Tạp chí Sông Hương -
Nghe mưa chợt nhớ danh ca Bảo Yến
14:05 | 17/04/2015

Có lần tôi đã viết, những cơn mưa tháng Sáu luôn ám ảnh tôi, tự rất lâu rồi. Ngày âm u, tiết trời âm u, khiến tôi thường nghĩ về những ngày đã cũ. Ngày nhanh như nắng qua thềm, đời người cũng nhanh như nắng qua thềm. Thoáng chốc, mà đã râm. Như khi, sáng soi gương thấy tóc bạc. Chiều người nhắc, “Cười đã có dấu chân chim”. Giật mình, nhìn tiếc thêm một ngày trôi.

Nghe mưa chợt nhớ danh ca Bảo Yến

1.Hôm ấy, rỉ rả mưa. Tôi ngồi một mình ở quán, quán vắng như lòng tôi đang vắng. Rồi đột nhiên tôi nghe thấy giọng ca của chị, “…Tình ta như hàng cây đã yên mùa bão gió/ Tình ta như dòng sông đã yên ngày thác lũ/ Thời gian như ngọn gió mùa đi cùng tháng năm/ Ðuổi theo mùa đi mãi chỉ còn anh và em/ Chỉ còn anh và em cùng tình yêu ở lại…”. (Thơ tình cuối mùa thu - Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, phổ thơ nữ sĩ Xuân Quỳnh).

Tàn bài hát, tôi rời quán. Có những dư âm vọng về từ xa lắm, dội vào tức ngực. Ngày tôi xanh tóc trên đầu, ngày tôi ngạo nghễ trước những phù phiếm, ngày tôi nhìn người con gái bước đi, ngày tôi thấy người con gái bật khóc. Có bao giờ đã thôi yên ngày thác lũ, chỉ thấy như ngọn gió mùa đi cùng tháng năm mà thôi. Có người con gái băng qua đời tôi, thi thoảng lại hỏi, “Còn nghĩ gì không?”. Suýt nữa tôi đã bắt chước thi sĩ Trần Dạ Từ mà bảo, “...Người đi qua đời tôi/ Không nhớ gì sao người/ Em đi qua đời anh/ Không nhớ gì sao em...”. (Thơ cũ của nàng). Nhưng rồi sao đó, tôi lại im. Những cơn mưa tháng Sáu đầy thổn thức, cứ khiến tôi nhớ những chuyện không đầu không cuối, những chuyện chỉ làm mình sầu não.Tôi hay buồn và thường nghĩ, có nhẽ, do thường nghĩ nên mới hay buồn. Lắm lúc, tôi thấy mình cô độc.

Loay hoay mãi, tôi mới nhớ thêm, vào những năm xưa nào đó, dưới căn nhà của ba má, đêm nào tôi cũng được nghe tiếng hát của chị. Má tôi mất ngủ thường xuyên, và bao giờ má cũng tìm lại giấc ngủ qua tiếng hát của chị… Từng đêm đều đặn, trong căn nhà của mình, âm thanh vừa đủ nghe từ máy cassette, “...Đêm nghe tiếng mưa rơi/ Đếm mấy triệu hạt rồi mà chưa vơi nỗi nhớ/ Ở hai đầu nỗi nhớ/ Yêu và thương sâu hơn/ Ở hai đầu nỗi nhớ/Nghĩa tình đằm thắm hơn…”. (Ở hai đầu nỗi nhớ - Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Trần Đình Chính), hay “...Em sang ngang rồi chôn kỷ niệm vào thương nhớ/ Hôn lên tóc mềm lệ sầu thắm ướt đôi mi/ Xin em một lần cho ước nguyện tình yêu cuối/ Thương yêu không trọn thôi giã từ đi em…”. (Giã từ - Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng), và rất nhiều ca khúc khác về Huế, về mưa, về những ân tình đã trở thành ký ức.

Tôi nhờ một người anh đang là ca sĩ, nên có được số điện thoại của chị. Tôi xin cuộc gặp trực tiếp, ban đầu chị đồng ý. Chị nói, “Bàn về âm nhạc thôi, nha em”. Tôi thưa, “Dạ, chỉ có vậy ạ”.

 Khuya ấy, chị nhắn tin lại. Chị muốn được trao đổi qua email, chị ngại truyền thông. Lâu trước, tự dưng chị bị lôi vào cuộc khẩu chiến không đâu ra đâu của những nghệ sĩ, tôi đã có ý định gặp chị. Nhưng rồi tôi nghĩ, có nên không. Bởi trong tôi, chị không chỉ là một danh ca, mà chị còn là một phần của ấu thơ. Hơn nữa, bằng kinh nghiệm làm báo của mình, tôi cho rằng, chị đã không còn hiểu truyền thông như những năm xưa. Bây giờ, bất cứ ai cũng có thể bị vướng vào một câu chuyện không đâu, do truyền thông tự dựng lên. Chị nói, “Bàn về âm nhạc thôi, nha em”. Tôi thưa, “Dạ, chỉ có vậy ạ”.

Trưa, tôi soạn câu hỏi, gửi mail cho chị. Chiều, chị phản hồi. Phố vẫn đang mưa đều. Vạn sự tùy duyên, tôi tin vào điều đó. Tôi vẫn hy vọng, vào một hôm nào đó, khi đủ duyên, tôi sẽ được ngồi trao đổi trực tiếp với chị. Tôi muốn điều này, không phải cho những bài báo, chỉ là một cuộc trao đổi cho riêng tôi. Đơn giản chỉ là, chớp mắt là tan một đời người mà nỗi muốn thì luôn vô tận.



2.Thưa danh ca Bảo Yến, tôi nghĩ, vạn sự trên đời đều không thoát khỏi chữ Duyên. Ngay cả khi chị từ chối gặp tôi trực tiếp, chỉ đồng ý trả lời phỏng vấn qua email bởi “chị không còn tin tưởng nhà báo nữa”, thì có lẽ đó là bởi duyên chưa đủ. Vậy thì cái duyên đưa chị từ một cô gái đất Thần Kinh trở thành một nữ danh ca như thế nào ạ?

- Vâng, duyên chính là thứ đưa đẩy để chúng tôi, để tôi cùng em gái mình là ca sĩ Nhã Phương cùng bước lên sân khấu. Vận đúng như thi hào Nguyễn Du đã đúc kết, “Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Ở đây, phải hiểu là “được cho ca hát mới được phần ca hát”. Ba tôi là nhạc sĩ Thủy Triều, ông thường làm chương trình ca nhạc định kỳ hằng tháng của Đài Truyền hình Cần Thơ vào trước năm 1975. Phần nào đó, đây cũng là điều kiện mà tôi, Nhã Phương và em trai Kim Tuấn (nhạc sĩ tài hoa Kim Tuấn với những ca khúc, như:Biển cạn, Tôi ngàn năm đợi, Câu chuyện tình tôi… – N.K.L) bước vào con đường nghệ thuật rất thuận lợi.

- Ngày còn bé, má tôi bị mất ngủ kinh niên. Và mỗi lần như vậy, bà luôn muốn được nghe giọng hát của chị. Cái băng cassette thu giọng ca của chị như là một phần ký ức ấu thơ của tôi mỗi lúc đêm về. Rồi đột nhiên, độ mươi năm nay tôi không thấy chị xuất hiện nhiều trên sân khấu nữa. Theo dõi tin tức từ làng giải trí Việt, tôi có đọc thấy chị bảo, “Chị rời sàn diễn là vì không chịu nổi sự giả tạo”. Đó là cá tính của chị hay đơn giản chỉ là chị rời sàn diễn vì mình muốn như vậy?. Cuộc sống hiện tại của chị ra sao, thưa chị Bảo Yến? Bởi sự im ắng của chị khiến tôi bật nghĩ đến hai câu thơ cổ “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”. Dẫu rằng, tôi luôn mơ ước một ngày được nghe chị trình diễn Liên khúc phượng hoàng cùng em gái chị là ca sĩ Nhã Phương trên một sân khấu nào đó. Nhân tiện, xin phép cho tôi hỏi về cuộc sống của danh ca Nhã Phương, em gái chị hiện nay ra sao. Cả nhạc sĩ tài hoa Kim Tuấn, em trai chị?

- Tôi rời sân khấu và không diễn thường đêm vì bỗng một ngày tôi chợt hiểu ra rằng cuộc đời này rồi cũng mất hết tất cả. Ngay cả cái thân của mình cũng không giữ được và từng ngày tôi nghe tin buồn của người thân, của bạn bè mình lần lượt ra đi.

Từ lúc hiểu được điều này, tôi chỉ làm việc vừa đủ để nuôi bản thân và gia đình. Tất cả thời gian còn lại tôi dành cho sự tu tập, niệm Phật và thiền định. Bây giờ, chính xác là mười mấy năm nay tôi sống an ổn, xa chốn phồn hoa. Tôi cũng nhận ra rằng mình không còn thích chốn đông người, tôi chỉ muốn trầm mình trong kinh Phật và tìm sự an lạc trong chốn ấy.

Có lần tôi trả lời trên báo là tôi đã hạnh phúc và an hưởng một cuộc đời bình lặng. Nhưng không hiểu sao báo chí lại không hiểu ý tôi mà viết thành “Tôi giờ đây thụ hưởng cuộc sống”.

Tôi thụ hưởng cái gì, khi mà tôi đã cất hết đam mê, thú vui trần thế, tôi đã đóng kín “Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý”.

Tất cả những thú vui mà trần gian say mê thì đối với riêng tôi, đó là một sự phung phí, chán chường, ngán ngẩm, giả dối. Tôi thấy không có gì lại thư thái và tĩnh lặng bằng an vui, được sống trong Phật pháp. Và tôi tin rằng, con người được sinh ra để rèn luyện kỹ năng đặc biệt của mình lên một tầng cao. Khi đã trở thành thiên xảo và am hiểu mọi điều, con người sẽ bước vào thế giới khác, thế giới xoáy ngược vào bên trong. Đó là, thế giới nội tại.

- Chị hát nhạc sôi động, chị hát nhạc trữ tình, chị hát boléro… Ở bất cứ thể loại nhạc nào chị cũng đều gặt hái thành công. Tuy nhiên, nói chị đừng giận, tôi vẫn thích nghe chị hát boléro. Tiếc rằng, không hiểu vì lý do gì, một vài nghệ sĩ đương đại lại thường dè bỉu về dòng nhạc mà tôi cảm thấy cực kỳ thú vị này. Quan điểm riêng của chị như thế nào ạ?

- Theo ý tôi, ở dòng nhạc nào cũng có cái hay và sự quyến rũ của nó. Ở thể loại Pop, thì người ta kể lể về những câu chuyện một cách nhẹ nhàng, da diết.

Rock thì cháy bỏng, đam mê và rực lửa. Thể loại này, bắt buộc phải có giọng hát thiên phú, hát vẫn nhẹ nhàng nhưng phải có cái trầm khàn ma mị của nó. Khó có thể học được cách hát, mà nó phải xuất phát từ trong huyết nhục.

Tôi say mê tất cả các dòng nhạc ấy, từ Pop, Rock, Jazz, HipHop và thậm chí là cả Rap nữa. Rap là cấu trúc của tiếng trống và snare, đầy hấp dẫn.

Riêng về Boléro thì trữ tình, thổn thức và có tính cách hơi ủy mị, rất dễ lôi cuốn người nghe một cách tha thiết khi có sự luyến láy tinh tế của người ca sĩ.

Một số người không thích Boléro vì có lẽ họ có tính cách mạnh mẽ, nhưng tôi tin rằng lúc còn tuổi trẻ thì không thích thể loại nhạc này. Nhưng khi về già, khi đã trải qua những năm tháng thăng trầm của cuộc sống đầy phiền não, họ sẽ phần nào thấm thía và yêu mến Boléro.

Có hai câu hỏi mà nhạc sĩ Bảo Yến từ chối trả lời, câu thứ nhất, “Chị là một giai nhân lại vẹn toàn tài lẫn sắc. Thú thật, dẫu đã hứa với chị không đặt câu hỏi riêng tư. Nhưng đây là điều quá khó để thực hiện. Chỉ xin hỏi nhanh chị, cho đến giờ, thì lần từ chối một tấm chân tình nào khiến chị còn nhớ mãi?”; và câu thứ hai, “Câu hỏi cuối cùng, một câu hỏi rất cũ. Chị nghĩ gì về âm nhạc hiện nay? Về cái chất nghệ sĩ của những ca sĩ trẻ hiện nay?. Đâu là điều khác biệt lớn nhất của thế hệ nghệ sĩ hiện tại và thế hệ của chị ạ?”.

Với cuộc sống mà chị đã chọn ở thời điểm nhiều năm trước, có lẽ, đó là hai câu hỏi rất không đáng trả lời
.

Theo Ngô Kinh Luân

Báo Công an nhân dân

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng