Tạp chí Sông Hương -
Sự trở lại thú vị của các nhóm “nhạc đỏ”
08:51 | 21/04/2015

Liên hoan “Các nhóm ca khúc truyền thống cách mạng” năm 2015 vừa diễn ra tại sân khấu Sen Hồng – Công viên 23-9 với sự tham gia của 24 quận, huyện và hai trường đại học Văn Hiến, Văn hóa TPHCM. Hoạt động văn hóa nghệ thuật này do Sở Văn hóa – Thông tin – Trung tâm Văn hóa TPHCM tổ chức, chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sự trở lại thú vị của các nhóm “nhạc đỏ”
Nhóm ca TTVH quận 3 trình diễn ca khúc Hành khúc lên đường.

Đậm chất trẻ
Với gần 150 tiết mục ca múa, từ hàng ghế khán giả, nhiều người đã cùng rung động, nhẩm hát, bắt nhịp theo các khúc ca truyền thống kháng chiến đã đi vào lòng bao thế hệ. Những tác phẩm âm nhạc sống mãi với thời gian: Màu hoa đỏ, Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây, Sài Gòn quật khởi, Tiến về Sài Gòn, Mỗi bước ta đi, Nam bộ kháng chiến, Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Dậy mà đi, Tiếng hát những đêm không ngủ, Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Tự nguyện, Hát về anh, Bài ca may áo, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh, Vinh quang Việt Nam… cùng các ca khúc ngợi ca quê hương đất nước con người Việt Nam, đã hòa quyện vào nhau, góp phần tạo nên không khí rừng rực khí thế của tháng tư lịch sử.
Điểm nổi bật của liên hoan chính là những giọng hát trẻ, khỏe, tự tin đã trình diễn sống động, đầy cảm xúc những ca khúc truyền thống cách mạng bằng âm thanh chân thật của trống, trống cajon, keyboard, guitar, violin, piano, sáo… Có tác phẩm được trình diễn theo phong cách cũ – truyền thống, có ca khúc sử dụng kỹ thuật phối âm mới, biến tấu với acapela, tiết tấu nhanh, mạnh mẽ giúp các tiết mục biểu diễn thêm hiện đại, gần gũi, lôi cuốn.
Nhắc đến các đội nhóm ca khúc truyền thống cách mạng, mỗi người dân thành phố, nhất là thế hệ U.50 không thể nào quên được không khí hào hùng, phấn khởi của người dân TPHCM những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất. Thời điểm đó, các nhóm ca khúc chính trị lần lượt ra đời đã tạo thành một phong trào văn hóa quần chúng tiêu biểu với hàng loạt chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc. Những khúc ca ra đời từ lịch sử đấu tranh giữ nước, giành lại độc lập tự do dân tộc ấy được trình diễn với những ban nhạc điện tử đúng phong cách Sài Gòn, thu hút được sự quan tâm và yêu thích của nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, học sinh, sinh viên, công nhân. Từ đây, phong trào ca khúc chính trị đã dần lan tỏa đến nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Làm sống lại một phong trào
Vì nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, đến những năm cuối của thập niên 80, các nhóm ca khúc chính trị không còn hoạt động sôi nổi và mạnh mẽ như trước. Theo xu thế thời đại, với sự xâm nhập ồ ạt của trào lưu văn hóa thế giới, các nhóm ca khúc dần được thay thế bởi những ban nhạc Rock, Pop. Dẫu rằng có thiếu vắng trên thị trường biểu diễn nghệ thuật nhưng dư âm và những mặt tích cực của loại hình biểu diễn này vẫn tồn tại trong âm thầm, bằng hoạt động ít ỏi của những ban nhạc, nhóm nhạc chuyên biểu diễn những ca khúc truyền thống cách mạng phục vụ người dân.
Ông Nguyễn Hữu Nghị, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TPHCM cho biết: “Đây là mô hình của các nhóm ca khúc chính trị trước đây và chúng tôi tổ chức liên hoan vì muốn mô hình này sẽ hoạt động tích cực hơn. Từ hiệu quả thực tế, chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức liên hoan thường xuyên hàng năm, động viên các TTVH, đoàn thể, đầu tư xây dựng các đội nhóm, liên kết thêm với Thành đoàn TPHCM khuyến khích xây dựng ban nhạc trẻ của các trường đại học, trung học cơ sở. Lâu nay có quá nhiều nhóm nhạc hoạt động trên tinh thần làm nhạc đĩa là chính, với các bản phối rất dày, rất hay. Tuy nhiên, để lôi cuốn được khán giả, người nghe, người xem vẫn luôn là chất “sống” của các ban nhạc và ca sĩ trên sân khấu. Mặt khác, việc tổ chức định kỳ và thường xuyên hơn liên hoan các nhóm ca khúc truyền thống cách mạng cũng sẽ góp phần cân bằng đời sống âm nhạc hiện nay. Với loại hình biểu diễn nhạc sống thì từ cảm xúc của người hát, người diễn, âm thanh sống động của ban nhạc, sẽ góp phần truyền lửa, đem lại cho khán giả những đồng cảm, rung động. Hy vọng, với sự trở lại của các nhóm ca khúc truyền thống cách mạng, sinh khí hoạt động văn hóa nghệ thuật phong trào cơ sở ở từng địa phương sẽ thêm sôi nổi”.

Lễ tổng kết và trao giải Liên hoan các nhóm ca khúc truyền thống cách mạng được tổ chức tại sân khấu Sen Hồng vào tối 18-4-2015. Sau liên hoan, các nhóm ca sẽ luân phiên biểu diễn phục vụ người dân TP từ ngày 26-4 đến 30-4 tại Nhà hát Thành phố, vào ngày 16-5 tại Nhà Văn hóa Sinh viên và ngày 17-5 tại NVH Thanh niên.

Theo SGGPO

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng