“Cả làng có tới hàng nghìn cây lộc vừng hơn 500 năm tuổi, khách tứ phương hỏi mua với giá hàng tỷ đồng, nhưng làng đã quyết không bán dù chỉ một cây”, ông trưởng hội đồng làng Siêu Quần quả quyết nói.
Cách thành phố Huế chừng 40 km về phía bắc, làng Siêu Quần, xã Phong Bình (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) được bao bọc bởi rừng lộc vừng cổ thụ (người làng gọi là cây mưng). Trên con đê, hàng nghìn cây lộc vừng xanh mướt chạy dài dọc cánh đồng.
Dẫn khách đi quanh làng với những cây lộc vừng trổ lộc xuân đỏ rực, cụ Nguyễn Văn Tám, Trưởng hội đồng làng Siêu Quần, tự hào kể, vào nửa đầu thế kỷ 15, dưới thời Lê sơ, ngài khai canh họ Trương gốc Hà Nam vào vùng Thuận Quảng đã tìm đến cồn đất nổi, xung quanh là đầm lầy làm nơi định cư, khai khẩn đất hoang, lập làng Siêu Quần.
Cây lộc vừng đầu làng Siêu Quần luôn thu hút sự chú ý của khách thập phương.
Người xưa đã đắp đê ngăn mặn để trồng trọt và chọn cây lộc vừng trồng thành bốn vòng bao quanh làng để giữ đất, chắn sóng. Đến nay, cây lộc vừng không ngừng phát triển với diện tích khoảng 20 ha, chiếm 1/5 diện tích làng.
Theo ông Tám, sở dĩ người xưa chọn lộc vừng vì loài cây này tuổi thọ cao, thân mềm chứ không phải thân gỗ, không có giá trị kinh tế nên không sợ bị phá. Mặt khác, lộc vừng có khả năng chịu nước, phù hợp với thổ nhưỡng của vùng, thân dẻo nên gió bão cũng không hề gì.
Cành lộc vừng cổ thụ với những hình dáng đẹp mắt như có bàn tay người tạo dáng.
Ông Tám dẫn chứng trận lụt lịch sử năm 1999, nước lũ dâng cao, tạo thành dòng chảy lớn càn quét tất cả làng mạc. Riêng làng Siêu Quần không thiệt hại vì được rừng lộc vừng bao bọc. Cây mọc san sát trên bờ đê đã phát huy tác dụng chắn sóng dữ.
Chỉ những cây lộc vừng già, vỏ xù xì với đủ kiểu dáng, cụ Trần Việt Dũng, 77 tuổi, cho biết lộc vừng đã cứu đói dân làng. “Ngày trước dân làng nghèo lắm, gạo không đủ ăn, chính lộc mưng non đã giúp dân chống đói. Đến mùa giáp hạt, người dân hái lộc mưng về ăn kèm với con rạm bắt từ đồng, ăn no được, lại vừa ngon, vừa bổ”, cụ Dũng kể.
Xuân về, những cành lộc vừng trổ lộc non đỏ rực.
Theo cụ Tám và cụ Dũng, làng có thể giữ được rừng lộc vừng như bây giờ là nhờ vào hương ước. Làng nghiêm cấm người dân chặt phá mưng. Người nào chặt dù là cành nhỏ phải cầm mõ đi quanh làng mà rao rằng: "Tôi bẻ cành, chặt mưng của làng, đã phạm tội đến tổ tiên, từ nay tôi không dám vi phạm nữa”.
Giờ không còn chuyện rao mõ nữa, nhưng mới đây một người dân trong làng bứng cây mưng nhỏ về nhà trồng, bị phát hiện đã bị làng xử phạt 500.000 đồng và bị nêu tên trên loa truyền thanh của xã.
Cây lộc vừng có kiểu dáng đẹp như thế này được giới cây cảnh trả giá hàng chục tỷ đồng nhưng làng kiên quyết không bán.
Từ năm 2000 đến nay, mưng bỗng được giá, nhiều đại gia từ Bắc tới Nam săn lùng cây về chơi cảnh, rừng cây này trở thành miếng mồi ngon được kẻ xấu luôn “nhòm ngó”. Hàng chục cây lộc vừng cổ thụ đã bị kẻ xấu lợi dụng lúc trời đông mưa rét để đào và vận chuyển mang bán kiếm lời.
Sau nhiều vụ đào trộm, làng Siêu Quần đã họp và quyết định thành lập một đội chuyên bảo vệ rừng lộc vừng, gồm toàn thanh niên trai tráng trong làng. Bà con góp tiền cho đội mua đèn pin đi tuần mưng vào ban đêm và chấp hành nghiêm chỉnh quy định nếu phát hiện ai đào trộm lộc vừng phải báo ngay để xử theo luật làng.
Gốc một cây lộc vừng bị đào trộm mang bán nay đã nảy chồi non.
Ông Trần Thanh Hóa, Trưởng thôn Siêu Quần, cho biết mặc dù cây mưng ở làng được trả giá hàng chục tỷ đồng nhưng làng nhất quyết không bán. "Tính ra tiền thì rừng mưng của làng có giá hàng nghìn tỷ đồng, nhưng với người dân rừng mưng là linh hồn của làng, không thể mang ra mua bán được...”, ông Hóa cho hay.
Theo Văn Nguyễn (VnExpress)