Tạp chí Sông Hương -
Về “Cuốn sách vàng của vua Thiệu Trị”
08:35 | 14/10/2014

“Toàn bộ cuốn sách làm bằng bạc mạ vàng, chỉ có 5 tờ (10 trang) nhưng nặng tới 7 ký, xuất hiện vào thời vua Thiệu Trị (1846), có kích cỡ 14×23 cm..."

Về “Cuốn sách vàng của vua Thiệu Trị”

Biết tôi là người hoài cổ, thích đồ cổ nhưng lại không có điều kiện chơi đồ cổ nên một anh bạn tâm giao dạo lưới toàn cầu, hễ thấy có tin tức gì về loại này ở Việt Nam là lập tức chuyển ngay qua email. Lần này, là một tin tức khá lý thú. Đó là bài báo “Cuốn sách vàng của vua Thiệu Trị” của nhà báo Nguyễn Hữu Hồng Minh đăng trên thanhnienonline viết về việc một người Việt ở Canada, ông Cao Xuân Trường, vừa sở hữu được một cổ vật quí hiếm của triều Thiệu Trị (1841-1847) qua một cuộc đấu giá tại Paris – cuốn sách vàng phong Lương tần Vũ Thị Viên lên Lương phi. “Toàn bộ cuốn sách làm bằng bạc mạ vàng, chỉ có 5 tờ (10 trang) nhưng nặng tới 7 ký, xuất hiện vào thời vua Thiệu Trị (1846), có kích cỡ 14×23 cm. Thật thú vị khi biết cuốn sách dành để tấn phong bà Vũ Thị Viên – vợ vua từ hạng Lương tần lên hàng Lương phi. Ngoài 2 trang bìa trước và sau, 8 trang còn lại của sách phong khắc 186 chữ Hán nói về thân thế, công trạng của bà Vũ Thị Viên và lý do vua Thiệu Trị sắc phong cho bà.



Bà Lương phi Vũ Thị Viên là ai?

Hoàng đế Thiệu Trị là vua thứ 3 của triều Nguyễn, miếu hiệu là Hiến Tổ Chương Hoàng Đế, kế vị vua Minh Mạng. Tuy chỉ trị vì trong 7 năm ngắn ngủi (1841-1847), băng hà lúc mới 40 tuổi, nhưng vua có đến 31 bà ở hậu cung, 29 hoàng tử và 35 hoàng nữ.

Nếu kể theo thứ tự nhập cung trước sau thì bà là vợ thứ tư của vua Thiệu Trị, sau các bà Nghi Thiên Chương Hoàng Hậu (tức Hoàng Thái Hậu Từ Dũ), Lệnh phi Nguyễn Thị Nhậm và Thục Phi Nguyễn Thị Xuyên. Bà là con của Phó Vệ úy Vũ Hữu Linh, nhập phủ làm dắng (1) khi vua Thiệu Trị đang còn là một Hoàng tử với tước Trường Khánh Công. Bà sinh được 4 Hoàng tử:

-Nguyễn Phúc Hồng Hưu, tức Gia Hưng Vương;

-Nguyễn Phúc Hồng Kiện, tức An Phúc Quận Vương;

-Nguyễn Phúc Hồng Bàng, mất năm 16 tuổi, chưa được phong tước;

-Nguyễn Phúc Hồng Thụ, mất năm 2 tuổi.

Và 2 Hoàng nữ:

-Nguyễn Phúc Ý Phương, tức Đồng Phú Công chúa;

-Nguyễn Phúc Minh Tư, mất khi chưa được 1 tuổi.

Trong một thế giới hậu cung với các bà chen chúc nhau, có thể có người cả đời chưa được thấy long nhan, mà riêng bà Lương phi có đến 6 con, trai gái đầy đủ, thì bà quả thực có sắc tài gì đó đặc biệt nên mới được vua sủng ái hơn người khác.

Vợ vua cũng có đẳng cấp

Sau khi lập ra triều đại vào năm 1802, vua Gia Long đã ra sắc dụ qui định cung giai (thứ bậc trong cung), theo đó, trên hết là ngôi vị Hoàng hậu, kế đến là 3 bậc Phi (Quí phi, Minh Phi, Kính phi). 3 bậc Tu (Tu nghi, Tu dung, Tu viện), 9 bậc Tần (Qúi tần, Hiền tần, Trang tần, Đức Tần, Thục tần, Huệ tần, Lệ tần, An tần, Hòa tần), 3 bậc Chiêu (Chiêu nghi, Chiêu dung, Chiêu viện), 3 bậc Sung (Sung nghi, Sung dung, Sung viện) và 6 chức Tiếp dư, Dung hoa, Nghi nhân, Tài nhân, Linh nhân, Lương nhân.

Vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836), vua qui định lại cung giai. Theo đó, tước vị Hoàng hậu không được đề cập,thay vào đó là “…Hoàng Quí phi, ở trên bậc nhất, để giúp Hoàng Thái hậu trông coi lương thực ở trong cung, chỉnh tề công việc bên trong.” (Hội điển IV, tr.410); Dưới Hoàng Quí phi, nội cung có 9 bậc: Nhất giai phi có 3, là Quí phi, Hiền phi, Thần phi; Nhị giai phi có 3, là Đức phi, Thục phi, Huệ phi; Tam giai phi có 3, là Quí tần, Hiền tần, Trang tần; Tứ giai phi có 3, là: Đức tần, Thục tần, Huệ tần; Ngũ giai phi có 3, là Lệ tần, An tần, Hòa tần; kế đến là Lục giai Tiếp dư,  Thất giai Quí nhân; Bát giai Mỹ nhân, và Cửu giai Tài nhân. Các bậc 6, 7, 8, 9 không hạn chế số người. Đó là chưa kể các hạng cung nhân và cung nga thuộc loại “vị nhập giai” tức là chưa được xếp vào hàng ngũ của 9 bậc cung giai. Tuy đang là cung nhân “vị nhập giai” nhưng may mắn được vua để mắt tới thì cũng có thể sinh hoàng tử hay hoàng nữ để nương tựa về sau khi vua băng hà. Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả cho thấy nhiều hoàng tử  hay công chúa triều Nguyễn là con của vua và các cung nhân hay cung nga.

Các tước vị vừa kể không cố định mà thường được thay đổi qua các triều vua và thay đổi ngay trong đương triều. Ví dụ, hai năm sau khi ban hành qui định trên, năm Minh Mạng thứ 19 (1838), vua đổi gọi thứ bậc  cung giai như sau:

-Nhất giai: Quí phi, Đoan phi, Lệ phi;

-Nhị giai: Thành phi, Tính phi, Thục phi;

-Tam giai: Quí tần, Lương tần, Đức tần;

-Tứ giai: Huy tần, Ý tần, Nhu tần;

-Ngũ giai: Nhân thần, Nhã tần, Thuận tần;

-Từ Lục giai Tiếp dư xuống đến Thất giai Quí nhân, Bát giai Mỹ nhân và Cửu giai Tài nhân không thay đổi.

Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), vua cho đổi gọi Đoan phi làm Lương phi. Và vì chữ Lương đã được đưa lên nhất giai nên Lương tần ở tam giai được đổi làm Thụy tần. Như vậy, khi bà Vũ Thị Viên được phong từ Lương tần (tam giai) lên Lương phi (nhất giai) thì rõ ràng bà đã được thăng vượt cấp, bỏ qua nhị giai. Hẳn đây là một tưởng thưởng xứng đáng sau một công trạng nào đó ở nội cung. Nếu trong giới quan trường của triều đình, các quan  được thăng quan tiến chức lúc có công hoặc bị cách chức giáng chức khi có lỗi thì trong nội cung, tình trạng của các bà không khác.

Bà Vũ Thị Duyên là phủ thiếp của Hoàng tử Hồng Nhậm. Khi Hoàng tử trở thành vua Tự Đức, bà được phong làm Cung tần. Năm 1850, thăng lên Cần Phi; năm 1860, phong làm Thuần Phi, năm 1861 cải làm Trung Phi. Năm 1870, bà được phong tước vị cao nhất, Hoàng Quí Phi (chánh cung hoàng hậu), chưởng quản 6 viện (lục viện) trong nội cung. Nhưng "Đến tháng 12 năm Nhâm ngọ (1883) bà bị giáng làm Trung Phi vì nhân vua không được khỏe, đang dùng thuốc, bà công việc bề bộn, sai cung nhân dâng bữa cơm chiều hơi muộn. Tuy nhiên bà vẫn còn giữ được giai bậc cũ nhưng không được trông coi cả 6 viện" (Thế phả,  tr.347). Có lẽ trong lúc bệnh hoạn, người không khỏe, nên vua đã bực bội phạt giáng chức bà nhưng trong lòng vẫn còn yêu thương, vì vậy trước khi băng hà, vua để di chiếu lập bà làm Hoàng hậu. Bà chính là Lệ Thiên Anh Hoàng hậu, được hiệp thờ với vua Tự Đức (Dực Tông Anh Hoàng đế) trong Thế miếu của Đại Nội, Huế.

Lại như vua Đồng Khánh, lên ngôi năm 1885, sau khi phong tước vị cho các bà vợ, qua mùa xuân năm 1887, không rõ trong nội cung xảy ra những xáo trộn như thế nào khiến vua bực mình, “Xuống dụ quở trách các phi tần trong nội đình và giáng xuống có thứ bậc (Quan phi là Trần Đăng thị nói năng tục tằn, giáng làm Tùy Tần; Chính tần là Hồ Văn thị không nghĩ đến việc công, giáng làm Mỹ nhân; Nghi tần là Lê thị, dữ tợn, tham lam, đố kỵ, ghép tội nặng, giáng làm Tài nhân;  Tài nhân ở cửu giai là Trịnh thị, Nguyễn Hữu thị, tính quen dối trá, khinh nhờn, đều giáng làm cung nhân. Hoàng Quí Phi không biết sửa mình, quản suất mọi việc, để trong nội đình không theo phép tắc, cũng quở mắng  ngặt hơn” (Thực lục IX, tr. 311-312).

Nội cung cũng là đấu trường nhưng bà Lương Phi Vũ Thị Viên được thăng vượt cấp chứng tỏ có ưu thế hơn người.

Có phải ai được vua yêu cũng được “tặng” sách vàng?

Câu trả lời là “không”.

Bài báo viết: “Theo Cao Xuân Trường, anh muốn có cổ vật này bởi đây là minh chứng sinh động cho thú chơi đầy tao nhã của nhà vua: làm một cuốn sách hơn 7 ký mạ vàng chỉ để tặng người đẹp”.

Có lẽ ảnh hưởng của không khí lãng mạn ngày Valentine đã làm cho anh Trường nghĩ như vậy. Thực ra, đấy không phài là một “thú chơi tao nhã của nhà vua” và cũng không phải là một hành vi âu yếm trân trọng đối với người yêu qua việc “tặng” sách vàng. Tất cả đều tuân thủ theo một qui định rõ ràng và nghiêm nhặt thuộc điển lễ của triều đại.

Khi ban hành qui định cung giai năm 1836, vua Minh mạng đã nói rõ: chỉ có sách phong cho Hoàng Quí Phi mới được chế tạo bằng vàng – nên gọi là kim sách – còn sách phong 6 Phi thì dùng bạc mạ vàng, nhưng vẫn được gọi là kim sách. Còn sách phong 9 Tần và các Tiếp dư, Quí nhân, Mỹ nhân, Tài nhân đều dùng bạc, gọi là ngân sách. Ở đây cũng cần mở một dấu ngoặc: quan lại và thần linh được vua phong chức bằng một bản văn viết trên giấy sắc màu vàng khổ lớn vẽ rồng mây (gọi là cáo trục) và việc này gọi là sắc phong; riêng thái hậu, hoàng hậu, phi tần, hoàng thân, hoàng tử, công chúa thì vua phong tước bằng sách văn, vì bản văn được chạm khắc hay viết trên một cuốn sách bằng vàng, bạc hay lụa, và việc này gọi là sách phong.

Đến cuối năm 1885, triều Đồng Khánh (nhưng vẫn còn niên hiệu Hàm Nghi), sách phong nội cung được định lại. Có lẽ do kho tàng trống rỗng do vụ quân Pháp cướp phá khi Kinh đô thất thủ ngày 5/7/1885 (Ất Dậu), Bộ Lễ đề nghị không dùng sách bạc mạ vàng hay sách bạc nữa mà thay bằng vóc, dùng lụa bát ti màu vàng của Trung Hoa, dệt hoa văn rồng mây làm trang sách,  mỗi quyển 3 tờ và hai trang (hai trang trong của hai tờ bìa) vị chi 8 trang viết chữ; sách có kích thước vẫn như cũ. Theo đó:

- Sách của hàng Phi, dài 7 tấc 2 phân, rộng 4 tấc 5 phân (phân, tấc ta);

- Sách của hàng Tần: dài 5 tấc 2 phân 2 ly, rộng 3 tấc 6 ly;

- Sách của Tiếp dư, Quí nhân, Mỹ nhân, Tài nhân đều dài  5 tấc, rộng 2 tấc 9 phân 5 ly. (Thực lục IX, tr. 208-209)

Nội dung sách phong viết gì?

Khi ban hành qui chế cung giai, theo đề nghị của đình thần và vua Minh Mạng chuẩn y làm lệnh, thì “… như văn thức nên dùng, duy các phi xin đợi tới khi ấy [lúc phong tước vị] phụng soạn sách văn tiến trình, để tỏ cách ưu đãi. Còn từ 9 tần trở xuống , đều xin soạn mẫu sẵn, khi có tấn phong giai nào bậc nào, đều theo mẫu viết tinh ra, ngõ hầu bớt bận rộn.” (Hội điển IV, tr. 110, người viết nhấn mạnh).

Bà Vũ Thị Viên bấy giờ được phong đến Nhất giai phi, nghĩa là nội dung sách văn phải được các quan ở Hàn Lâm Viện soạn riêng, phù hợp với địa vị của bà lúc đó và phải được vua duyệt y, chứ không phải rập khuôn theo mẫu có sẵn như các bậc Tần hay cấp nhỏ hơn. Khi nhà báo  mô tả “Ngoài 2 trang bìa trước và sau, 8 trang còn lại của sách phong khắc 186 chữ Hán nói về thân thế, công trạng của bà Vũ Thị Viên và lý do vua Thiệu Trị sắc phong cho bà. Cuốn sách mang nội dung ca ngợi đức tính trung thực, kính trọng, sự hòa nhã, thân thiện của bà khi đối xử với mọi người trong cung. Ngoài ra, sách cũng ghi rõ thân thế gia đình cùng một số sự kiện quan trọng mà bà Vũ Thị Viên đã tham gia” là phù hợp với sử liệu, như đã trình bày.

Nghi lễ phong tước Phi

Sắc phong của vua đến tay phi tần cung nữ  không theo một con đường tống đạt đơn giản như cho người mang quà đến tặng người yêu. Đó là một nghi lễ nhiêu khê, được  qui định tỉ mỉ cho từng thứ bậc, cấp càng lớn càng long trọng. Ở đây, bà Lương phi Vũ Thị Viên được phong đến Nhất giai phi nên nghi lễ sẽ diễn ra như sau (Hội điển IV, tr.108-112):

Trước hết, Khâm Thiên Giám chọn ngày tốt. Vua sẽ chọn hai đại thần vào hàng nhị phẩm, một quan văn, một quan võ, làm Chánh, Phó sứ. Một ngày trước lễ, vua cử một Hoàng thân tước Công đến cung của Hoàng Thái hậu để tâu báo về nhật kỳ tấn phong sắp diễn ra. Tại gian giữa của điện Cần Chánh, Bộ Lễ đặt 2 cái án; một cái có giá để cờ tiết mao (thường gọi tắt là cờ tiết), tượng trưng uy quyền của vua, và một cái để hộp sách phong. Bộ Lễ cũng thông báo cho nữ quan (qua thái giám) nơi cung viện cùa bà Phi biết để lo đặt sẵn hai cái án vàng (một cái cho cờ tiết và một cái cho sách phong).

Mờ sáng hôm làm lễ, Bộ Lễ lo bày cờ tiết và hộp sách phong trên hai án vàng đặt tại căn giữa điện Cần Chánh. Bên ngoài, ngay dưới thềm, đã sắp sẵn long đình và ban nhã nhạc. Trên sân điện, Ty Loan nghi bày tán vàng, đội hộ vệ thuộc ty Cảnh tất mang gươm, lính Vệ Cẩm y mang đao, dàn hầu; ngoài cửa Nhật Tinh, lính Thân binh và Cấm binh mang tàn lọng và  trượng đỏ đứng túc trực.

Đến giờ, Chánh, Phó sứ đến trước sân điện Cần Chánh quì xuống. Quan Nội Các mang cờ tiết ra trao cho Chánh sứ. Quan Bộ Lễ mang hộp sách phong ra để trên long đình. Nhã nhạc trổi, Chánh sứ mang cờ tiết đi trước, kế đến long đình có lọng vàng che, theo sau có Phó sứ và quan Bộ Lễ, sau cùng là lính hầu mang gươm,đao hộ vệ. Đoàn ra khỏi sân điện Cần Chánh bằng Đại Cung môn (cửa bên trái), rẻ trái qua cửa Nhật Tinh. Ở đấy đã có lính Thân, Cấm binh cầm nghi trượng với tàn, lọng, gậy đỏ đứng đợi mở đường. Đoàn rước tiến về Duyệt Thị Đường. Đến cửa Hưng Khánh, tất cả nghi trượng và lính tráng dừng lại bên ngoài, chỉ có Chánh, Phó sứ, quan Bộ Lễ và cờ tiết, long đình vào nhà Duyệt Thị, dừng lại ở căn giữa. Tại đây đã có Thái giám và các cung giám (2) trong lễ phục chực sẵn. Thái giám quì bên phải long đình, tiếp nhận cờ tiết do Chánh sứ trao, xong đứng lên, kính cẩn mang cờ tiết đi vào nội cung, có cung giám gánh long đình để sách phong theo sau.

Đến cửa nội cung thì đã có nữ quan và ban nữ nhạc chực sẵn để tiếp nhận và rước vào cung viện nơi bà Phi ở.  Bà Phi trong phẩm phục với mũ áo chỉnh tề quì đón cờ tiết và long đình ở sân, cúi đầu khi cờ tiết và long đình đi qua, xong đứng dậy theo vào bên trong. Tại đây, nữ quan mang cờ tiết và hộp sách phong để trên hai án vàng bày sẵn, bà Phi bước vào trước án làm lễ thụ sắc. Sau khi quì 3 lần và vái 6 vái rồi quì trước án, nữ quan nâng hộp sách trao cho bà Phi. Phi tiếp nhận đưa lên trán, cúi đầu,  xong trao lại cho nữ quan bưng đứng qua một bên. Phi lại quì 3 lần vái 6 vái một lần nữa để làm lễ tạ ơn.  Bấy giờ là xong lễ. Nữ quan rước cờ tiết ra trao lại cho Thái giám để Thái giám trả lại cho Chánh sứ. Chánh, Phó sứ rước cờ tiết về trả tại điện Cần Chánh và lạy phục mệnh đã xong nhiệm vụ, sau đó họ đến Tả đãi lậu viện để dự yến vua ban.

Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), vua cho rằng để thái giám và nữ quan tiếp nhận cờ tiết và sách phong từ Chánh, Phó sứ, rồi mang vào cung cấm cho phi tần làm lễ thụ phong, là chưa được nghiêm túc và long trọng. Vua giao việc tiếp nhận này cho các Hoàng tử Công và Hoàng tử nội đình (3) do bà Phi sinh ra, nhưng sau có lẽ gặp trường hợp có bà Phi không sinh hoàng tử hoặc hoàng tử còn bé quá, không thể thi hành đúng nghi lễ được, nên phải trở lại giải pháp thái giám và nữ quan như đã trình bày.

Riêng bà Phi hôm đó, sau lễ thụ phong, lại phải mũ áo chỉnh tề, đến cung vua, làm lễ tạ ơn với 3 lần qùy 6 lần vái, xong lại đến cung của Hoàng Thái hậu làm lễ bái yết.  Hôm sau, các con của Phi vào cung làm lễ lạy mừng mẹ 4 lạy.

Quả thật  không có một chút không khí lãng mạn nào trong việc vua ban tặng sách phong cho phi tần, dù đó là sách vàng đi nữa, mà chỉ thấy toàn là lễ nghi mệt người!
*

Theo bài báo, ông Cao Xuân Trường đã phải bán căn nhà ở Canada với giá 200,000 euro để có đủ tài chánh làm chủ bảo vật kim sách này trong một cuộc đấu giá ở Paris, với ý nghĩ “Rất nhiều cổ vật quý báu của đất Việt vì nhiều lý do đã ra nước ngoài, nay chúng tôi muốn sưu tầm để đưa trở về”. Hiện bảo vật đang được trưng bày cho công chúng xem và tìm hiểu. Có nhiều người nhiều tiền hơn ông Trường, dư tiền hơn nhưng thiếu hay không có ý nghĩ và hành động như ông, nên thay vì lời tán dương phù phiếm, xin có bài viết này để bà con có dịp thưởng ngoạn cổ vật một cách thú vị hơn.
————-
(1)Dắng là vợ hầu của Hoàng tử. Vợ chánh gọi là Phủ thiếp.
(2)Cung giám là thái giám phục vụ trong cung cấm nhưng thuộc cấp nhỏ, để sai khiến,  phân biệt với Thái giám là cấp  điều khiển.
(3)Hoàng tử công là Hoàng tử đã được phong tước Công (phải từ 15 tuổi trở lên, có học vấn khá), đã xuất các, nghĩa là ra khỏi Hoàng thành (Đại Nội), lập phủ riêng.  Hoàng tử nội đình là hoàng tử còn bé, còn được sống với mẹ trong cung cấm
 
Tài liệu tham khảo:


-Nội Các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ, tập IVA, bản dịch tiếng Việt cùa nhiều tác giả, Viện Sử Học, NxbThuận Hóa, 2004
-Quốc Sừ Quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực lục, tập IX, bản dịch tiếng Việt của nhiều tác giả, Viện Sử Học, Nxb Giáo Dục, 2006
- Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc Tộc, Nguyễn Phúc Tộc Thế phả, Nxb Thuận Hóa, 1995
-Võ Hương-An, Từ điển Nhà Nguyễn,sắp xuất bản.

 
Theo khoahocnet.com

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng