Tạp chí Sông Hương -
Khai thác cát sạn tràn lan gây ô nhiễm nguồn nước ở thượng nguồn sông Hương
08:42 | 13/10/2014

Nhiều năm qua, khu vực thượng nguồn sông Hương đoạn qua thôn Vĩ Dạ (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy) đã trở thành "bến đỗ" của nhiều ghe đò khai thác cát sạn của một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. 

Khai thác cát sạn tràn lan gây ô nhiễm nguồn nước ở thượng nguồn sông Hương
Ảnh minh họa

Trong đó, DN Tuyết Liêm được UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cấp mỏ khai thác cát sạn ở khu vực này với diện tích gần 5ha và có mốc phân giới hẳn hoi. Thế nhưng, thay vì khai thác trong phạm vi quy định, các ghe đò của DN Tuyết Liêm đã lấn mốc giới để khai thác được nhiều khối cát sạn hơn.

Trước cảnha 7 chiếc ghe đò đang nổ máy ầm ầm hút cát dưới lòng sông Hương, ông Trương Thế Pháp, Trưởng thôn Vĩ Dạ (xã Thủy Bằng) chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm. Ông nói: "Suốt nhiều tháng qua, chúng tôi theo dõi và phát hiện những chiếc ghe này đều khai thác vượt mốc giới cho phép từ 15-20m so với quy định. Tiếng máy hút cát nổ ầm ầm suốt ngày, trong khi nước ở khu vực thượng nguồn sông Hương chỉ có một màu đục ngầu và ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng...".

Không những khai thác cát ồ ạt, DN Tuyết Liêm còn cho các đò máy của nhiều hộ dân khác vào trong khu vực mỏ nói trên để khai thác cát sạn và sau đó "thu phí" 10.000 đồng/1mcát và 25.000 đồng/1m3 sạn. Nhiều người dân địa phương còn cho hay, do không có mốc phân giới cố định dưới lòng sông nên việc cột mốc "biết chạy" nhằm mở rộng diện tích khai thác cát sạn ở khu vực này xảy ra như… cơm bữa. Thậm chí, mốc giới cố định được cắm trên bờ cũng có lúc "chạy" cả hàng chục mét theo hướng có lợi cho DN... (!).

Qua tìm hiểu còn được biết, những năm trước, hơn 1.100 hộ dân của thôn Vĩ Dạ và 2 thôn khác ở thượng nguồn sông Hương của xã Thủy Bằng đều sử dụng chủ yếu nguồn nước dưới sông để tắm giặt và sinh hoạt. Thế nhưng hiện nay, do cường độ khai thác cát sạn của một số DN quá cao làm nguồn nước bị ô nhiễm nên người dân không thể sử dụng được. "Ngoài ra, dù có quy định giờ giấc khai thác nhưng các ghe đò thường hoạt động vào sáng sớm, buổi trưa và cả lúc đêm khuya nên tiếng ồn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân trong thôn. Đặc biệt là vào buổi tối, nhiều hôm mọi người trong gia đình chúng tôi không thể ngủ nổi vì tiếng máy nổ từ các đò máy khai thác cát...", anh Nguyễn Văn Tư (thôn Vĩ Dạ), nhà cách điểm khai thác cát của DN Tuyết Liêm không xa, bức xúc.

Ông Nguyễn Thái, Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng cho biết thêm: "Mặc dù trong giấy phép cấp mỏ khai thác cho DN chỉ là 19 ghe đò nhưng có thời điểm xuất hiện hàng chục ghe đò hoạt động ở khu vực mỏ. Qua phản ánh của người dân, UBND xã đã làm đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh và Sở TN&MT để đề nghị xem xét lại diện tích, việc khai thác quá độ sâu, vượt quá mốc giới gây ô nhiễm môi trường của DN". Trước tình trạng khai thác cát sạn trái phép xảy ra ở thượng nguồn sông Hương, mới đây, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã lập đoàn kiểm tra do ông Nguyễn Hữu Quyết, Phó Giám đốc Sở TN&MT làm Trưởng đoàn cùng đại diện UBND xã Thủy Bằng đã đến kiểm tra thực địa tại các khu mỏ được cấp phép cho DN Tuyết Liêm và một số DN khác để có biện pháp chấn chỉnh và xử lý nếu có vi phạm.

UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng đã ban hành văn bản yêu cầu Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế chỉ đạo quyết liệt lực lượng CSGT đường thủy, Cảnh sát Môi trường và Công an các địa phương tăng cường, phối hợp kiểm tra để xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Hương và có biện pháp xử lý thích đáng theo quy định pháp luật đối với những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, vì lợi ích kinh tế nên dù bị xử phạt nhiều lần nhưng nhiều DN vẫn bất chấp để làm trái quy định.

Theo CAND

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng