Tạp chí Sông Hương -
Sẽ công bố nhiều sách về châu bản
08:37 | 27/11/2014

Nhiều nhà khoa học cho rằng di sản độc đáo này mới khai thác một phần nhỏ ở bề nổi.

Sẽ công bố nhiều sách về châu bản

Tại cuộc tọa đàm khoa học “Châu bản triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương” diễn ra ở Huế ngày 22/11, nhiều nhà khoa học cho rằng di sản độc đáo này mới khai thác một phần nhỏ ở bề nổi.

Châu bản triều Nguyễn hiện do Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 (Bộ Nội vụ) bảo quản có 773 tập, khoảng 85.000 văn bản với hàng trăm nghìn trang. Số lượng này được đánh giá chiếm khoảng 1/5 trên tổng số châu bản vốn có của triều Nguyễn. 4/5 còn lại bị mất mát do thời gian, chiến tranh, khí hậu và nhiều lần dịch chuyển...

Ðặt trong mối so sánh với di sản các nước đồng văn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, bà Nguyễn Thu Hoài (Trung tâm lưu trữ quốc gia 1) cho biết châu bản của VN đặc biệt và độc đáo hơn nhiều, cả ở hình thức lẫn nội dung. Do đó, đã thuyết phục được UNESCO công nhận.

Riêng cách thức ngự phê lên châu bản của các vua Nguyễn với sáu kiểu (châu điểm, châu phê, châu khuyên, châu mạt, châu sổ và châu cải) được xem là phong phú nhất so cùng di sản các nước.

Ðồng tình với nhiều nhà khoa học về giá trị vô cùng đặc biệt của hệ thống châu bản, ông Phan Thanh Hải - giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - cho biết luôn trăn trở tìm cách phát huy di sản độc đáo này.

Theo ông Hà Văn Huề - giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia 1, thời gian qua các cơ quan chức năng chỉ mới tập trung khai thác ở khía cạnh hình thức của châu bản chứ chưa có điều kiện đi sâu vào nội dung.

Trong khi đây mới là vấn đề chính của khối di sản đồ sộ và quý giá. Trước mắt, ông Huề cho hay đang xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị châu bản triều Nguyễn, dự kiến trình Thủ tướng phê duyệt vào năm 2015.

Theo đó, giai đoạn 2015-2025 sẽ tiếp tục biên tập và công bố nhiều sách về châu bản theo các chuyên đề (về triều Nguyễn) như: chính sách khai hoang, chính sách khuyến nông, chế độ ruộng đất và sưu thuế, ngoại thương, chế độ tiền tệ, chế độ quan thư, tổ chức quân đội, nhân vật lịch sử, tín ngưỡng và văn hóa dân gian, nghi thức tế lễ và cầu đảo, tư duy hướng biển của người Việt, giáo dục và khoa cử, bang giao...

Không gian châu bản triều Nguyễn cũng sẽ được xây dựng quy mô tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 hiện nay...

Theo nhà nghiên cứu Bửu Ý, cần phải quảng bá rộng hơn hệ thống châu bản ra thế giới. Thông qua đó, không chỉ cho thế giới hiểu tường tận hơn về VN mà còn cho họ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp, vẻ độc đáo VN.

Ông Ý cho rằng việc dịch khái niệm châu bản thành archives và records không nói đủ nội hàm độc đáo. Theo ông, cần phải tìm từ/cụm từ khác hoặc sáng tạo ra từ mới, thể hiện được hai nghĩa: văn bản của vua và màu đỏ/son của vua...


Theo TTO

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng