Giọng hát trong, đẹp như bỏ bùa của Martinez đã từ lâu vẫn đều đặn ngân lên tại một quán cà phê ở Colonia Libertad - vùng đất lạ thường nổi tiếng với các tay đấm bốc, những kẻ buôn lậu và các băng đảng luôn chực chờ tìm cơ hội chui qua hàng rào biên giới ngăn cách giữa Mexico và Mỹ.
Trong khi cô làm cử chỉ mở rộng lòng bàn tay mình ra cùng những ca từ nên thơ “pur dicesti, o bocca bella” (tạm dịch: “Khuôn miệng xinh đẹp, sau cùng mi cũng cất tiếng”) thì ở ngoài đường tiếng xe máy gầm rú, còi báo động ôtô ré lên... đáp lại. Chưa bao giờ opera được chào đón nhiệt liệt và trở thành món hàng nhiều trân quý như ở
Tijuana
những ngày này, khi thành phố bị chìm ngập bởi máu và sự báo thù.
Mối duyên của Tijuana với opera và nhạc cổ điển đã nảy nở từ năm 1991, khi 18 thành viên người Nga của một dàn nhạc thính phòng chuyên nghiệp đã rời Liên Xô cũ để đến Tijuana theo đề nghị của một nhà tổ chức âm nhạc địa phương.
Và ở một thị trấn mà giá trị âm nhạc hầu như chỉ được thẩm định qua việc làm tốt vai trò nâng đỡ cho các vũ công thoát y hay các đấu sĩ đấu bò như thế nào, thì công sức của các nhạc sĩ Nga đã bỏ ra để nuôi cấy dòng nhạc cổ điển, truyền đạt kỹ thuật lấy giọng sao cho hát thật ngọt và cả mở một nhạc viện đầu tiên ở Tijuana quả là rất lớn.
Hơn thế nữa, cả “thầy” lẫn “trò” đều chỉ biết rất ít về ngôn ngữ của nhau: tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha. Họ đã dùng các ký hiệu và lưu giữ ngọn lửa bằng ngôn ngữ chung: âm nhạc. Thời gian họ lưu lại thành phố đã đủ để đơm hoa kết trái một thế hệ các nhạc sĩ và ca sĩ trẻ của dòng nhạc hàn lâm.
Nay thì nhiều sinh viên của họ, như Martinez, đã tiếp tục truyền lửa và rèn dũa tài năng của mình tại quán cà phê opera.
|
Là một trong những giọng soprano hàng đầu của Tijuana - một trong những thành phố lớn nhất ở Mexico, Martinez, 31 tuổi, đã ở đây sáu năm và ca hát như để gửi đi những liều thuốc giải độc cho một phần của thành phố yêu quý của cô - nơi hiếm được thế giới chú ý đến. Các khán thính giả của cô là giáo viên, nhân viên văn phòng và các nhà buôn thuộc tầng lớp trung lưu ở
Tijuana
.
Họ ngồi im chăm chú nghe những tình khúc của vùng Neapolita, đến các tác phẩm kinh điển của Verdi, Puccini và đến giai điệu bolero nhiều xót thương như chính tình trạng sống hiện giờ của thành phố, Besame mucho: “Kiss me, kiss me a lot, as if tonight were the last night... because I fear to lose you, to lose you again.” (tạm dịch: “Hãy hôn em, hãy hôn em nhiều vào, như thể đêm nay là đêm cuối vậy... Vì em sợ mất anh, sợ mất anh lần nữa”).
Hai phe nhóm của một tập đoàn buôn ma túy đã kèn cựa nhau mỗi ngày để giành quyền kiểm soát trên đường phố, để lại những dấu vết kinh hoàng của những vụ đấu súng, những vụ thanh trừng và bắt cóc. Hồi tháng giêng, cảnh sát đã bắt một gã được gọi là “El Pozolero”, kẻ bị buộc tội và đã thừa nhận là tác giả của gần 300 vụ phân rã thi thể bằng dung dịch kiềm trong nhiều năm qua, theo lệnh của tên trùm “El Teo”. Từ những con đường nhiều điên loạn ấy, người
Tijuana
nay tìm nương náu sau những cánh cửa. “Điều tốt duy nhất còn lại là những sự kiện văn hóa như thế này đã phát triển hơn bao giờ, có lẽ do mọi người đều tìm kiếm điều gì đó làm điểm chung”, Suzy Fuentes, có anh trai là Enrique - người mở quán cà phê opera nơi Martinez trình diễn, nói.
Vào năm 2002, Enrique Fuentes - một trợ giáo có tình yêu cuồng nhiệt dành cho opera ở San Diego, đã mở quán bằng những đồng tiền tiết kiệm của mình với hình mẫu lấy theo các salon ở Vienna và Milan, Ý. Đến năm 2005, Fuentes đã tổ chức lễ hội opera đường phố lần đầu tiên ở trước quán của mình trên đường số 5. Lễ hội đã thu hút hàng ngàn người vào mỗi tháng 7 và trở thành một trong những hoạt động văn hóa quan trọng nhất của thành phố, đặc biệt là được tiến hành mà không cần sự trợ giúp nào từ chính quyền. “Đó là điều người dân ở đây cần: một nơi nương náu, một không gian nhỏ bé để trú ẩn, một góc nhỏ ở Libertad” - Fuentes nói.
Theo TTO |