Tạp chí Sông Hương -
Hàng trăm hộ dân miền núi "khát" điện và nước sạch
14:49 | 08/10/2014


Mặc dù được huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) đầu tư hàng trăm triệu đồng nhằm giải quyết "bài toán" nước sạch nhưng đến nay, gần 500 hộ dân sống ở các thôn của xã Hồng Vân vẫn sống cảnh khổ sở vì thiếu nước sạch sinh hoạt. Đặc biệt, trên 160 hộ dân ở thôn Ka Cú 2 của xã này chưa có điện thắp sáng...
 

Hàng trăm hộ dân miền núi "khát" điện và nước sạch
Ảnh minh họa (internet)

Nhìn căn nhà cấp 4 khang trang, đầy đủ tiện nghi của vợ chồng ông Hồ Ngọc Bình (42 tuổi) và bà Hồ Thị Tưi (39 tuổi), ở thôn A Năm, xã Hồng Vân, ai cũng nghĩ gia đình có cuộc sống sung túc, đầy đủ. Thế nhưng, nhiều người không biết được rằng, suốt nhiều năm qua, gia đình bà Tưi và 198 hộ dân ở thôn A Năm phải sống cảnh khốn khổ, do thiếu nước sinh hoạt.

Bà Tưi cho biết: "Vợ chồng tui chuyển về mảnh đất này sinh sống từ năm 1990 nhưng từ đó đến nay, cả gia đình 5 nhân khẩu phải sử dụng nguồn nước lấy từ khe A Năm chứ không hề có nước sạch để sử dụng. Nhiều khi mưa to, đất đá trên đồi núi sạt lở làm nước khe đục ngầu, tui phải đi bộ hơn 3 cây số để lấy nước ở một khe suối khác. Sống thiếu nước nên vất vả lắm…". Để khắc phục tình trạng thiếu nước sạch, người dân thôn A Năm đã nghĩ ra cách góp tiền để bắc đường ống dẫn nước từ khe suối đưa về tận nhà.

Ngoài thôn A Năm, hơn 160 hộ dân ở thôn Ka Cú 2; 40 hộ dân ở thôn Ta Lo và 32 hộ dân ở thôn A Hố (xã Hồng Vân) cũng chung tình trạng thiếu nước sạch trong 14 năm qua. Ông Lê Văn Cắt, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Hồng Vân cho biết: "Năm 2000, hệ thống nước tự chảy do Dự án 135 tài trợ xây dựng ở địa bàn xã bị hư hỏng nên từ đó đến nay, người dân sống ở 4 thôn của xã phải sống cảnh thiếu nước sinh hoạt. Hiện toàn xã chỉ mới có 50 hộ dân đóng góp xây dựng 5 bể xi măng (trị giá 40 triệu đồng/bể) để dẫn nước từ khe suối về, còn những hộ dân khác phải tự đào giếng hoặc đi mua nước dùng".

Đặc biệt, vì không có nước nên phụ huynh của 263 trẻ đang theo học ở Trường Mầm non Hồng Vân, mỗi khi đưa con đến trường phải mang theo từng can nước. Cô giáo Nguyễn Thị Khương, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Mặc dù được Phòng NN&PTNT huyện A Lưới đầu tư xây dựng hệ thống nước tự chảy dẫn về tận trường với số vốn 100 triệu đồng, nhưng từ khi hoàn thành (tháng 8/2014) đến nay vẫn chưa có nước để sử dụng"…

Hiện trên 160 hộ dân ở thôn Ka Cú 2 và hàng chục hộ dân khác ở các thôn của xã Hồng Vân, đêm đêm vẫn còn sống cảnh đèn dầu; hoặc thắp bóng điện bằng ắcquy.

Theo lãnh đạo xã Hồng Vân, trong các cuộc họp HĐND và tiếp xúc cử tri, người dân cùng lãnh đạo xã đã nhiều lần phản ánh vấn đề thiếu nước sạch và không có điện đến cấp trên; nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

 

Nguồn CADN

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng