Xưa rồi thói quen đọc sách
Dạo qua những quán cafe Internet quanh một số trường học vào buổi trưa, không khí ở đây thật sôi động. Mỗi cửa hàng cũng có tới vài chục máy tính đều đang hoạt động và các khách hàng trẻ tuổi đang say sưa chơi trò chơi điện tử. Một số khác đang "chat" với bạn bè. Cái cảnh mỗi người một cuốn sách trên tay, chăm chú đọc tranh thủ trong những giờ nghỉ trưa dường như đã là chuyện cổ tích. Và qua ý kiến của một số các bạn trẻ thế hệ 8X, 9X, có thể thấy hầu như họ không còn thói quen đọc sách.
Việc giới trẻ hầu như không quan tâm đến sách không chỉ là chuyện của "ta", mà của nhiều nước trên thế giới. Trong cuốn sách có tên: Thời đại số đã làm hỏng thế hệ Mỹ trẻ và tàn phá tương lai như thế nào (In the dumbest generation: How the digital age stupefies young Americans and jeopardizes our future), Giáo sư Mark Bauerlein cho rằng Internet đã dần làm cho giới trẻ chỉ còn quan tâm đến video game và những thứ do họ viết lên mạng. Văn hoá nghe nhìn đang lấn át văn hoá đọc. Và văn hóa đọc xuống cấp dẫn đến giới trẻ hỏng kiến thức tổng hợp và không có cái nhìn thế giới một cách toàn diện.
Đọc trên mạng, xu hướng tất yếu
Thế nhưng nhiều ý kiến khác lại cho rằng: Việc giới trẻ đọc sách trên mạng Internet thay thế việc đọc sách bằng giấy là xu hướng phát triển tất yếu của xã hội. Văn hoá đọc ngày nay đã được hiểu theo nghĩa rộng hơn, không chỉ là đọc các văn bản, mà là tìm kiếm tất cả các tri thức, trong đó bao gồm ở âm thanh, hình ảnh, sơ đồ, bản vẽ.
Chính vì thế, các thư viện ngày nay đã có sự thay đổi tương ứng cho phù hợp với nhu cầu này. Thư viện truyền thống là nơi lưu giữ sách, còn ngày nay khi công nghệ thông tin phát triển, thì xu hướng các thư viện phải phát triển thành các trung tâm thông tin. Lớp trẻ vẫn rất coi trọng nhu cầu tìm sách đọc để nâng cao tri thức, nhưng họ cũng cần nhu cầu thông tin.
Để đáp ứng điều này, ngoài hình thức phục vụ truyền thống, các thư viện còn phải tiến lên cung cấp thông tin, tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ giỏi nghiệp vụ thư viện và tiếng Anh, công nghệ thông tin, hiểu và đáp ứng các nhu cầu cho xã hội... - Ông Đỗ Văn Thái- Giám đốc Thư viện Bắc Giang phân tích.
Ở hầu hết các nước phát triển đều chú trọng việc hướng dẫn các giới trẻ (ngay từ cấp tiểu học) cách lựa chọn, cách đọc, bởi đây là yếu tố quan trọng đóng góp vào hiệu quả của quá trình tự học. Gia đình có vai trò quan trọng trong việc duy trì thói quen đọc sách cho giới trẻ. Nếu trong gia đình, bố mẹ chẳng bao giờ ngó ngàng đến sách, thì chắc chắc con trẻ cũng chẳng mấy quan tâm. Tuy nhiên nhưng cách thức rèn thói quen đọc sách cho giới trẻ cũng phải hết sức linh hoạt và kiên nhẫn. Bà Bích Ngọc (Trường Đại học Cần Thơ) kể: "Cha của các con tôi rất mong con trai mình có thói quen đọc sách giống như anh ngày xưa. Nhưng khi anh đem những cuốn sách đó về thì con trai tôi không kiên nhẫn để đọc hết trang đầu tiên. Chồng tôi rất tức giận và tôi đã đem câu chuyện đó kể lại với cô giáo dạy về thư viện của tôi. Cô nói điều đó không quan trọng vì mối lứa tuổi hay mỗi thời đại người ta có những mối quan tâm và sở thích khác nhau. Có thể đến một lúc nào đó trẻ sẽ thích, đừng ép nó.
Nhưng chồng tôi không bó tay về chuyện này. Anh ấy tìm cách khác, lên mạng và download nhiều câu chuyện hay vào các đĩa CD và mỗi tối mở một câu chuyện cho con trai tôi nghe. Cháu rất thích nghe các câu chuyện này và đòi nghe tới mức không chịu đi ngủ luôn. Tương tự như vậy, chồng tôi đi tìm những cuốn sách như “Hạt giống tâm hồn”, dạng sách nói dành cho người khiếm thị, để cho con trai tôi nghe mỗi khi đi ngủ. Sau này cháu đã tự nguyện đi tìm những cuốn sách dày hơn để đọc".
Điều mong muốn của độc giả là phải có nhiều sách hay, giá cả phải rẻ và phải có hệ thống thư viện thật tốt để nhiều người đến đọc sách và tìm kiếm thông tin. Bên cạnh đó, cũng cần lập các thư viện điện tử. Đáp ứng yêu cầu này, ở nước ta thời gian qua xuất hiện nhiều trang web dành cho sách trên mạng Internet như: fahasasg.com.vn, vnthuquan.net, thuvien- ebook.com, sachhay.com, docsach.dec.vn.v.v... Với những thư viện điện tử này, người đọc có thể dễ dàng tiếp cận với hàng ngàn cuốn sách thuộc nhiều thể loại. Các thư viện sách trên mạng đã góp phần rất quan trọng trong việc tạo cho công chúng thói quen đọc sách trong dòng chảy văn hóa hiện nay.
Mỗi người tìm đến với sách là tìm đến với những chân trời mới của tri thức. Trong xu thế Internet đang phát triển, chúng ta không thể bắt giới trẻ quay trở lại đọc sách theo kiểu truyền thống là đọc sách giấy, mà điều quan trọng là phải hướng họ tới những kỹ năng đọc sách, kỹ năng lựa chọn thông tin có ích.
Theo Tiến sĩ Trần Thị Minh Nguyệt- Trưởng Khoa sau Đại học (trường Đại học Văn hoá Hà Nội), thì đó cũng là những việc làm cần thiết để hướng giới trẻ tới một văn hoá đọc: "Tôi cho rằng chúng ta không thể ngăn cản giới trẻ hướng tới văn hoá computer, vì đó xu hướng tất yếu của xã hội mà chúng ta không thể ngăn cản được.
Chỉ có điều là chúng ta nên giáo dục cho họ kỹ năng đọc, kỹ năng lĩnh hội và giải mã tất cả các văn bản với sự hỗ trợ của tất cả hình ảnh và âm thanh của computer như thế nào cho hiệu quả nhất. Đó chính là trình độ văn hoá đọc của mỗi cá nhân, đó chính là nội lực để giới trẻ có thể hiêu sâu sắc văn bản và vận dụng vào cuộc sống. Chính điều này giúp các em tránh khỏi những cái phi văn hoá, phi giá trị trong internet. Chúng ta sẽ giáo dục các em các kỹ năng tương ứng như thế nào cho phù hợp... Và thật lý tưởng nếu chúng ta kết hợp được cả hai phương thức đọc theo phương pháp truyền thống và theo phương pháp hiện đại"./.
Theo VOV |