Trao giải cho… lòng dũng cảm
Trong lúc các nhà hát đang săn lùng ráo riết kịch bản sân khấu để tham gia Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc 2009, thì Hội Nghệ sĩ sân khấu vẫn phải mỏi mắt mới thấy một tác phẩm để trao giải B là kịch bản Tình sử ngàn năm của tác giả Nguyễn Quang Lập, Hà Nội về Thái úy Lý Thường Kiệt.
Theo NSND Doãn Hoàng Giang, ngay cả Chiếc áo thiên nga của nhà hát Trần Hữu Trang, nhận Giải đặc biệt cũng không phải vì chất lượng vở diễn tốt. “Giải thưởng chỉ là sự công nhận sự “dũng cảm” của nhà hát khi dám dựng một vở diễn quy mô lớn, kinh phí trên 2 tỷ đồng, hội tụ hàng trăm ngôi sao”, ông Giang nói.
Sân khấu đang “khát” kịch bản hay, mặc dù các lớp đào tạo biên kịch chính quy vẫn liên tục chiêu sinh và các trại sáng tác kịch bản sân khấu vẫn diễn ra thường niên.
Nghịch lý đào tạo
Mỗi năm, số lượng nhà viết kịch trẻ ra nghề không ít. Dù vậy, theo nhà biên kịch Trần Đình Ngôn, hầu hết khi ra trường họ thường chọn một công việc khác, bởi lớp trẻ ngày nay không đủ kiên nhẫn viết hàng chục kịch bản, sau đó lại phải hồi hộp chờ đợi xem tác phẩm của mình có ai “dòm ngó” tới không.
Tại các trại sáng tác, đa phần người tham gia thường trên 60 tuổi và ít khi viết được một kịch bản hay. Ông Ngôn cho rằng, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng khan hiếm kịch bản hay là do điều kiện kinh tế. Nếu trong thời bao cấp, sân khấu kịch nhà nước có thể chấp nhận cảnh vừa dựng vừa chỉnh sửa một vở diễn, thì nay, trong cơ chế tự thu chi, điều này không còn được áp dụng bởi càng sửa càng thêm tốn tiền.
Để lấp đầy “lỗ hổng” này, Cục Nghệ thuật biểu diễn mới đây tổ chức lớp bồi dưỡng, đào tạo ngắn hạn các tác giả biên kịch, sân khấu. Theo ông Lê Ngọc Cường, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, sân khấu đang thiếu hụt lực lượng sáng tác và phê bình, mà để chờ đào tạo chính quy thì “còn xa lắm”, trong khi hơn 130 đoàn nghệ thuật trên cả nước đang mong mỏi có được nguồn kịch bản dồi dào.
Với lớp bồi dưỡng này, các học viên được lĩnh hội kiến thức từ hơn 30 thầy cô giáo - những nhà hoạt động sân khấu uy tín nhất hiện nay, chưa kể sự tham gia giảng dạy của nhiều chuyên gia nước ngoài. Nhưng ai dám chắc sau đó sẽ là sự ra đời của những kịch bản hay?
Theo ĐV |