủ lứa tuổi từ người gia đến học sinh, người lớn đến đây để đọc những loại sách tham khảo về kiến thức chăn nuôi trồng trọt, trẻ em đến đây để đọc các loại sách văn hóa phục vụ cho nhu cầu học của các em.

Khác với tủ sách của làng là có nhiều đầu sách, có quy định giờ mở cửa, có thẻ đọc, có sổ ghi chép... thì tủ sách gia đình lại khá thoải mái về giờ giấc. Ở thôn Hà Lạc xã Quảng Lợi, phong trào thư viện gia đình phát triển khá mạnh, điển hình là ông Hồ Văn Dũng. Tuổi thơ lớn lên trong nghèo khó, gian nan không có điều kiện học hành nhưng chính những cuốn sách mà ông mượn từ bạn bè, thầy cô đã cho ông tri thức, kinh nghiệm và tình yêu cuộc sống. Ước ao có một tủ sách gia đình để giúp các em đọc đã thôi thúc ông tìm mọi cách xây dựng cho bằng được. Từ năm 2008 đến nay, tủ sách của gia đình ông đã có chừng 300 cuốn với đủ các loại, từ sách tham khảo cho học sinh tiểu học, THCS, PTTH, đến sách khoa học - kỹ thuật, sách y học, truyện ngắn. Nhà ông ở gần Trường tiểu học xã Quảng Lợi, mỗi khi rảnh rỗi, các em học sinh lại chạy sang tủ sách của ông mượn đọc. Mỗi khi vắng nhà, ông lại bàn giao cho vợ, vợ ông vừa bán hàng, vừa mở cửa cho các em vào đọc. Ðiều làm ông vui nhất chính là ý thức tự giác của các em học sinh nơi đây. Ông không làm thẻ, không ghi chép, các em tự ghi vào sổ mượn bao nhiêu sách, bao nhiêu ngày rồi tự đến trả, vậy mà ông chẳng bao giờ mất cuốn nào.
Một trong những người có sự tác động, đóng góp đến việc phát triển văn hóa đọc của huyện Quảng Điền là ông Lê Hữu Thận, một người con của huyện Quảng Ðiền hiện đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh. Với tâm huyết của người giáo viên đã về hưu, mỗi khi ra thăm quê thấy cảnh học sinh thiếu sách, thiếu vở ông Thận đã vận động các thành viên trong nhóm Thiện Nguyện hỗ trợ xây dựng các tủ sách để dần dần hình thành thư viện làng như ngày nay.


Theo Tỉnh ủy Huế

 

 

 

 

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng