Tạp chí Sông Hương -
Giữ cho liền mạch nghề xưa
08:33 | 10/10/2014

Tại cố đô Huế, anh thợ mộc Nguyễn Hữu Tài ở làng Nam Phổ, huyện Phú Vang được nhiều người phong “bàn tay vàng” trong nghề chạm khảm trai truyền thống Huế.

Giữ cho liền mạch nghề xưa
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Tài (trái) - “bàn tay vàng” nghề khảm - Ảnh: Thái Lộc

Nghệ nhân 42 tuổi này cũng đang tìm cách đưa ngôi nhà rường xứ Huế lan tỏa đi xa.

“Bàn tay vàng!”

Niềm đam mê nghề khảm trai của Nguyễn Hữu Tài bắt đầu từ việc “mê” những ngón nghề tài hoa của một nghệ nhân mà anh chứng kiến gần 30 năm trước, khi đang học lớp 7 trường làng.

Đó là ông thợ Võ Quế, một trong bốn nghệ nhân khảm trai nổi tiếng của Huế lúc bấy giờ, mở xưởng cạnh chùa Nam Phổ, cách nhà Tài vài trăm mét, ngay trên đường đến trường của cậu bé.

Nhiều lần đi ngang bắt gặp ông thợ đang “vẽ” lên gỗ bằng các mảnh vỏ ốc nhỏ xíu, cậu bé dừng lại nhìn chăm chú, mê mẩn quên cả đến trường.

Không mê sao được khi những mảnh vỏ ốc vốn khô cứng và dễ gãy được ông Quế biến thành những con thú như đang chạy nhảy, những con chim như đang bay lượn hay những đường tơ đang phơ phất trước gió...

Niềm đam mê và sự thần tượng được nhân lên khi ba Tài kể ông thợ Quế từng vào Đại Nội tu sửa cung vua và được mời làm những công trình tuyệt đẹp cho gia đình tổng thống họ Ngô một thời...

Xong lớp 9, Tài nghỉ học xin ba mẹ theo học nghề khảm ở ông thợ Quế. Sau mấy năm được thợ giỏi trao truyền, anh trở thành người thợ rất lành nghề trên hầu hết vật dụng chạm khảm truyền thống của đất Huế xưa.

Sau ra nghề một năm Tài thử sức ở TP.HCM. Không chịu nổi cuộc sống náo nhiệt nơi đây, Tài về quê cùng người anh ruột Nguyễn Hữu Nghĩa mở xưởng làm hàng nội thất và đào tạo học trò chạm khảm.

Giữa thập niên 1990, thị trường đồ chạm khảm kiểu Huế bớt thịnh hành, cơ duyên thứ hai đến với Tài khi đi ngang một xưởng phục chế đồ gỗ trên đường Phạm Ngũ Lão (Huế). Làm quen chủ xưởng Nguyễn Văn Thắng, trong Tài chợt loé lên: đây là công việc mới của mình.

Trong nhiều năm, những đồ gỗ cổ xuống cấp, hư hỏng hoặc bong tróc phần khảm nạm, ông Thắng giao cả cho Tài phục hồi.

Cũng tại xưởng này, người thợ trẻ đã lập nên một kỳ tích trong nghề khảm khiến người trong nghề đến nay vẫn còn nhắc đến anh là một “bàn tay vàng” của Huế.

Ông Thắng lúc ấy mua được chiếc bàn cổ thời Nguyễn, mặt bàn rộng chừng 2m2, khảm xà cừ tạo thành một bức tranh sinh động, chi chít các loài vật, hoa lá, kiến trúc... Nhưng hầu hết các mẩu xà cừ trên mặt bàn đều bị bong tróc, chỉ còn lại những dấu khắc trên mặt gỗ.

“Khi đó anh Thắng hỏi tôi có phục chế được không. Nhìn mặt bàn chi chít nét khắc li ti, ngoằn ngoèo, thấy cũng ngán. Chỉ trong thoáng chốc tôi gật đầu: làm được. Còn làm bao lâu thì tôi... lắc đầu!” - Tài kể.

Hơn sáu tháng gần như cấm cửa với bên ngoài, Tài cần mẫn với cưa, đục, mài, tách... từng chi tiết đúng theo những thứ đã bị bong tróc, mặt bàn hoàn thành trong sự thán phục của dân trong giới.

Thân chủ Nguyễn Văn Thắng như “mở cờ trong bụng”: việc đầu tư tốn kém đã không nhầm chỗ. “Tui bất ngờ lắm khi Tài lúc ấy còn quá trẻ. Tay nghề rất cao mới trả lại được vẻ đẹp do những người thợ lão luyện ngày xưa tạo tác.

Ngay sau đó, một người bạn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nghe tiếng đã bay từ Sài Gòn ra Huế mua bàn với giá rất cao!” - ông Thắng nhớ lại.

Cũng tại xưởng phục chế này, Tài như “cá gặp nước” khi “lọt mắt xanh” nhà nghiên cứu Trịnh Bách đang tìm thợ phục chế ngự dụng hoàng cung Huế.

Tài gật đầu ngay khi được mời tham gia phục chế đồ thờ tại gian thờ vua Gia Long nằm giữa Thế Tổ miếu.

Những khay trầu, khay rượu, tráp gỗ, quạt lông... được Tài dồn hết lòng tôn kính vào thực hiện. Tài tiếp tục được trổ tài khi ông Bách đặt thêm nhiều sập, tủ, tủ thờ, án thờ, bàn ghế và những đồ gỗ theo quy cách trong chốn hoàng cung xưa.

Anh đã đi nhiều nơi trong cung, lăng tẩm, các phủ đệ của ông hoàng bà chúa, như là cách nạp “năng lượng” để hoàn thành công việc.

Năm 2006, những món đồ gỗ ấy trở thành một phần trong sưu tập đồ Huế phục chế của nhà nghiên cứu Trịnh Bách, triển lãm tại điện Thái Hòa, được người yêu văn hóa đánh giá rất cao...

Bức chạm năm con rồng gắn trên rầm thượng một ngôi nhà rường tuyệt đẹp do Nguyễn Hữu Tài chỉ huy dựng ở Thuận An, Bình Dương - Ảnh: Thái Lộc

Duyên nợ nhà rường

Tháng 5-2005, khi ghé xưởng ở làng Nam Phổ, chúng tôi từng ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của một bức ngũ long (năm con rồng) chạm lộng do một nhóm thợ thực hiện. Cạnh bên là những bức liên ba, những chi tiết trên vách ngăn tây phòng, đông phòng... đang được chạm trổ tinh vi, độc đáo.

Những cấu kiện tuyệt đẹp kia đều thuộc ba ngôi nhà rường do Tài chỉ huy thực hiện, sau đó đưa vào thị xã Thuận An (Bình Dương) để “tái hiện một góc Huế” do chủ một khu du lịch đặt hàng.

Hỏi ra mới biết đã có hàng chục ngôi nhà rường khác được Tài hợp đồng và đưa “quân” đi dựng ở nhiều tỉnh thành từ nhiều năm trước.

Tài kể ngay từ khi về quê mở xưởng mộc mỹ nghệ, anh đã có ý định theo hướng phục chế nhà rường.

Trước đó, khi cùng người em trai là Nguyễn Hữu Hoàng đi sưu tầm đồ cổ ở các làng quê của Huế, rất nhiều gia đình và đại diện họ tộc hỏi anh có mua nhà rường không. Cũng nhiều người trong Nam ngoài Bắc hỏi anh có nhà rường Huế để bán không.

Hồi đó rộ lên lời phê phán nạn “chảy máu nhà rường” ra khỏi Huế cũng khiến Tài băn khoăn. Thế nhưng, nhiều tình cảnh cả người bán lẫn người mua đều rất tha thiết.

Phía bán thì không thể giữ được nhà vì phải tu sửa quá tốn kém. Đã có trường hợp chưa bán kịp căn nhà tuyệt đẹp đã sụp đổ, bị phá đi trở thành củi...

Tài bàn với anh trai Nguyễn Hữu Nghĩa chuyển sang phục chế nhà rường. Rồi anh đi nhiều nơi gom mua những ngôi nhà rường xuống cấp, sửa chữa, tu chỉnh, lắp ghép cho hoàn thiện để bán cho người có nhu cầu.

Anh cho biết: “Tôi được xem rất nhiều nhà rường nhưng cũng thường bất ngờ bắt gặp nét đẹp, nét tinh tế trên mỗi ngôi nhà. Hình như cái hồn, nét đẹp của nghề xưa được kết tinh vô trong ngôi nhà rường hay sao ấy. Khi tạo tác, hình như người thợ xưa đặt cả chính họ vào trong sản phẩm nên mới đẹp, sinh động, có hồn như rứa!”.

Có lẽ xuất phát từ tình yêu và đầu tư công sức cho nhà rường nên nhiều căn nhà do Tài chỉ huy thực hiện đã nhận được sự hài lòng của thân chủ. Đó là những khách hàng ở Hội An, TP.HCM, Đà Nẵng hay Hà Nội...

Một người trong số đó là TS.KTS Hoàng Đạo Cương nhận xét: “Trong bối cảnh nghề truyền thống mai một như hiện nay thì nghệ nhân Nguyễn Hữu Tài và nhóm thợ do anh chỉ huy với tay nghề đạt mức như vậy đã là tốt!”.

Nguyễn Hữu Tài cho biết trước mắt sẽ cố phát triển nghề nhà rường như lâu nay trở thành nguồn thu nhập chính của mình, sẽ tìm cách đưa những ngôi nhà độc đáo xứ Huế dựng ở nhiều vùng miền trong cả nước.

Riêng nghề chính chạm khảm vốn thuộc hàng tinh hoa nghề Việt mà anh luôn theo đuổi, anh cho biết từng đào tạo hàng chục thợ trẻ ra nghề.

Nguyễn Hữu Tài cũng đang có kế hoạch riêng trong việc tập hợp những người trẻ đam mê để truyền ngón truyền nghề, để những tinh hoa nghề chạm khảm vốn được lưu truyền từ nhiều đời không bị từ đây đứt mạch...

Theo TTO

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng