Âm nhạc của Đại Lâm Linh (Ngọc Đại - Thanh Lâm - Linh Dung) sau ba năm thử nghiệm, tìm được nhà sản xuất là Trung tâm Văn hóa Pháp.
Sau đêm diễn lấy đà năm ngoái cũng người Pháp tổ chức, năm nay họ ra mắt chuyên nghiệp với album, kèm liveshow bán vé tại Nhà hát Lớn.
Ca từ do các nhà thơ từ Apolinaire đến Nguyễn Trọng Tạo, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải... cung cấp. Ngọc Đại cũng trổ tài làm lời hai bài Đũa tre và Chiêm bao trắng. Ngọc Đại có lối dẫn dắt thẳng thừng, hơi chất phác.
Cầm đũa tre, gắp miếng măng nhìn quá khứ/trẻ cầm đũa tre vót nan diều, mơ một tiếng sáo phiêu trời xanh. Nhưng cũng đũa tre ấy, cuối cùng: Vót thành ba tầng cây bông hoa, cắm lên bát cơm, cắm lên quả trứng. Hà Trần thời hát Nhật thực từng thích bài hát này.
Chọn được những lời thơ đẹp, phả vào những giai điệu khá ngọt ngào, nhạc Ngọc Đại, nhất là mảng tình ca, không khó để đi trực tiếp vào lòng người. Nhưng Đại Lâm Linh chọn cách tiếp cận khác: Không dùng những quãng đẹp của giọng, giảm tối đa giai điệu tính của bài hát...
Phụ họa có piano, cello, đàn đáy, đàn tranh, bộ gõ, ghi ta điện và các thiết bị điện tử để tạo âm thanh... Tất cả dùng để điểm xuyết, gây không khí hoặc đối thoại với lời hát, chứ không đệm như dàn nhạc thông thường.
Trên nền nhạc đó, Lâm Linh dường như đang mày mò một kiểu ngâm thơ mới. Một số câu, họ nhấn mạnh hẳn lên, tức là hét toáng lên, hét đi hét lại, càng lúc càng to, càng dồn dập. Cũng nội dung đó, tùy vào cách hét, hiệu ứng sẽ khác hẳn, thậm chí tác động ngược trở lại nội dung văn bản.
Chẳng hạn: Bầu trời rách, rách rồi, rách thật rồi (Cổ hàng hiên mưa)- gào lên nghe đáng tin hơn hẳn đọc bình thường. Khi thi nhau thét: Những khoảng trống không được anh gieo trồng mùa mùa (Mơ) thì quả là người nghe cũng cảm thấy bức bối.
Đàn đáy, trống chầu ra khỏi hệ thống ca trù, được dùng như các nhạc cụ khác. Một số bài như Nhật thực càng trở nên rối ren do ôm quá nhiều chất liệu... Âm hưởng chung của Đại Lâm Linh (cả đĩa nhạc và đêm diễn) vẫn là sự căng thẳng, bức bối. Liệu có thể thưởng thức Đại Lâm Linh thường xuyên, liên tục dù có vẻ các nghệ sĩ có tiết chế, căn chỉnh so với lần diễn trước.
Như buổi diễn năm ngoái, năm nay cũng kết thúc bằng Cây nữ tu với đỉnh điểm song gào: Linh Dung nằm ra sàn, Thanh Lâm giơ hai chân hai tay lên trời... Cảm giác sau các tiết mục với nhiều vận động cả ở chân tay và trong cổ họng, sau Cây nữ tu, hai ca sĩ cũng không còn hơi sức mà hát, mà diễn.
Nếu hát bình thường, Thanh Lâm là một giọng nữ trung đẹp. Còn Linh Dung, với chiều cao hơn mét bảy, gương mặt ấn tượng, hoàn toàn có thể thành danh trong dòng nhạc thời trang, thậm chí làm cả người mẫu thời trang. Nhưng họ đã chọn hướng đi không giống ai.
|
Theo TPO |