Có lẽ vì thính phòng - nhạc kịch là thể loại "không học không hát được" nên số thí sinh đăng ký dự thi tương đối khiêm tốn: 46 người. Thế nhưng, nếu so với 3 cuộc thi trước thì 2009 là năm có số lượng thí sinh đông nhất (năm 1996: 18 thí sinh, năm 2000: 32 thí sinh, năm 2004: 36 thí sinh). Mặt khác, độ tuổi trung bình của thí sinh (18 - 36) lại cao hơn các concours khác, cho dù Ban giám khảo không hề giới hạn tuổi tác.
Ông Lê Ngọc Cường (Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn) giải thích: "Thính phòng - nhạc kịch rất kén người, lại là loại hình nghệ thuật mới du nhập từ châu Âu mấy chục năm nên không phải ai cũng thi được nếu không được đào tạo bài bản".
Đó cũng là lý do vì sao 46 thí sinh dự thi chủ yếu là học viên tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Nhạc viện TP.HCM hoặc đang công tác tại các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp (Nhà hát Nhạc giao hưởng vũ kịch TP.HCM, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam) và chỉ có 3 thí sinh tự do. Tuy nhiên, trên thực tế, theo tiết lộ của Ban tổ chức, 3 thí sinh tự do nói trên chỉ chưa ở trong biên chế chính thức của các đơn vị nghệ thuật, chứ không phải chưa qua trường lớp.
"Lâu lắm chúng ta mới có một cuộc thi như thế này. Đừng biến nó thành một cuộc liên hoan ồn ào mà nên tạo đà cho một bước tiến lâu dài". Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân
|
Cuộc thi sẽ gồm 2 vòng. Vòng 1, thí sinh trình bày 3 tác phẩm: 1 aria của các nhạc sĩ thế kỷ 17-18 trở về trước; 1 aria tự chọn và 1 ca khúc Việt Nam. Vòng 2, thí sinh trình bày 4 tác phẩm: 1 aria của các nhạc sĩ thế kỷ 18-19-20; 1 romance và 2 ca khúc Việt . Bắt buộc mỗi thí sinh phải chọn các aria trong danh mục tác giả - tác phẩm do Ban tổ chức đưa ra. Ngoài ra, thí sinh phải hát aria theo đúng giọng và đúng ngôn ngữ tác phẩm gốc, không được tự ý tăng lên hoặc hạ thấp giọng, cũng không được phép sử dụng thiết bị tăng âm (như micro).
Tuy nhiên, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt
) cho rằng quy chế cuộc thi "có vấn đề". Ông thắc mắc vì Việt có hàng chục romance và cũng không thiếu aria, vậy tại sao không yêu cầu thí sinh hát aria hay romance của Việt mà chỉ... hát ca khúc Việt ? Ông Quân cho rằng có lẽ chính người tổ chức cuộc thi và soạn thảo quy chế cũng không hiểu rõ "luật chơi".
Ông cũng băn khoăn bởi hát bằng tiếng Ý, tiếng Đức thì liệu có thể hát đúng giọng, đúng ngôn ngữ gốc được không, hay lại gieo vừng ra ngô. "Thử hỏi với trình độ của chúng ta, nếu thí sinh hát tiếng Ý mà mời giám khảo Ý thì liệu người ta có biết chúng ta đang hát gì không? Sợ rằng đây sẽ là một cuộc thi theo kiểu lên lớp, thầy chấm trò, vì đọc quy chế này, tôi cảm tưởng chúng ta đang chép một giáo trình cũ rích nào đó", ông Quân nói.
GS.NSND Trung Kiên (Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi Hát thính phòng - nhạc kịch) thừa nhận đúng là thí sinh phải hát những bài có trong giáo trình, nhưng bởi vì các concours thế giới cũng như vậy. Còn việc bắt buộc thí sinh phải hát đúng giọng, đúng ngôn ngữ tác phẩm gốc là để đảm bảo tính nghiêm túc và nâng tầm cuộc thi.
Cuộc thi chưa bắt đầu. Thế nhưng, có một thực tế mà người trong cuộc đều nhận ra, đó là dường như đời sống âm nhạc trong thực tế đang chảy theo một dòng khác, nằm ngoài những cuộc thi sang trọng, bác học kiểu này. Miệt mài trau dồi để được giải nhất ở các cuộc thi có "đẳng cấp", học đến bằng thạc sĩ, tiến sĩ âm nhạc, nhưng sau đó thì đi đâu?
Một đằng có được danh hiệu nhưng chẳng ai hay, chẳng ai biết, còn một đằng chối bỏ danh hiệu thì lại được công chúng hâm mộ và có được chỗ đứng trong đời sống âm nhạc. Những người có thể đoạt giải nhất, nhì các cuộc thi thính phòng - nhạc kịch của chúng ta có lẽ khó mơ tới một dự án hợp tác với một nhạc trưởng hàng đầu nước Anh - Paul Bateman - như Đức Tuấn, một ca sĩ bán cổ điển, đang làm được và sẽ ra mắt vào tháng 8 tới.
Theo TNO |