Tạp chí Sông Hương -
Làng nghề làm "ông táo"
13:55 | 29/01/2015

Huế có một làng nghề làm ông Táo đất nung rất độc đáo, xưa nay không ai không biết: làng Địa Linh nằm kề phố cổ Bao Vinh. Muốn đến làng nghề "ông Táo" từ TP Huế, đi theo đường Huỳnh Thúc Kháng (tục gọi đường Hàng Bè, chuyên bán tre, kết thành bè, thả nổi trên sông Đông Ba), bao giờ trông thấy phố cổ Bao Vinh là đến.

Làng nghề làm "ông táo"
Bộ ông Táo đất nung cỡ lớn này thay được bếp kiềng.

Trong quan niệm của người Việt, dù nhà khá giả hay nghèo khó, đến 23 tháng Chạp hằng năm đều làm lễ nhỏ, lớn tùy hoàn cảnh gia đình, cúng đưa ông Táo về trời. Những gia đình kinh doanh, mua bán thường lễ cúng linh đình, cỗ bàn thịnh soạn. Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, phong tục tập quán lâu đời của người Huế là coi trọng  giá trị phong thủy của cái bếp, không kém bàn thờ tổ tiên và cái cửa ngõ. Cả ba yếu tố này tốt đẹp, tổng hợp lại sẽ cấu thành sự hưng thịnh, may mắn, hạnh phúc cho gia đình.

Bộ tượng ba ông Táo trong bếp, qua một năm cần phải mua lại bộ mới, nên nghề làm tượng ông Táo ở làng Địa Linh (xã Hương Vinh, Hương Trà, TT-Huế) vẫn chưa bị thất truyền, dù mưu sinh bằng nghề thì không đủ sống, phải làm thêm nghề nông.  Làng Địa Linh ngày xưa nổi tiếng có đất sét cực tốt, thời nhà Nguyễn đặt tại đây "Nê ngõa tượng Cục". Cục này chuyên làm gạch, ngói phục vụ việc xây dựng lăng tẩm, công thự... Việc làm "ông Táo" là một nghề "ăn theo" mà ra?

Như thông lệ, đến 23 tháng Chạp, hầu hết gia đình đều sắm sửa một mâm cúng ông Táo. Người Huế thường làm một dĩa xôi trắng, miếng thịt nọng heo luộc, ít hoa quả, nếu nhà có trẻ con thì cúng thêm một con gà trống luộc. Người Huế không cúng cá chép vì "kiêng" (người đi chùa không ăn thịt cá chép) và người thờ cúng tổ tiên thì lại tin sự tích cá chép hóa rồng, mà rồng là con vật linh thiêng, không được đụng chạm đến.

Trước tháng Chạp, ngoài chợ Đông Ba, đã bán sẵn đồ hàng mã cúng Táo quân, gồm hai cái mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ ông Táo có hai cánh chuồn, mũ Táo bà không có. Những cái mũ được bỏ trong bao bì ni lon, cùng với ba cái áo thụng dài màu sắc sặc sỡ và ba đôi hia, không có quần. Vì vậy, trong phim hài Tết diễn viên thủ vai ông Táo chỉ đội mũ cánh chuồn, mặc áo thụng, chân đi hia mà không mặc quần. Sau khi lễ cúng hoàn tất, ba ông Táo được thay mới, các ông cũ chủ nhà đem đặt ở một góc đình, miếu hoặc cây cổ thụ nào đó, nói chung là những nơi linh thiêng, ít người hẻo lánh.

Anh Nguyễn Vấn, giáo viên người làng Địa Linh, dạy tại Trường Tiểu học Hương Vinh cho biết: "Nghề làm ông Táo chỉ kiếm vài triệu đồng tiêu Tết, vì mỗi năm, mỗi nhà chỉ mua duy nhất một bộ mới, mỗi bộ 15-30 ngàn đồng tùy theo lớn, nhỏ". Trên thị trường thường có hai hình thức ông Táo, thứ nhất là ba ông Táo rời, lớn nhỏ đủ kiểu. Có bộ cao lớn có thể bắc soong, nồi nấu nướng hàng ngày. Thứ hai là bộ ông Táo liền nhau, để thờ mà thôi. Tất nhiên bà Táo bao giờ cũng ở giữa, dễ nhận ra nhờ cái lỗ rún sâu hơn cả. Tôi hỏi chuyện này, các gia đình làm ông Táo cũng không giải thích được, chỉ nói xưa bày nay làm...

Nghề làm ông Táo chỉ bán được trong tháng Chạp, nhưng phải làm từ mùa hè, để có nắng tốt mà phơi. Ngày trước, đến Địa Linh vào tháng Chạp, xóm làng vui nhộn, tấp nập những người làm tượng ông Táo chở đi bỏ mối trong Đà Nẵng, ngoài Quảng Trị. Từ đây, những bức tượng ông Táo mới, còn thơm mùi đất nung, sẽ đến với từng nhà, thêm chút hương xuân cho Tết cổ truyền.

Ba năm trở lại đây, công việc ế ẩm, thời bếp than, bếp củi xa rồi, chỉ còn bếp ga và bếp điện, nên nhiều gia đình làm "ông Táo" đã giải nghệ. Trong làng Địa Linh hơn trăm hộ dân, nay chỉ còn bốn anh em cụ Võ Văn Đức giữ nghề làm ông Táo. Chẳng biết mùa xuân sau trở lại, còn ai theo nghề này không?

Theo cadn.com.vn

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng