Tạp chí Sông Hương -
Imagine và giấc mơ hòa bình của John Lennon
08:58 | 21/04/2009
Khi nào máu còn rơi, tiếng súng còn vang lên đâu đó bởi quyền lực, tôn giáo và giai cấp thì khi ấy Imagine vẫn còn vang lên trên môi những người yêu chuộng hòa bình.
Imagine và giấc mơ hòa bình của John Lennon

Ca khúc bất hủ của John Lennon đã tạo nên một giấc mơ có lẽ không bao giờ dứt về một thế giới thanh bình và trong sáng tựa pha lê.

Khi còn sống, những năm tháng sôi nổi cùng The Beatles và sau đó cùng  Yoko tham gia chống chiến tranh ở Việt Nam, tuyên truyền lí tưởng của Kark Marx, bênh vực những con người bị đọa đầy bởi bất công xã hội… John luôn nói đến cụm từ “ working class hero”, nhiều đến nỗi, giới báo chí thời đó dùng cụm từ này để gọi anh. Bằng sự nổi tiếng của chính mình, anh là người PR giỏi nhất cho làn sóng yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Điều đó thể hiện rõ nhất trong Imagine – một ca khúc được coi là tuyên ngôn chính trị của John. Bản nhạc được làm nên bởi giọng hát trầm ấm của John và tiếng piano mơ màng như một “bản phúc âm trên thiên đường”. Không kể tới sự cầu kì của John khi xử lý tiếng piano bằng cách đàn 3 chiếc ở 3 phòng khác nhau cùng lúc, Imagine là một bản tương đối đơn giản, đơn giản có chủ ý bởi theo John “phải là cho bài hát mang tính đại chúng, ai cũng có thể hiểu được nó”. Có lẽ đơn giản là mức cao nhất của nghệ thuật. Thế giới của Imagine là thế giới gần như tồn tại trong tất cả những giấc mơ của toàn nhân loại: “Imagine there's no heaven. It's easy if you try no hell below us, above us only sky. Imagine all the people living for today. Imagine there's no countries, it isn't hard to do, nothing to kill or die for and no religion too. Imagine all the people living life in peace...” (hãy tưởng tượng thế giới không có thiên đường. Trên đầu chúng ta chỉ có bầu trời. Hãy hình dung tất cả mọi người sống cho ngày hôm nay. Hãy hình dung một thế giới không tồn tại quốc gia, không có gì để giết hoặc để chết vì nó và cũng không có cả tôn giáo nữa. Hãy hình dung tất cả mọi người sống trong hòa bình...). Vượt lên tất cả, thế giới ấy được chia đều cho tất cả mọi người, không có bất cứ thước đo nào phân biệt sang hèn, đẳng cấp và địa vị… Một thế giới trong veo như pha lê trong cổ tích, khó mà tìm thấy được. John biết điều đó, bởi cái thực tế thời đại anh đang sống là chiến tranh ở Triều Tiên, ở Việt Nam, là áp lực thuế gần như bóc lột tàn bạo sức lao động của người dân, là chết chóc và đau thương ở những vùng binh lửa… Anh xuống đường tham gia biểu tình “sức mạnh thuộc về nhân dân”, anh ra đĩa nhạc tuyên truyền cho phong trào phản chiến, anh thần tượng Marx, anh kéo cả thế giới vào giường ngủ để tuyên bố “dành một cơ hội cho hòa bình”… Nhưng điều lớn nhất mà John làm được cho nhân loại, chính là gây dựng chắc chắn một niềm tin và sự khao khát hòa bình: You may say I'm a dreamer But I'm not the only one. I hope someday you'll join us and the world will be as one (Bạn nói rằng tôi mơ mộng, nhưng tôi tin rằng, không chỉ riêng mình tôi mơ như vậy. Tôi hi vọng một ngày nào đó, thế giới sẽ là một.)

John – người nuôi dưỡng giấc mơ hòa bình cho nhân loại đã ra đi sau phát súng định mệnh trên đường 72nd, New York . 29 năm qua, thế giới chưa từng một ngày ngưng tiếng súng, máu chưa từng ngừng rơi và nước mắt không ngưng chảy xuống. Giấc mơ của John càng lúc càng trở nên xa vời, nhưng vì thế mà người ta càng tin hơn vào giấc mơ ấy.

Ngày Quốc tế lao động 1-5 hàng năm, bạn có thể nghe lại giấc mơ ấy khi John cất lời hát “all your need is love” (tất cả những gì bạn cần là tình yêu). Bởi liều thuốc nuôi dưỡng hòa bình đơn giản là tình yêu!

                                                                                                          Theo TT&VH Online

Các bài mới
Các bài đã đăng