Tạp chí Sông Hương -
Độc đáo nghệ thuật Trúc Chỉ ở Huế
08:02 | 14/04/2015

Trúc Chỉ là nghệ thuật chế tác giấy thủ công trong giai đoạn cuối cùng khi seo giấy, cho phép các nghệ sĩ tạo tác các tác phẩm trực tiếp lên khuôn giấy.

Độc đáo nghệ thuật Trúc Chỉ ở Huế

Được họa sĩ, giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế Phan Hải Bằng khởi lập từ năm 2011, Trúc Chỉ là nghệ thuật chế tác giấy thủ công trong giai đoạn cuối cùng khi seo giấy, cho phép các nghệ sĩ tạo tác các tác phẩm trực tiếp lên khuôn giấy.

Những tác phẩm ấy không chỉ có mặt trên những bức tranh trang trí, mà còn ẩn hiện giữa cuộc sống hằng ngày, trên những dáng nón hay trong những trang giấy. Giữa đô thị ồn ào, những bóng tre dường như đang len vào nhịp sống hiện đại, giữ lại chút bình yên của xóm quê trong tâm hồn mỗi người.

Các ý tưởng sáng tạo, bố cục họa tiết tạo hình... được thực hiện ngay trong quá trình này với sự tác động của nước để tạo nên sự dày, mỏng trên nền giấy, sau đó các hình ảnh, sắc độ sẽ hiện rõ khi có hiệu ứng ánh sáng xuyên qua; hoặc là sự kết hợp các kỹ thuật, chất liệu... với nhau nhằm tạo nên tính độc đáo và sáng tạo.

Tìm hiểu thêm về những người làm nên Trúc Chỉ sẽ lại là lối mòn khi viết về người sáng lập, người đã ròng rã 10 năm trời như thân tre lẳng lặng qua tháng ngày miệt mài tìm kiếm phương thức biểu đạt nghệ thuật trên giấy - Phan Hải Bằng, nhưng sẽ là không đủ nếu thiếu anh. Và cũng không thiếu được người cộng sự đã thay anh giới thiệu nghệ thuật Trúc Chỉ đến công chúng: Quản lý Dự án Nghệ thuật Trúc Chỉ Ngô Đình Bảo Vi.

Hơn 10 năm kiếm tìm câu trả lời cho câu hỏi "Có loại giấy nào có thể đáp ứng được những sáng tạo nghệ thuật của mình mà vẫn ứng dụng được trong đời thường?", anh đã thành công khi mang nghệ thuật Trúc Chỉ đến với công chúng.

Tuy vậy, khi gọi anh là "cha đẻ” của nghệ thuật Trúc Chỉ, anh chỉ nhận mình là người kết nối các giá trị đã có với nhau trên tâm thức của người sáng tạo, nỗ lực tạo dựng một giá trị mới.

Trên tinh thần hợp tác để cùng nhau xây dựng những giá trị mới bằng cách khai thác năng lượng của truyền thống, kết hợp với tư duy và tâm thức đương đại, ngõ hầu làm giàu có thêm giá trị Việt, Phan Hải Bằng và các cộng sự còn có ý tưởng kết hợp nghệ thuật Trúc Chỉ với các nghề thủ công truyền thống khác của Huế để tạo nên những sản phẩm mới mang dấu ấn của Huế và văn hóa Huế như: làng tranh truyền thống Sình, mây tre đan Bao La, nghề làm nón, nghề thêu, nghề làm lọng, dù tre... vừa để tạo ra sự cập nhật mới lạ cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vừa kết nối các làng nghề với nhau trong cùng một sản phẩm để tạo nên sức mạnh phát triển, mong một ngày làng nghề Trúc Chỉ được ra đời ở Huế.

Theo Lê Huy Hoàng Hải/VOV

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng