Tạp chí Sông Hương -
Thừa Thiên - Huế: Dự án thủy điện “treo”, hàng trăm hộ lâm cảnh khốn đốn
14:54 | 06/10/2014

Dân thiệt hại nặng nề

Ông Nguyễn Ngọc Đoàn (thôn 2, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông) có hơn 5ha đất trồng keo và cao su nằm trong diện bị thu hồi bởi Dự án Thủy điện Thượng Nhật. Từ năm 2005 đến nay, sau khi dự án được cấp phép đầu tư rồi “treo” dai dẳng, sản xuất của gia đình ông Đoàn đình trệ. “Gia đình tôi không thể phát triển sản xuất trên đất từ đó đến nay vì đất và cây cối đã được kiểm kê để chờ đền bù. Gần 10 năm trời vợ chồng tôi phải khốn khổ làm thuê để nuôi 5 đứa con ăn học”- ông Đoàn bức xúc.

Trường hợp của gia đình ông Đoàn cũng là cảnh ngộ chung của hàng loạt hộ ở các thôn 2, 3, 4 của xã Thượng Nhật. Theo UBND xã Thượng Nhật, dự án thủy điện này được cấp phép trên điện tích 230ha đất trồng cao su, rừng keo và hoa màu của hơn 200 hộ dân ở xã. Từ năm 2005 đến nay, sau khi được cấp phép đầu tư, dự án mới chỉ thi công được một đoạn đường ngắn và một cây cầu nhỏ rồi “trùm mền”. Vì chờ giải tỏa nên hoạt động sản xuất trên 230ha đất này đình trệ, cuộc sống của người dân khốn đốn.

Ông Trần Văn Biển- Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật- cho biết: Tại các cuộc tiếp xúc cử tri vừa qua, người dân ở xã đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép đầu tư đối với dự án để trả lại đất cho người dân phát triển sản xuất. Tuy nhiên, tỉnh chỉ cho biết dự án đang tạm thời ngừng xây dựng và không cho biết sẽ ngừng trong thời gian bao lâu. “Vì không biết khi nào dự án sẽ triển khai lại nên bà con không dám chủ động phát triển sản xuất, cuộc sống vì thế ngày càng tụt dốc”- ông Biển cho biết.

Thiếu thẩm định năng lực doanh nghiệp

Theo tìm hiểu của NTNN, Dự án Thủy điện Thượng Nhật trước đây được UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cấp phép cho Công ty Sản xuất vật liệu và xây dựng Cosevco 1. Sau đó, dự án được chuyển cho chủ đầu tư khác là Công ty cổ phần Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam vào tháng 2.2008. Sau khi được “bán” cho chủ đầu tư mới, dự án chỉ triển khai được vài công trình phụ trợ nhỏ rồi “đắp chiếu”, đến nay đã chậm tiến độ 5 năm.

Cuối năm 2013, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế từng cho biết chủ đầu tư Dự án Thủy điện Thượng Nhật không đảm bảo năng lực tài chính, kỹ thuật và quản lý dự án. Từ đó, tỉnh cho biết đang nghiên cứu xử lý dự án theo hướng không gia hạn tiến độ, thu hồi dự án, nhưng đến nay dự án vẫn chưa được thu hồi. Ngoài Dự án Thủy điện Thượng Nhật, nhiều dự án thủy điện khác trên địa bàn Thừa Thiên- Huế sau khi được cấp phép thời gian dài cũng được triển khai với tiến độ “rùa bò”. Đơn cử như Dự án Thủy điện A Lin, được xây dựng tại các xã Hồng Vân, Hồng Trung (huyện A Lưới) và Phong Xuân (huyện Phong Điền).

Sau hơn 4 năm từ ngày khởi công, dự án thủy điện này vẫn chưa rõ hình hài trong khi người dân bị ảnh hưởng bởi dự án thiếu đất sản xuất trầm trọng. Theo ông Lê Đình Khánh- Phó Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Thừa Thiên- Huế, do chủ đầu tư khó khăn về nguồn lực nên dự án này bị chậm tiến độ so với cam kết. “Vừa rồi, chúng tôi đã đi khảo sát và yêu cầu nhà đầu tư cam kết và tìm đối tác hỗ trợ về tài chính. Chủ đầu tư đã có văn bản gửi cho tỉnh để xin xem xét cho gia hạn dự án”- ông Khánh nói.

Dư luận cho rằng, việc để dự án thủy điện trên “treo” kéo dài, lỗi thuộc về UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế. Cụ thể, UBND tỉnh đã “vô tư” cấp phép dự án trong khi thiếu thẩm định năng lực thực tế của doanh nghiệp và hậu quả thì người dân phải gánh chịu.

Theo danviet.vn

 

 

 

Thừa Thiên - Huế: Dự án thủy điện “treo”, hàng trăm hộ lâm cảnh khốn đốn
Các bài mới
Các bài đã đăng