Tạp chí Sông Hương -
Patrick Modiano: Muốn biết vì sao được giải Nobel chọn
14:39 | 13/10/2014

Bốn ngày sau khi Nobel Văn học năm 2014 gọi tên Patrick Modiano, nhà văn Pháp vẫn coi đây là giải thưởng kỳ lạ dành cho mình.

Patrick Modiano: Muốn biết vì sao được giải Nobel chọn
Bìa cuốn “Phố những cửa hiệu u tối” của Patrick Modiano xuất bản bằng tiếng Việt

Tại sao ông nói giải thưởng này là kỳ lạ?

Tôi không trông đợi chút nào giải Nobel. Khi biết tin, có cảm giác cứ như một người nào đó khác được giải, đúng là kỳ lạ. Lý giải cụ thể hơn, nó giống như khi những sự kiện ngạc nhiên xảy trong cuộc đời của bạn, bạn như người mộng du và làm những thứ không có thực.

Tôi muốn biết tại sao họ lại chọn mình, và thật khó lòng chờ đợi để được nghe lý do. Có vẻ kỳ lạ, bởi tôi hay nhớ về những kỷ niệm thơ ấu, giống như Albert Camus. Không hiểu tôi sẽ đối mặt với những người tôi ngưỡng mộ ra sao.

Ông viết văn lâu lắm rồi, vì sao ông chọn nghề này?

Chà, tôi bắt đầu rất sớm, từ tuổi đôi mươi, đến nay cũng thật dài. Đôi khi viết là điều gì đó rất tự nhiên, là một phần của cuộc đời tôi. Khi tôi gần 20 tuổi, tôi không học hành gì nữa. Tôi ở Paris, không có chỗ trọ và tự nuôi thân. Một thời kỳ với những cuộc gặp gỡ kỳ lạ, những người hơn tuổi đưa lại cảm giác nguy hiểm thường trực.

Ông đã viết gần 30 cuốn sách, cuốn nào ông thấy có ý nghĩa hơn cả?

Thật khó, vì tôi có cảm tưởng như mình viết cùng một cuốn sách, suốt 45 năm qua.

Ông từng nói muốn viết tiểu thuyết trinh thám, cuốn tiểu thuyết mới này thì sao?

Đúng là tôi luôn ước ao có thể viết tiểu thuyết trinh thám. Thực ra, những chủ đề chính của tiểu thuyết trinh thám khá gần với những gì ám ảnh tôi: Sự biến mất, những vấn đề định danh, sự lãng quên, quay lại quá khứ bí ẩn. Thường xuyên viện đến những nhân chứng mâu thuẫn về một con người, sự kiện nào đó giúp tôi tiếp cận gần hơn thể loại trinh thám. Nhìn lại, dường như mỗi chương tuổi thơ của tôi gần giống với tiểu thuyết trinh thám.

Vậy mà ông chưa từng viết một tiểu thuyết trinh thám nào?

Tiểu thuyết trinh thám là một loại chủ nghĩa hiện thực, thậm chí là chủ nghĩa tự nhiên, cấu trúc kể chuyện khá cứng rắn. Không có chỗ cho dòng chảy của mơ mộng. Kết thúc truyện trinh thám, cần sự giải thích, một phương án. Điều này không hợp với tôi, khi tác phẩm của tôi miêu tả từng lát cắt quá khứ với chút mơ hồ, như cõi mộng. Hơn nữa, tôi không viết tiểu thuyết theo nghĩa thông thường, đúng hơn là viết những thứ mơ mộng, khơi gợi trí tưởng tượng.

Nhân vật chính trong tiểu thuyết mới nhất, Jean Daragane, không đọc cuốn “Lịch sử vạn vật” của Buffon - cũng giống ông?

Anh ta tiếc là không quan tâm đến chủ đề này - những con vật, cây cỏ - trong suốt cuộc đời. Khi đọc, tôi thường hướng đến những thế giới khiến tôi kinh ngạc, những gì tôi chưa biết, đó là những tiểu thuyết kinh điển của Nga, Anh viết về nông thôn. Nhưng thực cũng đáng tiếc vì đôi khi mình không quan sát đủ mọi thứ, hay không viết về chúng.

Viết có phải là hành động dễ chịu?

Ngày nào tôi cũng viết, nhưng theo cách càng thoát ra sớm càng tốt. Tôi dành cả ngày để suy nghĩ, nhưng thường chỉ viết ra trong khoảng một giờ. Tôi sợ viết lâu sẽ không còn vững tay nữa.

Viết lách tự bản thân nó không hề dễ chịu. Cần vật chất hóa giấc mơ trên trang giấy, hay nói cách khác là thoát ra khỏi giấc mơ này. Từ bản thảo đầu tiên, nhà văn có thể viết lại, soạn lại, tái cấu trúc và cô đặc - công việc giống như cách Flaubert làm từ thế kỷ 19. Điều này làm tôi khiếp sợ. Những điều chỉnh này giống sự tỉ mỉ của vi phẫu.

Vâng, cần quyết liệt như bác sỹ phẫu thuật, khá lạnh lùng đối với bản thảo của mình để điều chỉnh, xóa hay giảm bớt. Đôi khi chỉ cần gạch đôi ba từ trên một trang viết, thế mà lại thay đổi hoàn toàn. Tất cả thứ này, là căn bếp của nhà văn, nó thật nhàm chán với người khác.
 

Peter Englund, Thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển nhấn mạnh: “Patrick Modiano viết trong truyền thống của Marcel Proust, nhưng thực sự theo cách của riêng Modiano. Ông ấy là Marcel Proust của thời đại chúng ta”.

Một số tác phẩm của Modiano nên đọc: Quảng trường ngôi sao, Phố những cửa hiệu u tối, Hộ tịch, Dora Bruder, Phả hệ.

Nguồn: Nguyên Khánh - TP
 

 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng