Thành công về danh tiếng, thất bại với doanh thu
Giống như đạo điễn Orson Welles (The War Of The Worlds, Citizen Kane và Macbeth), đạo diễn Francis Ford Coppola cũng có 10 năm huy hoàng, bắt đầu từ năm 1970 với kịch bản phim Patton - một bộ phim nói về Chiến tranh thế giới thứ II và đoạt 3 giải Oscar. Năm 1974, lần đầu tiên và cho đến nay cũng là lần duy nhất trong lịch sử giải Oscar, hai bộ phim của cùng một đạo diễn cùng tranh nhau ngôi vị Phim hay nhất, mà kết quả là Godfather 2 của Coppola đã đánh bại Dialog cũng của... Coppola. Sau đó là phim Apocalypse Now, một bộ phim phải mất hai năm mới hoàn thành, với một diễn viên chính (Martin Sheen) bị đột quỵ và diễn viên ngôi sao nhưng chưa được chuẩn bị (Marlon Brando) cũng như phải dựng lại toàn bộ bối cảnh bị cơn bão nhiệt đới xóa sổ. Tuy Apocalypse Now đã giành được Cành cọ Vàng, nhưng ban giám khảo vẫn còn do dự trong việc trao giải Oscar cho bộ phim kinh điển này. Trong những năm 1980, sự nghiệp điện ảnh của Francis Ford Coppola bị tụt dốc một cách thê thảm. Ông đã tuyên bố phá sản và thiếu chút nữa thì trở thành một “Orson Welles thứ hai”, đạo diễn đã tự hủy hoại tài năng của mình bởi chứng nghiện rượu. Dự án phim lớn nhất mà đạo diễn Coppola đã dày công chuẩn bị suốt 20 năm trời và sẽ không bao giờ trở thành hiện thực - có tên gọi Megalopolis. Ngay từ hồi những năm 1980, Coppola đã mời diễn viên Matt Dillon thủ vai một sĩ quan tốt nghiệp trường võ bị danh tiếng West Point, người sau đó đã rời quân ngũ để làm nghề lau kính cửa sổ của các ngôi nhà chọc trời ở New York, trong đó có tòa Tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới - một biểu tượng của nước Mỹ. Nhưng nếu bây giờ tiếp tục dự án thì Matt Dillon đã là quá già cho vai diễn kể trên, trong khi cát-sê của nam tài tử Russell Crowe lại quá cao đối với đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim Coppola. Ấy vậy mà để chuẩn bị làm phim Megalopolis, đạo diễn Coppola đã phải kỳ công quay phim tư liệu trên các đường phố
New York
với độ dài lên tới 60 giờ chiếu. Thế rồi thật trớ trêu, sự sụp đổ của hai tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới trong cái ngày oan nghiệt 11/9/2001 ấy đã kéo theo sự sụp đổ của Megalopolis. Đổ vỡ của dự án Megalopolis là thất bại thứ hai của đạo diễn Francis Ford Coppola. Thất bại thứ nhất là việc ông bỏ tiền mua một khu nhà ở
Santa Monica
với ý định biến nó thành một trường quay và tiến hành “một cuộc cách mạng kỹ thuật số”. Coppola đã sử dụng kỹ thuật HDTV trong bộ phim One From The Heart. Trong thực tế, chi phí làm bộ phim công nghệ cao này đắt hơn dự kiến tới 10 lần và mang lại doanh số chưa đầy 5% chi phí bỏ ra. Kết cục là đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim Coppola bị mắc nợ tới 25 triệu USD và phải tuyên bố phá sản. Nhưng công bằng mà nói, dự án này thất bại chỉ vì “tội” đã đi trước thời đại tới... 15 năm.
Ở tuổi “thất thập cổ lai hy” (Francis Ford Coppola vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 hôm 7/4 vừa qua - PV), người ta thường suy ngẫm về cuộc đời và có những nhận xét về bản thân một cách chín chắn hơn. Coppola phát biểu:“Tôi cho rằng hãnh tiến không phải là đức tính xấu. Thà có tham vọng và thất bại còn hơn theo đuổi những mục đích tầm thường và đạt được những thành công cũng tầm thường. Tôi đã có may mắn trong cuộc đời mình: Những thất bại của tôi thường là những thất bại của tham vọng”.
Sống chính bằng nghề tay trái
Ngay từ khi đang làm Apocalypse Now, Francis Ford Coppola đã mua một trang trại trồng nho ở Thung lũng Napa (California) để tưởng nhớ ông nội vốn là một người trồng nho nổi tiếng xứ Napoli. Nhưng phải mãi đến những năm 1990, đạo diễn Coppola mới thực sự nghĩ tới việc... kinh doanh rượu vang, và bất ngờ là hiện thời hãng Francis Ford Coppolas Presents của ông đã trở thành hãng cung cấp rượu vang lớn thứ 12 ở nước Mỹ. Ngoài rượu vang, Francis Ford Coppolas Presents còn kinh doanh cả xì gà, patê, điều hành hai nhà hàng ăn uống và ba khu nghỉ dưỡng tuyệt đẹp ở Trung Mỹ, với doanh số hàng năm lên tới 500 triệu USD.
Đạo diễn Francis Ford Coppola thích triết lý và nổi tiếng với kết luận rút ra từ chính cuộc đời ông, ấy là: “Nghệ sĩ chỉ là những kẻ làm thuê”. Ông lý giải: “Nếu muốn biết ai là người thống trị thế giới, xin hãy nhìn những người đang trả lương cho nghệ sĩ. Trước đây là các ông vua và các Giáo hoàng, bây giờ là các tập đoàn kinh tế lớn”. Theo Coppola, người ta chẳng bao giờ cho phép các nghệ sĩ lớn xếp ngang hàng với các vị chủ tịch tập đoàn hay các chính khách hàng đầu. Chính vì vậy mà người ta không cho phép điện ảnh phát huy bản chất vốn có của nó là chân-thiện-mỹ. Ông triết lý: “Điện ảnh có thể góp phần giải quyết những vấn đề rắc rối của nhân loại. Nhưng đáng tiếc là những người đang kiểm soát điện ảnh lại chính là những kẻ góp phần gây ra những rắc rối đó”. Hiện thời, Coppola đã có đủ điều kiện để được sống đúng với bản chất nghệ sĩ của mình chứ không phải như một ”kẻ làm thuê”, một phần nhờ vào công việc kinh doanh và một phần nhờ vào cô con gái Sofia, người đã chứng minh cho ông thấy rằng người ta vẫn có thể làm được những bộ phim hay như The Virgin Suicides và Lost In Translation với giá thành chưa đầy 100 triệu USD. Cách đây hai năm, Coppola đã đánh dấu sự trở lại với điện ảnh của mình bằng bộ phim Youth without Youth (Lớp trẻ không có tuổi trẻ) với chi phí chỉ 17 triệu USD. Ông cũng vừa hoàn thành bộ phim Tetro với mục đích tham dự Liên hoan phim
Cannes
sẽ diễn ra vào tháng tới. Bây giờ, ông đạo diễn này đã có thể tự hào:“Hiện thời, tôi có thể làm phim cũng giống như những người ở tuổi tôi chơi golf”. Chỉ có điều trong cái thú chơi này cũng có một điều kiện ràng buộc: Đó là nó phải sinh lời”. Theo TT&VH |