Tạp chí Sông Hương -
Lời giải nào cho bài toán du lịch tại Khu di tích Kim Liên?
14:54 | 22/05/2015

Khai thác các di tích văn hóa- lịch sử vào mục đích du lịch đang trở thành một hướng đi được quan tâm đầu tư của nước ta nói chung, Nghệ An nói riêng bởi có lẽ đó là cách hiệu quả hàng đầu để quảng bá những giá trị văn hóa của một vùng miền mà không cần phải tốn quá nhiều lời.

 Lời giải nào cho bài toán du lịch tại Khu di tích Kim Liên?

Hiện nay, trong số những di tích đang được khai thác dưới góc độ du lịch tại Nghệ An, Khu di tích Kim Liên được đánh giá là nơi có hiệu quả cao nhất với việc duy trì lượng khách khá đông và đều đặn (khoảng 1,5 - 2triệu lượt khách/năm – số liệu của Khu Di tích kim Liên). Tuy nhiên với những tiềm năng hiện có, nơi đây vẫn chưa thực sự phát huy hết được giá trị của mình một cách xứng tầm. Những câu hỏi, những giải pháp vẫn liên tục được đưa ra trong nhiều năm nay song tình hình chưa cải thiện đáng kể. Nguyên do bởi bài toán quá khó hay bởi một lí do nào khác?

Một điệp khúc đã quá quen…

Nhiều năm nay, đánh giá về Khu di tích Kim Liên chúng ta luôn được nghe nhận định: Khu di tích là địa chỉ đỏ/ là điểm nhấn trên bản đồ du lịch, đã thu hút được lượng khách đều đặn hàng năm song phát huy chưa tương xứng với tiềm năng.

Được xếp hạng là khu di tích quốc gia đặc biệt, giá trị văn hóa- lịch sử cũng như tiềm năng du lịch của Khu di tích Kim Liên là điều không thể nào phủ nhận. Đây không chỉ là nơi lưu giữ nhiều tư liệu có giá trị văn hóa, lịch sử quan trọng về chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi giáo dục tư tưởng, đạo đức cho các thế hệ mà còn thực sự là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách trong, ngoài nước khi tới Nghệ An. Hàng năm nơi đây đón hàng triệu lượt khách. Theo số liệu của Ban quản lí, trong năm 2014, có 1.594.679 lượt khách, 50.856 đoàn trong đó có 881 đoàn quốc tế . Qúy I 2015 có 4.822 đoàn với 112.719 lượt người. Đây là cụm di tích với nhiều địa chỉ, phân bố rải rác trên diện tích khá rộng lớn gồm: Cụm di tích quê nội- Làng Sen (nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Bác; Giếng Cốc, Lò rèn cố Điền, nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm, ông nội của Bác; nhà cử nhân Vương Thúc Qúy, thầy của Bác thời niên thiếu; cây đa, sân vận động, đền làng Sen; nhà thờ Đại tôn họ Nguyễn Sinh), Cụm di tích quê ngoại- Hoàng Trù, khu mộ bà Hoàng Thị Loan và Di tích Núi Chung tạo thành một khu tham quan hấp dẫn đối với khách du lịch.

Những giá trị của Khu di tích không có gì đáng để bàn cãi. Vấn đề là việc chưa phát huy tương xứng tiềm năng được nhắc đến nhiều, cùng với đó những mặt hạn chế, giải pháp được chỉ ra không ít song tình hình có vẻ như không mấy cải thiện. Đó là tại đây chưa khai thác tiềm năng triệt để, chưa mang lại nhiều giá trị và để lại nhiều dấu ấn cho du khách, chưa thiết kế được các tour hấp dẫn. Là các du khách đến đây chủ yếu tham quan, ít sử dụng các dịch vụ. Sản phẩm du lịch còn nghèo và dịch vụ đi kèm như hệ thống nhà hàng ăn, nghỉ chưa phát triển tương xứng. Một trong những vấn đề được đề cập đến nhiều và dường như đã trở thành  “đề tài muôn thuở” của không chỉ Khu di tích Kim Liên mà còn của nhiều địa chỉ khác tại Nghệ An là nhà vệ sinh cũng như vệ sinh môi trường song tình hình cải thiện không đáng kể.

 Nhiều giải pháp đã được đề xuất như: phát triển hệ thống các dịch vụ đi kèm, quảng bá mạnh hơn về nguồn tài nguyên, các đặc sản của Nam Đàn đồng thời xây dựng khu nghỉ chân theo hướng dân dã, đưa dân ca ví giặm vào phục vụ khách, tăng vai trò của cộng đồng trong hoạt động du lịch, cho khách nghỉ tại nhà dân để trải nghiệm các giá trị văn hóa…

Như vậy, có thể nói trong suốt thời gian qua, những nguyên nhân, giải pháp luôn được đưa ra trả lời cho câu hỏi về sự phát huy chưa tương xứng tiềm năng của Khu di tích Kim Liên. Tuy nhiên vấn đề là sau những lần vạch ra, thực tế vẫn gần như dẫm chân tại chỗ. Điều này dẫn đến hiện tượng người góp bàn cũng không còn hứng thú với câu chuyện này mà thực chất là chẳng còn gì để nói khi tất thảy vốn đã được chỉ ra. Vậy nguyên nhân vì sao và đâu mới là lời giải thực sự cho những vướng mắc hiện tại?

Câu trả lời cho những vướng mắc…

Xem Khu di tích Kim Liên là một điểm nhấn du lịch, tỉnh Nghệ An luôn dành sự quan tâm đầu tư đặc biệt cho địa chỉ này. Sở VHTTDL Nghệ An cũng đã có những cuộc họp bàn với các đơn vị lữ hành để tiếp nhận ý kiến đồng thời đề nghị sự hợp tác trong việc tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch. Từ năm 2003, đề án “Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích LSVH Kim Liên gắn với du lịch” đã được triển khai với sự đầu tư lớn trên diện tích 215,68 ha. Nhiều công trình được tôn tạo, các tuyến đường nối được cải thiện, trung tâm điều hành khách tham quan được thành lập và các di tích gốc được bảo tồn bền vững. Tuy nhiên những tồn tại đã chỉ ra về vấn đề thu hút khách du lịch, tăng chi tiêu của khách vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Liệu có phải bởi những nguyên nhân và giải pháp chỉ ra chưa đúng hay còn có nguyên nhân nào khác? Thực tế cho thấy những tồn tại được chỉ ra là đúng, những giải pháp dù có thể còn có bàn cãi song cũng là hướng đi đáng để xem xét triển khai thí điểm.

Điều dẫn đến tình trạng chưa được khắc phục trước hết một phần là do sự chưa đúng hướng hoặc chưa triệt để trong cách triển khai. Nghĩa là chúng ta chưa xác định đúng cái gì đáng được ưu tiên làm trước, cái gì làm sau và triển khai còn chưa hiệu quả. Ví như vấn đề nhà vệ sinh công cộng là cái bức bách cần giải quyết thì lại chậm trễ tiến hành.  Hay về sự thiếu chỉn chu trong cách triển khai cũng cần được khắc phục. Ví như nhà triển lãm, trưng bày được đầu tư xây dựng song hiện nay khi xem cách thức trưng bày trong khu di tích nhận thấy còn có nhiều vấn đề như việc trưng bày các sách xuất bản thời hiện đại về Nghệ An, ví giặm bên cạnh những sách chữ Hán hay các tác phẩm các nhà cách mạng Pháp.. là không có tính chuyên nghiệp, thậm chí còn gây cảm giác lạc lõng hay gây ấn tượng không tốt hoặc nhầm lẫn với người xem. Ví dụ sách “Từ làng Sen đến bến nhà Rồng” được đặt cùng với các sách là tác phẩm của các nhà cách mạng Pháp ảnh hưởng đến tư tưởng của Nguyễn Tất Thành và dòng chú thích ở dưới chỉ đề cập đến các tác phẩm tiếng Pháp hay cuốn sách “Vè Nghệ Tĩnh” được đặt cạnh các sách chữ Hán là tài liệu dạy học của các nhà Nho trước đây, trong tủ trưng bày hiện vật, bên cạnh có đặt những cuốn như Kho tàng vè xứ Nghệ, thơ ca Nam Đàn…Để đưa Khu di tích Kim Liên thực sự trở thành điểm nhấn cho du lịch tỉnh nhà cũng như là địa chỉ hấp dẫn đối với du khách trong, ngoài nước thì đây đáng lí phải là những việc cần được xem xét khắc phục trước hết. Tóm lại, nhìn chung cách đầu tư và triển khai hiện nay nặng tính hình thức hơn là đi vào nội dung. Đó là một trong những nguyên nhân khiến vấn đề chưa được giải quyết. Nếu muốn khắc phục hạn chế, phải định hướng lại những vấn đề cần thay đổi xuất phát từ chính những tồn tại gây cản trở hoạt động du lịch và bổ sung các dự án tăng tính hấp dẫn của Khu di tích. Tất cả các chương trình này phải được nghiên cứu cặn kẽ và triển khai nghiêm túc, thực chất chứ không chỉ tiến hành một cách sơ sài nhằm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch.

Một vấn đề lớn hơn và có thể xem là mấu chốt khiến tình trạng khó cải thiện là dường như chúng ta đang nói nhiều hơn làm. Chúng ta có nhiều hội nghị, cuộc họp bàn, đóng góp ý kiến, chỉ ra nguyên nhân, giải pháp nhưng “nói rồi để đó”. Nguyên nhân “để đó” có thể bởi nhiều lí do khó giải thích của những nhà quản lí và chúng ta cũng khó hiểu hết được. Trên một bài báo trước đây của Báo Nghệ An, từng trích ý kiến của ông Lê Hải An, Công ty cổ phần du lịch quốc tế Việt- Úc rằng trong khoảng 10 năm ông và nhiều người nhiều lần đề nghị đưa dân ca xứ Nghệ, hát ví, giặm vào hoạt động du lịch song đến nay vẫn chưa triển khai được. Đây chỉ là một ví dụ trong số nhiều việc chứng minh cho sự “thiếu hành động” của chúng ta. Với trường hợp này liệu sau khi ví, giặm được tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chúng ta có thể kỳ vọng vào sự đầu tư, thay đổi hay không?

Sự thiếu hành động không chỉ thể hiện ở việc bàn bạc nhiều, hội thảo nhiều rồi phần lớn chỉ nằm trên giấy tờ mà còn ở việc thiếu hành động mang tính đổi mới.Chúng ta chưa táo bạo, mạnh dạn thử nghiệm những hướng đi sáng tạo mà vẫn quen lối mòn. Chính vì thế các ý tưởng “mới lạ” có thể được tiếp nhận, đánh giá cao song thực tế hoặc chưa được triển khai hay triển khai không đến nơi dẫn đến hiệu quả mờ nhạt. Ví dụ việc dựng các trạm nghỉ chân theo hình thức dân dã, cho khách thưởng thức các đặc sản Nam Đàn, phục vụ dân ca hay việc cho khách nghỉ lại tại nhà dân để có sự trải nghiệm thú vị…Nếu để tránh rủi ro và an toàn, tại sao chúng ta không xây dựng mô hình thử nghiệm trước khi triển khai thay vì việc không thử tiến hành?

Là nơi lưu giữ những hiện vật, tư liệu gắn với cuộc đời vị lãnh tụ vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh, bản thân Khu di tích Kim Liên đã có sức hấp dẫn của nó đối với du khách trong và ngoài nước mà không cần phải quá nhiều lời. Tuy nhiên để địa danh này thực sự xứng tầm với ý nghĩa đó, để nó thực sự hấp dẫn như hình dung của du khách, để người từng đến sẽ muốn quay trở lại cũng như giới thiệu rộng rãi với bạn bè thì nhất thiết phải có sự đầu tư kĩ lưỡng và khắc phục những hạn chế hiện nay - một sự khắc phục, đầu tư có trách nhiệm và đến nơi đến chốn. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng với nỗ lực, sự quan tâm của tỉnh Nghệ An cũng như quyết tâm của chính quyền, nhân dân trong địa bàn huyện Nam Đàn, trong tương lai Khu di tích Kim Liên sẽ thực sự là điểm đến tuyệt vời của du khách trong cũng như ngoài nước.

Theo Đoan Trang - VHNA

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng