Tạp chí Sông Hương -
Sức hấp dẫn văn học đề tài chiến tranh
08:52 | 21/04/2015

Chiến tranh ở Việt Nam đã lùi xa. Trên thế giới hiện nay chiến tranh vẫn đang xảy ra ở nhiều nơi. Hàng ngày hệ thống truyền thông trên thế giới vẫn liên tục đưa tin số người chết và nạn nhân chiến tranh. Nhưng vì sao chiến tranh vẫn cứ xảy ra? Văn học viết về chiến tranh, dù muốn hay không cũng nhất thiết phải giải mã, giải đáp vấn đề ấy. Sức hấp dẫn của đề tài này khởi nguồn từ đó.

Sức hấp dẫn văn học đề tài chiến tranh

Viết về chiến tranh là viết về sự sống chết, một điều cơ bản nhất của xã hội loài người, của con người, không hấp dẫn sao được. Tuy nhiên, sẽ không còn hấp dẫn nữa nếu viết về chiến tranh một cách đơn giản, công thức và khô cằn. Đề tài chiến tranh chỉ hấp dẫn bạn đọc khi giải mã được tính chất, đặc điểm, quy mô, kết quả và hậu quả của chiến tranh đối với số phận con người. Văn học không phải là triết học hay lịch sử thuần túy, nhưng vì sự tồn tại, phát triển, con người, nhất thiết phải lý giải cho được tính chất của chiến tranh. Sức hấp dẫn của đề tài này còn thể hiện ở sức thuyết phục về niềm tin, về hy vọng ở một thế giới không có chiến tranh. Từ xa xưa, loài người đã coi “hy vọng” là cứu cánh. Hy vọng luôn có sức hấp dẫn rất lớn!
Với đề tài chiến tranh ở nước ta. Trước hết phải nói rõ là chiến tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước kéo dài suốt từ năm 1945 cho đến năm 1975 của quân dân ta là cuộc chiến tranh bảo vệ, cuộc chiến chính nghĩa. Đề tài chiến tranh cách mạng ở nước ta đã là một đề tài chủ đạo trong một thời gian dài với khối lượng tác phẩm đồ sộ và đã có những đỉnh cao tạo nên giá trị văn học. Tuy nhiên, do nhu cầu và yêu cầu của bạn đọc luôn tăng lên, cùng với sự phát triển của công nghệ nghe nhìn, văn học nói chung, văn học về chiến tranh nói riêng đã và đang phải đối mặt với những thách thức về sự hấp dẫn. Âm hưởng anh hùng ca, bi tráng ca hay những bi kịch khốc liệt của chiến tranh dường như đã thiếu sinh khí mới. Người đọc cảm thấy sự sáo mòn, nhiều chữ, ít nghĩa hay nói theo ngôn ngữ báo chí là “chất lượng thông tin không cao”, “không đủ độ nóng tương xứng với đề tài mang tính thời sự”.
Độc giả hiện nay và có thể cả tương lai sau này vẫn trông chờ sự ra đời của những tác phẩm văn học hấp dẫn viết về chiến tranh. Chỉ có thể nêu lên những yếu tố cơ bản tạo sự hấp dẫn. Đấy là một tấm lòng trong sáng hướng tới cái đẹp, một tài năng sử dụng ngôn ngữ và một kho kiến thức sâu rộng.
Những người viết về chiến tranh trong hoàn cảnh hiện tại phải tìm ra được nét đặc trưng hấp dẫn của văn học. Một trong những yếu tố đặc trưng là “sức hấp dẫn của những thông tin về kỹ năng sống”. Ai cũng biết chiến tranh hội đủ các vấn đề về kỹ năng sống. Trong chiến tranh, người ta cần đến những “kỹ năng tồn tại” trong điều kiện “rất khó tồn tại”. Muốn hay không muốn, con người luôn phải có được “kỹ năng xử lý” các mối quan hệ giữa cá nhân và đồng đội, giữa cái tốt với cái xấu, cái thiện cái ác. Nói tóm lại, đấy là những kỹ năng vượt lên chính mình để chiến thắng. Cuộc chiến tranh đánh đuổi xâm lược giành độc lập tự do, thống nhất đất nước của quân và dân ta đã thể hiện rất rõ điều đó.

Theo SGGPO

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng