Tạp chí Sông Hương -
Hải Triều - chiến sĩ tiên phong trên lĩnh vực văn hóa
14:57 | 06/10/2014

1. Hai mươi năm về trước, ngày 12-8-1994, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa- thông tin, cùng Viện Văn học, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày mất Hải Triều. 

Hải Triều - chiến sĩ tiên phong trên lĩnh vực văn hóa
Những cuốn sách tập hợp các bài viết của nhà nghiên cứu Hải Triều
Trong suốt thập niên 1990, rồi 2000, cho đến 2013, lần lượt các hội thảo kỷ niệm 100 năm sinh của nhiều tên tuổi là nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu - phê bình đã được tổ chức, qua đó khẳng định vai trò và vị trí của một Thế hệ Vàng của văn chương - học thuật Việt Nam hiện đại; những tên tuổi đã làm nên một thời kỳ rực rỡ, ngoạn mục của thế kỳ XX. Đó là thời 1930-1945, thực hiện trọn vẹn yêu cầu hiện đại hóa, sau 30 năm giao thời đầu thế kỷ.
 
Lẽ ra hội thảo kỷ niệm 100 năm sinh Hải Triều phải được tổ chức vào năm 2008, nhưng không hiểu sao chúng ta lại bỏ qua. Có thể do vậy mà cần đến cuộc hội thảo kỷ niệm 60 năm ngày mất của ông vào hôm nay.
 
Hải Triều là một tên tuổi quan trọng trong sinh hoạt văn chương- học thuật thời kỳ 1930-1945. Ông vừa giống vừa khác với thế hệ những đồng nghiệp cùng thời, nếu xét trên phạm vi các mối quan tâm về học thuật. Trước ông là Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Đào Duy Anh, Thiếu Sơn... Sau ông là Hoài Thanh, Đinh Gia Trinh, Kiều Thanh Quế, Trương Tửu... Giống, đó là sự "khoanh vùng” trong phạm vi học thuật, gồm lý luận - phê bình văn học, rộng ra còn là triết học, chính trị và xã hội. Khác, ở xuất phát điểm. Với biệt danh là Xích Nam Tử (Chàng trai đỏ) Hải Triều là người giác ngộ cách mạng rất sớm, mặc dầu ông thuộc dòng dõi "thế gia vọng tộc”; từ 1929 đã tham gia Tân Việt, 1930 gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi ngồi nhà tù thực dân một năm rưỡi; đến 7-1932 được trả tự do, nhưng vẫn bị theo dõi, quản thúc. Trong hoàn cảnh gần như bị giam lỏng, Hải Triều đã chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực báo chí; lợi dụng tình thế công khai để tuyên truyền các lý thuyết cách mạng; trước hết là triết học duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác, qua cuộc tranh luận về Duy tâm và Duy vật với nhà báo Phan Khôi - trong hai năm 1933-1934; để có quyển sách đầu tiên: Duy tâm hay Duy vật (1936). Tiếp đó là lý luận văn học - nghệ thuật trong cuộc tranh luận "Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh”, thoạt đầu với Thiếu Sơn, sau đó là Hoài Thanh cùng một số tên tuổi khác như Lưu Trọng Lư, Lê Tràng Kiều trong hai năm 1935-1936, rồi tiếp tục cho đến 1938. Đầu năm 1940 Hải Triều lại phải vào tù cho đến tháng 3-1945 nên mạch viết của ông bị ngắt quãng.
 
Có thể nói thời kỳ sôi nổi, đưa Hải Triều lên hàng đầu những cây bút gây sóng gió trên trường văn trận bút là thời 1935-1938; thời Hải Triều là chủ tướng của một phe gồm nhiều chiến hữu như Hải Vân, Hải Khách, Hồ Xanh, Lâm Mộng Quang, Bùi Công Trừng... Chỉ có điểu đáng lưu ý là các bài viết rất sắc sảo, quyết liệt trong thắng thua của Hải Triều lúc này, phải chờ đến năm 1965, sau khi ông qua đời mới được Hồng Chương sưu tập đưa in, dưới cái tên: Hải Triều- Về văn học- nghệ thuật; còn lúc đương thời Hải Triều chỉ mới đưa in một cuốn sách mỏng, dăm chục trang, có tên Văn sĩ và xã hội (1937). 
 
2. Trở lại cuộc bút chiến giữa hai phe Nghệ thuật vị nghệ thuật và Nghệ thuật vị nhân sinh. Thực ra, có lúc Hải Triều dùng chữ dân sinh, thay cho nhân sinh, để thu hẹp lại cõi nhân gian, và để cụ thể hóa - đám cùng dân lao khổ. Trong tư cách là nhà lý luận được soi sáng bởi chủ nghĩa Mác, có thể xem Hải Triều là nhà lý luận mác xít đầu tiên ở Việt Nam, là người đã vận dụng chủ nghĩa Mác để tìm hiểu, giải thích và định hướng cho một nền văn hóa mới, một nền văn nghệ mới đang trong giai đoạn hình thành, khi công cuộc hiện đại hóa đã có được hình hài trọn vẹn của nó. Gốc là nhà lý luận, hơn nữa là nhà lý luận mác xít, Hải Triều hẳn đã rất vui, rất sung sướng khi gặp được tập truyện Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, in năm 1935; rồi Lầm than của Lan Khai, in năm 1938, để minh chứng và khẳng định niềm ao ước của mình; ao ước một nền văn học tả thực xã hội (réalisme socialiste). Đáng tiếc là ngoài hai cuốn đó, Hải Triều còn chưa biết, hoặc biết mà ông chưa có dịp viết về Bước đường cùng và Tắt đèn, với sức chứa hiện thực và sức tố cáo còn cao hơn. Cũng rất tiếc, càng tiếc là những tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc như Bản án chế độ thực dân Pháp bằng tiếng Pháp và Nhật ký chìm tàu bằng tiếng Việt còn ở ngoài tầm đọc của ông. Không nói những bài thơ đầu tay của Tố Hữu, viết năm 1937-1938, được chuyền tay trong bí mật, như Mồ côi, Hai đứa bé, Vú em, Lão đầy tớ...
 
Thời kỳ 1930-1945 chứng kiến nhiều cuộc tranh luận học thuật, nhưng phải nói là cuộc tranh luận giữa hai phe - Hải Triều một bên và Hoài Thanh, Thiếu Sơn một bên, là sôi nổi và để lại nhiều bài học cho hậu thế hơn cả.
 
Nghệ thuật bắt nguồn từ lao động, xét từ các khởi nguyên của nó, đúng như Hải Triều đã phân tích, trong bài Nghệ thuật với nhân sinh. Nhưng trên sự phát triển của lịch sử loài người, nghệ thuật còn đón nhận thêm nhiều nguồn mạch mới, để mở rộng phạm vi hoạt động và sức tác động, trong đó, nhu cầu giải trí cũng là một nguyên cớ cho văn chương - nghệ thuật xuất hiện, tồn tại và phát triển.
 
3. Đọc lại Hải Triều hôm nay quả không khó khăn trong việc nhận ra những mặt chưa đầy đủ hoặc còn sơ hở trong các lĩnh vực triết học duy vật và lý luận nghệ thuật tả thực xã hội mà Hải Triều chủ trương, nhằm bảo vệ, cổ vũ cho việc xây dựng một nền nghệ thuật mới của giai cấp vô sản, của cách mạng xã hội chủ nghĩa, theo tấm gương Liên Xô và Cách mạng tháng Mười lúc này còn đang tỏa ánh hào quang. Nhưng việc nhận lại những mặt còn sơ hở, hoặc để ngỏ của lý luận không làm giảm nhẹ niềm ngưỡng mộ của chúng ta đối với Hải Triều, người chiến sĩ tiên phong  trên lĩnh vực văn hóa, người xây nền móng cho nền văn hóa mới Việt Nam từ những năm 1930 của thế kỷ trước. Đó là thời kỳ mà những yêu cầu về chính trị đặt ra cho dân tộc phải chiếm vị trí hàng đầu. Dẫu có bàn về văn hóa, văn học, nghệ thuật, hoặc bất cứ lĩnh vực nào của đời sống xã hội và tinh thần cũng không được phép xa rời đời sống chính trị, và các yêu cầu của chính trị. 
 
Từ sau 1945 đến 1954 Hải Triều phải đảm trách nhiều công việc quan trọng trên lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, nên ông không còn nhiều thời gian để viết cho lý luận văn học nghệ thuật. Mất ở tuổi 46, rõ ràng không chỉ là quá sớm đối với Hải Triều, mà còn là quá sớm, và rất đáng tiếc đối với giới tuyên truyền, nghiên cứu, lý luận văn học và báo chí Việt Nam sau 1954. Bởi, dường như hầu hết, nếu không nói là tất cả những tên tuổi tiêu biểu của báo chí và văn chương sau 1945 đều đặt hy vọng rất lớn vào vai trò của ông như một trong những người dẫn đầu. Nhớ Hải Triều, tôi lại nghĩ đến Nam Cao, người mất trước ông ba năm; cả hai tuy ra đi quá sớm, nhưng vẫn đủ để lại một gương mặt thật sáng giá thuộc thế hệ Vàng của văn chương - học thuật Việt Nam hiện đại.
 
Theo daidoanket.vn
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng