Tạp chí Sông Hương -
Tọa đàm “Thơ tân hình thức Việt – tiếp nhận và sáng tạo” tại Hà Nội
17:17 | 30/10/2014

Vào chiều ngày 29 tháng 10 năm 2014, tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Tạp Chí Sông Hương phối hợp với Khoa viết văn – báo chí, Trường đại học Văn hóa Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm về thơ Tân hình thức và  giới thiệu tập sách “Thơ tân hình thức Việt – tiếp nhận và sáng tạo”.

Tọa đàm “Thơ tân hình thức Việt – tiếp nhận và sáng tạo” tại Hà Nội

Tới dự có đông đảo các nhà văn, nhà thơ, các nhà phê bình lý luận, các giảng viên và sinh viên Hà Nội, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn cùng những người yêu mến văn chương nói chung và quan tâm đặc biệt đến thơ Tân Hình thức nói riêng.

Thơ Tân hình thức, giờ đây, đã xuất hiện trong văn học Việt Nam đương đại không chỉ ở những tri thức lí thuyết mà còn đa dạng ở các khả thể thực hành. Với nỗ lực đăng tải, tổ chức chuyên đề, hội thảo của mình, Tạp chí Sông Hương được coi là diễn đàn tiên phong trong việc giới thiệu thơ Tân hình thức nói chung và thơ Tân hình thức Việt nói riêng đến với độc giả Việt Nam.

Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy và nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc tại buổi tọa đàm

 

Tại buổi tọa đàm, đông đảo người nghe đã có được một cái nhìn tương đối tổng quan về quá trình tiếp nhận và sáng tạo thơ tân hình thức ở Việt Nam thông qua những chia sẻ và kiến giải của nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc. Là một trong những người nỗ lực quảng bá thơ Tân hình thức ở Việt Nam, tại buổi giới thiệu sách, nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc đã kể lại những kỷ niệm của anh đối với  thơ Tân hình thức. Theo anh thì bất cứ một trào lưu sáng tạo nào bao giờ nó cũng phải đứng trước những cái nhìn dị biệt từ phía người tiếp nhận và thơ Tân hình thức tất nhiên không phải là một ngoại lệ.

Câu hỏi thơ Tân hình thức Việt là gì, quá trình tiếp nhận và sáng tạo của nó như thế nào đã được giải đáp trong công trình “Thơ tân hình thức Việt – tiếp nhận và sáng tạo.” Nhìn trên cấu trúc bề mặt thì đây là một tập sách công phu, với gần 500 trang, bao gồm nhiều bài nghiên cứu về đặc trưng thi pháp của thơ Tân Hình thức nói chung và thực tiễn sáng tạo thơ Tân Hình thức ở Việt Nam nói riêng. Về cấu trúc chiều sâu thì hai mươi ba tiểu luận có trong cuốn sách này là hai mươi ba góc nhìn khác nhau về thơ Tân Hình thức. Mỗi cách tiếp cận sẽ gợi mở những chiều hướng khác nhau, những truy vấn khác nhau về vai trò của thơ Tân Hình thức đối với diện mạo của thi ca thế giới và thi ca Việt Nam đương đại. Trong đó bao gồm các tiểu luận của nhiều nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng Việt Nam như Khế Iêm, Bửu Ý, Đỗ Lai Thúy, Đỗ Quyên, Inrasara... và tiểu luận của các nhà nghiên cứu thế giới các nhà thơ Tân Hình thức hàng đầu của Mỹ như William B Noseworthy, Frederck Feirstein, Angela Saunders...

Cũng tại buổi ra mắt sách, nhà nghiên cứu văn học Đỗ Lai Thúy cho rằng việc cổ xúy cho thơ Tân hình thức ở Việt Nam là một việc làm vô cùng ý nghĩa. Theo ông, đến với thơ có nhiều con đường, mỗi con đường sẽ mở ra những lộ trình khác nhau. Có người đến với thơ bằng trái tim, nhưng cũng có người đến với thơ bằng lý trí. Là một nhà nghiên cứu, ông đến với thơ Tân hình thức trước hết là bằng lý trí. Qua đây, Đỗ Lai Thúy đã chỉ ra những vấn đề thuộc về thi pháp thơ Tân hình thức và khả năng cũng như những khó khăn mà nó vấp phải trong môi trường văn học đương đại Việt Nam.

Ngay sau khi phát hành ấn phẩm “Thơ tân hình thức Việt – tiếp nhận và sáng tạo”, Tạp chí Sông Hương đã tổ chức giới thiệu đến đông đảo văn nghệ sĩ xứ Huế và các nhà nghiên cứu, các giảng viên, sinh viên Đại học Huế và ở Thành phố Hồ Chí Minh.  Các buổi giới thiệu sách ở Huế và TP HCM đều thu hút được sự quan tâm đông đảo của độc giả và những nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu có uy tín như Bửu Ý, Nhật Chiêu, Nguyễn Tiến Văn, Inrasara…

 

Nhà văn, nhà phê bình Văn Giá tại buổi tọa đàm

 

Trong buổi trò chuyện về thơ Tân hình thức tại Hà Nội, nhà văn Văn Giá cũng đã giới thiệu cho bạn đọc về những điều cần chú ý trong quá trình tiếp nhận lý thuyết và thực hành sáng tạo thể thơ này ở Việt Nam. Cũng qua đây, nhà văn Văn Giá cho rằng có một cái nhìn đúng đắn và công bằng với cái mới là một điều rất quan trọng trong xu hướng nghệ thuật có nhiều biến đổi như hiện nay.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tại buổi tọa đàm

 

Cũng tại buổi ra mắt sách lần này, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên đã cho rằng vai trò của Tạp chí Sông Hương trong việc quảng bá cho thơ Tân hình thức và cái mới trong văn học là rất lớn. Với kiến văn rộng rãi, Phạm Xuân Nguyên cũng đưa đến cho người nghe những đặc trưng về thể loại của dòng thơ mới mẻ này ở Việt Nam. Theo ông, bất cứ một địa hạt sáng tạo cũng cần có những tài năng thực sự. Những tài năng thực sự sẽ giúp các khuynh hướng sáng tạo không đi vào ngõ cụt mà mở ra được nhiều chiều hướng diễn giải mới.

Có mặt tại cuộc trò chuyện này, nhà văn Đặng Thân đã gửi tới bạn đọc những bài thơ tân hình thức và những kỷ niệm với thơ tân hình thức của anh. Bên cạnh đó, nhà văn Đặng Thân cũng đưa ra những đối sánh giữa thơ Tân hình thức Việt và thơ Tân hình thức Mỹ.

Nhà văn Đặng Thân tại buổi Tọa đàm

 

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn cũng đã có những chia sẻ về những cảm nhận của anh đối với  tập thơ Thúy Liên Khúc Ngoài của nhà thơ Biển Bắc. Theo Mai Anh Tuấn thì tập thơ này có nhiều điều thú vị về hình thức thể hiện và chiều sâu nội tâm. Đó là tập thơ đã nói lên được tâm thức của những người xa quê hương, tâm thức của những người có nhiều tổn thương trong nội giới của mình.

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn và tập thơ Thúy liên khúc ngoài của Biển Bắc

 

Đến từ TP HCM, nhà thơ Ngô Thị Hạnh cũng đã gửi tới đông đảo bạn đọc Hà Nội những bài thơ Tân hình thức của chị qua chất giọng miền Nam dễ thương của chính tác giả.

Nhà thơ Ngô Thị Hạnh đến từ Thành phố Hồ Chí Minh

 

Toàn cảnh buổi tọa đàm

 

Buổi tọa đàm đã kết thúc trong không khí nghiêm túc với những tranh luận trao đổi chân tình. Cũng trong dịp này, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc đã gửi lời tri ân đến đông đảo cộng tác viên và bạn đọc Sông Hương tại Hà Nội.

PV

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng