Tạp chí Sông Hương -
Nguồn sáng Vũ Ngọc Phan
09:51 | 08/10/2014

Thưởng thức là ngưỡng cửa của phê bình. Chưa bước qua ngưỡng cửa ấy mà nhảy vào cầm bút phê bình thì nhất định mắc phải những sai lầm tai hại. Không còn gì ngượng bằng đọc một bài người ta đem dẫn toàn những câu thơ dở và những câu ca dao dở mà lại đi khen là hay”. (Vũ Ngọc Phan, trích từ Hồi ký văn nghệ, tạp chí Văn Học, Hà Nội, số 4 năm 1983, trang 168).

Nguồn sáng Vũ Ngọc Phan
Nhà văn Vũ Ngọc Phan

Trong một mùa hè năm 1987, văn học Việt Nam đã chịu hai cái đại tang. Nguyễn Tuân ra đi, một giọng nói chìm xuống. Vũ Ngọc Phan ra đi, một nguồn sáng lịm tắt. Kỳ trước tôi đã viết về Nguyễn Tuân, trong niềm đau đớn thảng thốt của kẻ mất đi một người bạn vong niên. Kỳ này tôi viết về Vũ Ngọc Phan, trong nỗi ngậm ngùi sâu lắng của một môn sinh tưởng niệm bậc thầy.

Nhà văn, phê bình và biên khảo Vũ Ngọc Phan qua đời tại Hà Nội ngày 14-6-1987, hưởng thọ được tám mươi lăm tuổi; tuy tuổi trời đã vượt xa cái mức “xưa nay vốn hiếm”, Vũ Ngọc Phan đã ra đi trong sự tiếc nuối không cùng của giới văn học, trong và ngoài nước. Ông đã từng nói: sống lâu, viết nhiều, không hẳn là điều may cho nghệ thuật. “Sống đến một trăm hai mươi tuổi mà chỉ lưu lại cho người đời một thứ văn chương bả mía, thì anh chàng ấy là anh chàng đã lạc bước vào đường nghệ thuật, nghề văn đáng lẽ không phải là nghề của anh” (1).

Sống lâu, viết nhiều, sử dụng nhiều thể văn khác nhau, trước tác trong điều kiện xã hội và tinh thần khác nhau, Vũ Ngọc Phan chưa hề để lại cho đời một trang bả mía nào cả.

Nguyên quán Bắc Ninh, Vũ Ngọc Phan sinh tại Hà Nội, ngày 8-9-1902, (Từ điển văn học ghi 1904), trogn một gia đình nho học. Ông bắt đầu học chữ Hán, rồi mới tiếp xúc với chữ quốc ngữ và học thuật tây phương khá muộn màng, cũng như nhiều trí thức đồng thời, như các cụ Ngô Tất Tố, Đặng Thai Mai, Nam Trân, Đào Duy Anh, và như nhà thơ Hằng Phương, phu nhân ông (1908-1983). Sau khi đỗ tú tài (1929), ông không theo nghiệp quan trường, mà chọn nghề dạy học tư để có thì giờ và tự do nghiên cứu văn chương.

Cho đến Cách mạng tháng Tám, tác phẩm chủ yếu là bộ Nhà văn hiện đại, năm cuốn, non 1500 trang, bị kiểm duyệt Pháp Nhật cắt xén 200 trang. Sách viết xong và bắt đầu xuất bản .... in năm 1945.

Vũ Ngọc Phan tích cực tham gia cách mạng từ ngày Tổng khởi nghĩa 1945, trong hội Văn hoá cứu quốc. Ông sưu tầm, thu thập tài liệu để viết sách tố cáo những tội ác của thực dân Pháp trong 80 năm đô hộ; đồng thời ông hợp tác biên tập báo Tiền Phong, cơ quan ngôn luận của hội. Bài Sự tiến triển của văn học Việt Nam hiện đại của ông đăng trên Tiền Phong số 3 ngày 16-12-45 (2) là một bài tổng kết khúc chiết về quá trình nền văn học quốc ngữ, có thể xem như một khuôn mẫu về thể văn tổng luận, một thể văn rất khó viết.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, cùng với Hằng Phương, ông hăng hái tham gia kháng chiến, lúc đầu tại liên khu IV, sau chuyển về cơ quan trung ương Việt Bắc. Công tác chủ yếu là soạn tư liệu và viết báo. Tiếp xúc với đời sống nông thôn, ông lưu tâm sưu tầm văn học dân gian - và không phải vì thời thượng: từ mấy mươi năm trước, Vũ Ngọc Phan đã thiết tha với văn chương truyền khẩu, đọc kỹ Nhà văn hiện đại ai cũng lưu ý đến tấm lòng tha thiết ấy. Người đọc còn chú ý, có khi ngạc nhiên, về một thay đổi khác: Vũ Ngọc Phan, nhà phê bình văn nghệ chuyên nghiệp, người có nhiều thẩm quyền trong công việc phê bình văn nghệ, con người liêm khiết đó không còn viết phê bình nữa. Có người hiểu tại sao.

Nhà văn Vũ Ngọc Phan thời trẻ

Về Hà Nội sau 1954, ông chuyên nghiên cứu về văn học dân gian. Bên cạnh nhiều bài giá trị đăng tải trên các tạp chí, trước tác chính của ông là tập Truyện cổ Việt Nam in lần thứ ba năm 1957, Truyện cổ dân gian Việt Nam (1975), và nhất là Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam in lại lần thứ tám năm 1978 với số lượng lớn: hơn 60000 cuốn.

Tóm lược cuộc đời và sự nghiệp Vũ Ngọc Phan, Từ điển văn học đã đánh giá Nhà văn hiện đại “là một bộ sách nghiên cứu nghiêm túc [...], mặc dù phương pháp nghiên cứu chưa thật sự khoa học”. Đã không khoa học thì làm sao mà nghiêm túc? Đây là một lối viết ba phải, vừa tầm phào vừa bất công.

Khi viết Nhà văn hiện đại, nỗi ưu tư lớn nhất của Vũ Ngọc Phan là “theo phương pháp khoa học và căn cứ vào những bằng chứng xác thực để phê bình, sự khen chê không bao giờ vu vơ cả. Bởi thế độc giả đã thấy có nhiều đoạn trích ở các văn phẩm để chứng thực cho lời xét đoán”. Ông thừa nhận dựa theo lý thuyết của Brunetière về luật tiến hoá nhưng không máy móc, không theo “cái chủ nghĩa độc đoán và thiên vị”. Ngược lại, ông chủ trương “phải tuỳ hoàn cảnh văn học, tuỳ trình độ trí thức của dân tộc mới được” (3). Tựu trung, người ta có thể không đồng ý với ông về cách đánh giá, cách sắp xếp, cách chọn tác phẩm, nhưng không thể nói là ông không khoa học; nhiều khía cạnh của Nhà văn hiện đại chứng tỏ điều đó.

Tôi xin bắt đầu bằng một ví dụ. Ông đã phê bình Lê Dư như sau: “Sở Cuồng là một nhà văn học vấn uyên thâm, có nhiều sáng kiến, có óc tìm tòi, nhưng ông là một nhà Hán học thuần tuý nên trong các sách biên tập  của ông, người ta thấy thiếu hẳn phương pháp. Khoa học có những phương pháp rất cần cho việc biên khảo ngày nay” (4). (Chúng ta cần biết thêm: Sở Cuồng Lê Dư là ... bố vợ Vũ Ngọc Phan).

Cách nhìn khoa học trước tiên là cái nhìn tổng thể, trước khi đi vào một chi tiết, một tác phẩm. Trước 1940, Vũ Ngọc Phan đã có nhãn tuyến ấy: bộ Nhà văn hiện đại đã phác thảo cho chúng ta quá trình khá đầy đủ của nền văn học quốc ngữ từ thời kỳ phôi thai với Trương Vĩnh Ký, qua các nhà văn hồi đầu thế kỷ trong nhóm Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, cho đến giai đoạn trưởng thành với những Nguyễn Tuân, Tô Hoài. Một nền văn học trong toàn bộ của nó, từ biên khảo, đến tiểu thuyết, phóng sự, kịch thơ, sách dịch... Vào thời kỳ đầu, các tác giả chỉ có bài đăng báo, chưa in thành sách: vậy muốn phê bình, phải tìm đọc rất nhiều bài báo. Một tiểu thuyết gia lớn lao như Hồ Biểu Chánh mà chỉ được Vũ Ngọc Phan đọc qua những tác phẩm đăng từng kỳ trên Phụ Nữ tân văn. Nên biết điều đó để thấy công lao của Vũ Ngọc Phan. Việc phê bình ngày nay dễ hơn nhiều: chúng ta chỉ đọc sách đã in, đã có trình độ nào đó, của những tác giả đã có ít nhiều tên tuổi - chúng ta đi trên con đường đã vạch sẵn để khên chê đoá hoa nọ, gốc cây kia. Còn Vũ Ngọc Phan là kẻ vạch lối trong rừng hoang. Việc làm đòi hỏi can đảm trí thức: ông đã viết về Tương Phố, một người chưa có sách in, mà không viết về Nguyễn Bính, đã có thơ in và nổi tiếng (hay Hằng Phương, vợ ông), vì, theo ông, Tương Phố đánh dấu một giai đoạn. Người yêu thơ Nguyễn Bính có thể không đồng ý, nhưng nhà phê bình có cái lý của họ, cái lý đó nằm trong một nhãn quan tổng quát của họ về văn học trong quá trình phát triển và trong quan hệ với xã hội khách quan: tổng quan đó trong lịch sử văn chương quốc ngữ, ngoài Vũ Ngọc Phan, chưa có ai.

Một góc độ khoa học khác trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, và là góc độ hấp dẫn nhất, là cung cách dè dặt, khiêm nhường; ông thường nép mình sau tác phẩm, và trích dẫn dồi dào, ghi rõ xuất xứ, để các tác gia trực tiếp nói lên tiếng nói của mình với độc giả. Những đoạn trích dẫn nói trên, ngày nay, khi nguyên bản các tác phẩm đã bị tẩu tán, trở thành tư liệu quý giá không những cho người đọc, mà cho cả các nhà phê bình, biên khảo. Ví dụ khi phê bình Nguyễn Văn Tố, ông đã trích dẫn bài báo về truyện Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự, đăng trên Kỷ yếu của Hội Trí Tri Bắc kỳ, quyển XVI, số 3-4, juillet-décembre 1936, một trích dẫn cần yếu, vì mãi đến nay, kiến thức mới nhất về Hoa tiên, vẫn chưa vượt khỏi bài báo nói trên, trên một tập nội san ít được biết đến(5).

Khi luận bàn về các lập thuyết, về triết học, văn học, ông không nhân danh ý kiến của mình, mà chỉ mượn lý luận của tác gia này để đối chiếu với tác gia kia, với những trích dẫn đầy đủ và minh bạch, để người đọc biết rõ cả hai luận điệu, và tư đó có thể tự mình phê phán, dù chính Vũ Ngọc Phan cũng góp ý của riêng mình.

Ví dụ: về cuốn Nho giáo của Trần Trọng Kim, ông phản ánh cuộc tranh luận giữa Trần Trọng Kim và Phan Khôi, trên Phụ Nữ tân văn, số 54 ngày 29 mai 1930, tr. 13, và ông cũng không quên bổ chính với bài của Ngô Tất Tố, mười năm sau, trong Phê bình Nho giáo Trần Trọng Kim, nxb Mai Lĩnh, Hà Nội, 1940, tr. 56 (6). Lối trình bày như vậy thật là bổ ích cho việc học hỏi của độc giả, thời ấy cũng như bây giờ. Khi bác bỏ thuyết Lạc vương của Nguyễn Văn Tố, và cả Đào Duy Anh, dựa trên tư liệu của Maspéro và Lê Tắc, ông dựa vào thuyết Hùng vương của Sở Cuồng Lê Dư đăng trên Khai Trí Tiến Đức tập san, janvier-juin 1942, số 5 và 6 (7), và một số sử liệu của nước ta.

Khi biện luận về dịch giả Chinh phụ ngâm - là Phan Huy Ích chứ không phải Đoàn Thị Điểm - với Nguyễn Đỗ Mục (8) hay Nguyễn Quang Oánh (9), khi thảo luận về dịch giả Tỳ bà hành với Nguyễn Quang Oánh (10), ông trích dẫn tư liệu chủ yếu của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến đăng trên báo Nam Phong số 106, juin 1926, vì nó chính xác nhất. Về dịch giả Chinh phụ ngâm, ngày nay chúng ta đã có nhiều dữ kiện khác, qua những phát hiện của Hoàng Xuân Hãn ở Paris và Nguyễn Văn Xuân ở Huế, người đã tìm được bản dịch chính của Phan Huy Ích; thế nhưng sách vở Hà Nội vẫn tiếp tục cho là của Đoàn Thị Điểm, rồi mấy chú gà thành phố choai choaicòn cất tiếng gáy là; Vũ Ngọc Phan ... không khoa học.

Nhờ có việc làm khách quan của Vũ Ngọc Phan mà ngày nay chúng ta còn một ít tư liệu văn học. ta muốn hiểu biết thêm về Vũ Trọng thì đọc ở đâu? Thưa ở 30 trang rất hay trong Nhà văn hiện đại, tập III. Muốn nhớ Lê Văn Trương thì đọc cái gì? Thưa đọc 50 trang trong Nhà văn hiện đại, tập IV, cuốn thượng. Muốn nhớ lại những truyện trinh thám của tuổi thơ, thì đọc những trang rất hay về Phạm Cao Củng, tác giả cuối cùng được phê bình trong Nhà văn hiện đại. Những trang hay nhất về Nguyễn Tuân nằm ở đâu? Lại trong Nhà văn hiện đại tập III của Vũ Ngọc Phan.

Đã là người, thì ai cũng phải thương phải ghét. Giới thiệu bảy mươi tác gia về mọi thể loại, Vũ Ngọc Phan cũng có khi tâm đắc, có khi nghiêm khắc. Nhưng bao giờ cũng công tâm và công bình. Không  có gì chứng tỏ ông thích Phạm Quỳnh, và ông đã mào đầu ngay khi giới thiệu: “Tạp chí Nam Phong do một viên quan cai trị Pháp [ông Louis Marty], Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trác sáng lập vào lúc cuộc Âu chiến 1914 đang kịch liệt” (11). Có lúc ông đã gay gắt, khi Phạm Quỳnh chỉ trích thái độ tự đắc của Tản Đà trong Giấc mộng con: “Phê bình như thế không còn phải là phê bình văn nữa, mà phê bình người qua sách. Như thế chẳng khác nào bảo: À ra cái anh này ngông! ta phải trị cái ngông ấy đi mới được”. (12)

Thật ra, bài của Phạm Quỳnh về Giấc mộng con đăng trên Nam Phong số 7, janvier 1918, chỉ là một biệt lệ, vì bình thường thì “lối phê bình của Phạm Quỳnh ai cũng nhận thấy là một lối trang nhã; trang nhã cả ở những chỗ chê bai” (13) . Biết vậy mà Vũ Ngọc Phan vẫn lên tiếng cảnh cáo, vì trên nguyên tắc, không thể chấp nhận được cái lối phê phán tác phẩm qua tác giả, đánh giá văn chương qua con người. Đó là một đường lối phê bình sai trái, làm tê liệt nguồn năng lực sáng tạo, làm lệch lạc cả lý luận văn học.

Trong nghề phê bình, chỗ hay chỗ dở, điều đúng điều sai, nói ra không khó. Khó nhất là nói cái mình ... không thích. Đã làm công việc đánh giá văn chương thì mình còn được quyền thích, hay không thích, nữa chăng? Trên nguyễn tắc thì không. Trong thực tế thì khó tránh, ví dụ Vũ Ngọc Phan tỏ vẻ không thích Trần Thanh Mại, Nguyễn Vỹ, điều đó dễ hiểu. Dường như ông không ưa Phạm Quỳnh, tuy vẫn thừa nhận cái tài, kiến thức và những đóng góp của ông chủ bút Nam Phong với văn học. Đọc Vũ Ngọc Phan thì ta “cảm giác” như vậy qua những lời khen khô khan, nhưng chứng minh cho được, thì tôi chỉ có một ví dụ: “Cái công Phạm Quỳnh “khai thác” lúc đầu cho nền quốc văn có ngày nay, thật là một công không nhỏ” (14). Chữ “khai thác”, Vũ Ngọc Phan tự đặt vào vòng kép, và chữ “không nhỏ” đều có é mỉa mai.

Khi phê bình nhà phê bình Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan nhận xét về lối “nhỏ to” của Hoài Thanh ở cuối cuốn Thi nhân Việt Nam: “Đó là những lời rào trước đón sau, giống như lời ở một bài báo trong một vụ tuyển cử(15). Từ 1942, thời mà còn nhiều người phục Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan đã thấy cái bản chất của một văn loại “tuyển cử” thì ông quả là tài (sau này Hoài Thanh có làm đại biểu quốc hội).

Lối phê bình của Vũ Ngọc Phan là khoa học, khách quan, vừa tổng hợp vừa phân tích, một mặt dựa trên văn bản, mặt khác dựa trên sự tiến hoá của văn học trong một bối cảnh xã hội nhất định. Kính trọng tư tưởng, tình cảm của người viết, ông chỉ xét xem tận tình ngôn ngữ của các tác gia. Về những ý tưởng, ông trình bày nhiều hơn là phê phán, mà đã phê phán thì có tình có lý; lời lẽ chừng mực, lời chê trang nhã, có phần kín đáo quá. Năm cuốn Nhà văn hiện đại hiện nay là kho tài liệu dồi dào nhất, đáng tin cậy nhất của nền văn học quốc ngữ. về tài năng, tư cách, kiến rhức, phương pháp và sức lao động, cho đến nay, chưa có nhà phê bình nào theo kịp ông, và trong hiện tình phê bình, lý luận ngày nay trong nước cũng như ngoài nước, ta chưa thấy hy vọng nào sẽ tái sinh một Vũ Ngọc Phan. Cũng như hào khí của nho gia đã chết theo nho gia, sĩ khí của kẻ sĩ đã chết theo kẻ sĩ.

Từ Cách mạng 1945, Vũ Ngọc Phan chuyển sang ngành văn học dân gian. Không phải là tình cờ, vì từ trước, trong Nhà văn hiện đại, ông đã rung cảm mãnh liệt mỗi lần nhắc đến ca dao, tục ngữ, câu đối. Viết về Phạm Quỳnh, Bùi Kỷ, nhất là Nguyễn Văn Ngọc, khi chạm đến phím ca dao là cung đàn Vũ Ngọc Phan ngân lên tha thiết.

Cuốn Tục ngữ, Ca dao, Dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan đạt đến ấn số cao, thành công lớn, vì là một cuốn sách giá trị. Sách dày đến 800 trang, 160 trang biên khảo, phần còn lại là sưu tập.

Nghị luận của Vũ Ngọc Phan về văn học dân gian gọn gàng, sáng sủa. Phải đọc hàng ngàn trang biên khảo dài dằng dặc của những nhà chuyên môn khác, như Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diện, v.v., mới đánh giá đúng mức nguồn sáng trong trẻo của Vũ Ngọc Phan. Chỉ trong 10 trang, từ trang 36 đến 45, ông đã rạch biên giới giữa tục ngữ, thành ngữ, ca dao, dân ca; chỉ trong 6 trang, từ trang 46 đến 51, ông trình bày đầy đủ về nội dung và hình thức tục ngữ: ông còn cái tự trọng của kẻ tránh bệnh nói dai và nói dài. Ông giải quyết hợp lý, trong 15 trang, vấn đề gai góc: lịch sử ca dao và cao dao lịch sử. Ông rung cảm sâu sắc khi viết về con người qua hình ảnh con cò con bống, ông uyên bác lúc bàn đến ảnh hưởng ca dao trong văn học thành văn, ông ngay thẳng khi gợi lên những hạn chế tư tưởng trong ca dao.

Phần sưu tập rất hay: ông chọn nhiều câu ca dao tiêu biểu hay đặc sắc và chịu khó tìm đến những câu ca dao địa phương: văn học truyền khẩu, bản thân nó, là địa phương.

Ca dao, tục ngữ trong phần sưu tập được xếp theo nội dung: phương pháp này có những khuyết điểm nhất định, Vũ Ngọc Phan thừa biết vì chính ông đã chê nó khi phê phán bài Gương phong tục của Đoàn Duy Bình đăng trên Đông Dương tạp chí (16); trở ngại lớn lao nhất là người ta tha hồ gán cho ca dao, tục ngữ cái nghĩa mà nó không có. Lối xếp theo thứ tự a b c của chữ đầu như trong Nguyễn Văn Ngọc cũng không ổn. Nhà xuất bản Robert (Paris), trong Dictionnaire des proverbes et dictons (Từ điển cách ngôn và tục ngữ), dựa trên hai phép: một là đề mục, hai là chữ chính yếu dùng làm điểm tựa cho thể ẩn dụ (métaphore) vốn là nền tảng của tục ngữ ca dao. Ví dụ câu “cõng rắn cắn gà nhà” sẽ được xếp vào tiết mục “súc vật”, và theo vần “rắn” “gà”. Đây là phương pháp tổng hợp, vừa tiện dụng vừa dựa trên những lý thuyết ngôn ngữ tân tiến. Cái điều lạ lùng, lý thú là: Phạm Quỳnh đa nói ra rồi, trong một buổi diễn thuyết tại Hội Trí Tri, Hà Nội, ngày 21-4-1921, và chính Vũ Ngọc Phan đã trích dẫn và khen “lối biên tập của Phạm Quỳnh là hơn cả”, tuy là “để riêng cho người học thức”.

Văn học dân gian, từ truyện cổ đến tuồng, chèo, tục ngữ ca dao, là một địa hạt lớn, khó thăm dò cho hết. Việc nghiên cứu trên thế giới, nhất là ở Đông Âu và Bắc Âu vài ba mươi năm gần đây, đã đạt được những phát hiện lớn. Vũ Ngọc Phan không có phương tiện theo dõi, và bản thân ông không chuyên lập thuyết, nên những công trình biên khảo của ông dừng ở tầm mức nhất định. Nhưng đọc ông ta vẫn thích vì ông ông phán đoán minh mẫn, hành văn sáng sủa và có rung cảm. Về truyện cổ, ông chưa bao quát được như Nguyễn Đổng Chi, về cao dao tục ngữ, ông không có cái nhạy bén của Cao Huy Đỉnh. Nhưng ông viết hấp dẫn hơn và vẫn nghiêm túc. Xuân Diệu, Hoài Thanh đã viết những trang hay về ca dao, nhưng họ nhìn ca dao như những văn bản, như những bài thơ, chứ không như những tác phẩm khẩu ứng; Vũ Ngọc Phan không tài hoa bằng, nhưng cảm thụ ca dao trong nguồn sáng tạo của nó, như trong thân phận dân nghèo qua hình ảnh con cò con bống.

Trong những biên khảo và văn học dân gian, Vũ Ngọc Phan là người ít cậy thế “nhân dân lao động” (!) nhất, và là người gần với nhân dân nhất. Có thể nói ông là người viết hay nhất về văn chương truyền khẩu nói chung.

Chủ ý của bài này là hồi phục cho Vũ Ngọc Phan đại vị xứng đáng của ông trong văn đàn hiện đại. Những đức tính quý hiếm của ông, tôi đã nói nhiều rồi, xin kết thúc bằng quan điểm của ông về phong cách mà mọi nhà phê bình đều phải vươn tới: “Trong sự giao tế hằng ngày người ta thường lấy làm thú vị khi được nghe những lời xét đoán của người có học, vì những lời ấy có không đúng hẳn sự thực chăng nữa, nó vẫn không phải là lời thô tục và vu vơ. Trong lối phê bình cũng vậy, lời người có cái học thâm thuý đem so với người ít học chẳng khác nào đem sợi tơ mà so với sợ gai” (17).

Tuy nhiên không phải xã hội nào cũng quý sợi tơ hơn sợi gai. Vũ Ngọc Phan là sợi tơ, giăng nhầm thời đại.

Paris, tháng 12-1987

Nguồn: Đặng Tiến - VHNA

 

-----------------------------
Chú thích

1. Vũ Ngọc Phan, Trên đường nghệ thuật, 1942, Hà Nội; Đời Nay tái bản, 1963, Sài Gòn; đoạn kết luận, tr.197

2. Vũ Ngọc Phan, Sự tiến triển của văn học Việt Nam hiện đại, tạp chí Tiền Phong, Hà Nội, số 3 ngày 16 -12 - 1945, in lại trong Một chặng đường văn hoá, nhiều tác giả, nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1985, tr. 193

3. Nhà văn hiện đại, Tân Dân, Hà Nội, xuất bản lần lượt năm cuốn từ 1942 đến 1945; Vĩnh Thịnh, Hà Nội, tái bản, 1951. Những đoạn trích trong bài này dựa trên bản Vĩnh Thịnh. Tôi chỉ ghi số tập và trang. Ví dụ đoạn này: Nhà văn hiện đại, tập IV, cuốn hạ, tr. 250 - 251

4. Nhà văn hiện đại, tập II, tr. 72

5.Nhà văn hiện đại, tập II, tr. 153. Truyện Hoa tiên, Đào Duy Anh hiệu đính, nxb Văn học, Hà Nội, 1978, tựa

6. Nhà văn hiện đại, tập II, tr. 24 - 25

7.Nhà văn hiện đại, tập II, tr. 156

8.Nhà văn hiện đại, tập I, tr. 73

9.Nhà văn hiện đại, tập II, tr. 141 - 142

10. (có thể giống 9)

11.Nhà văn hiện đại, tập I, tr. 82

12.Nhà văn hiện đại, tập I, tr. 116 - 117

13. (có thể giống 12)

14. Nhà văn hiện đại, tập I, tr. 123

15.Nhà văn hiện đại, tập III, tr. 215

16.Nhà văn hiện đại, tập I, tr. 110 - 111

17. Nhà văn hiện đại, tập I, tr. 117

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng