Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi do Hội Nhà văn Đan Mạch, Hội Nhà văn Hà Nội và NXB Kim Đồng tổ chức đã khởi động cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi, hứa hẹn một mùa thu hoạch trong năm nay. Đây là năm thứ 4 cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi được tổ chức. Với chủ đề Bước qua hai thế giới, dự án mong muốn tìm kiếm những tác phẩm thuộc thể loại kỳ ảo, giả tưởng vốn rất thiếu trong văn học thiếu nhi Việt . Sau mỗi cuộc thi, NXB Kim Đồng cũng đã tập hợp in thành sách những tác phẩm đoạt giải.
Thiếu tác phẩm hay
Có thể nói dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Đan Mạch trong những năm qua được triển khai tại Việt Nam đã phần nào tạo sức sống cho văn học thiếu nhi, cũng như mang thế giới văn học đến với các em ở vùng sâu vùng xa. Cùng với cuộc vận động sáng tác, dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Đan Mạch cũng thường xuyên tổ chức những Chuyến tàu kể chuyện có ý nghĩa. Dự án cũng đã xây dựng được 15 tủ sách tại các tỉnh, thành. Tuy nhiên, mặt hạn chế của dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Đan Mạch là công tác quảng bá và phát hành sách chưa thật sự sôi động. Cuộc vận động được triển khai ở Hà Nội và TPHCM, dù thu hút khá đông các cây bút trẻ tại TPHCM tham gia nhưng những tác phẩm đoạt giải gần như chỉ được NXB Kim Đồng giới thiệu ở thủ đô. Còn độc giả TPHCM thì lại khó tiếp cận được tác phẩm đoạt giải.
Thêm vào đó, người viết đôi khi chưa thật am hiểu thế giới trẻ thơ nên tác phẩm khó gieo vào lòng các em sự yêu thích và cảm nhận được tác phẩm hoàn toàn giống như thế giới của mình.
Nhà văn Lê Phương Liên nhận định: "Các cây bút thường miêu tả theo lối hiện thực, chưa mở rộng theo chiều sâu suy nghĩ của các em. Nhiều tác phẩm thiếu vắng sự gần gũi với tuổi thơ, không tiếp cận được với những suy nghĩ đa chiều của các em’’. Nhà văn Phan Hồn Nhiên có cùng suy nghĩ: “Viết cho thiếu nhi rất khó, người viết không chỉ cần cái tài mà còn phải có một tâm hồn gần gũi và am hiểu các em’’.
Mỗi tác phẩm chỉ giới hạn dưới 5.000 từ. Sự giới hạn này là cần thiết khi đối tượng độc giả hướng đến là các em thiếu nhi trong độ tuổi từ 4-10 tuổi. Nhưng điều đó cũng khiến trí tưởng tượng của người viết bị kìm nén khi muốn tự do phiêu lưu nhiều hơn cùng với những tình tiết kỳ ảo, giả tưởng. Rõ ràng, dù đoạt giải nhưng lại rất hiếm tác phẩm tạo được tiếng vang trên văn đàn văn học thiếu nhi.
Thiếu cây bút mặn mà
Trải qua nhiều thế hệ, tên tuổi các nhà văn viết cho thiếu nhi được khắc trên văn đàn cũng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay: Tô Hoài, Phạm Hổ, Phùng Quán, Kim Hài, Trần Hoài Dương, Trần Quốc Toàn... Và hiện nay hiếm tác giả nào viết được nhiều tác phẩm mà các em nhỏ đọc say mê như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Không phải là người chuyên viết cho thiếu nhi, nhưng một số nhà văn cũng đã có nhiều tác phẩm dành cho lứa tuổi này và được đón nhận như Nguyễn Ngọc Thuần với Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Lý Lan với Bí mật giữa tôi và thằn lằn đen, Lưu Thị Lương với Con cá mày ở trong nhà, Trần Thị Hồng Hạnh với Chuyện của nhóc Bill...
Trong khi đó, các cây bút trẻ lại say sưa đuổi theo các đề tài về tình yêu, những trăn trở của tuổi trẻ thời @, thậm chí không bỏ qua đề tài đồng tính và thử sức khai phá đề tài về sex. Gần như không người viết trẻ nào thử viết cho thiếu nhi, ít nhất đó cũng là một mảnh đất màu mỡ rất ít người khai phá. Hội Nhà văn TPHCM cũng thường tổ chức những chuyến thực tế sáng tác cho các nhà văn trẻ nhưng chưa từng hướng chủ đề về thiếu nhi.
Nhà thơ Cao Xuân Sơn, Phó Giám đốc Chi nhánh NXB Kim Đồng tại TPHCM, nói rằng NXB sẵn sàng đón nhận tác phẩm dành cho thiếu nhi của các cây bút trẻ nhưng rất ít bản thảo gửi đến. Ngay cả những cây bút đã từng đoạt giải trong các cuộc vận động sáng tác cũng không mặn mà tiếp tục "chuyên canh" cho văn học thiếu nhi. Theo ông, dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Đan Mạch và NXB Kim Đồng chỉ có thể mở đường, còn việc đi tiếp con đường đó hay không còn phải tùy thuộc vào quyết định và niềm đam mê của các cây bút trẻ.
Nhà văn Lê Phương Liên, Trưởng Ban Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết trong năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã ký kết dự án mới với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tiếp tục xây dựng và phát triển những hình thức hỗ trợ cho văn học thiếu nhi. Như vậy, khi dự án hỗ trợ văn học Đan Mạch kết thúc vào năm 2010, những cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi vẫn sẽ được tiếp tục triển khai.
Theo NLĐO |