Tạp chí Sông Hương -
Tác phẩm Điềm Phùng Thị 
đang nguy cấp
15:25 | 02/06/2015

Hàng loạt tác phẩm bị hư hỏng, xuống cấp hay vô phương cứu vãn, trong khi việc trưng bày đang hơ hớ, nguy cơ mất cắp rất cao.

Tác phẩm Điềm Phùng Thị 
đang nguy cấp
Nhiều chỗ hư hỏng, mục nát trên tác phẩm Đoàn hát rong (1965), hiện được trưng bày trong sân vườn của Nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị, TP Huế - Ảnh: Thái Lộc

Thực trạng đó đang diễn ra tại Nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị, số 1 Phan Bội Châu, TP Huế.

Điều đập vào mắt trước tiên khi bước vào Nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị chính là những tác phẩm điêu khắc lớn đang trưng bày ngoài trời bị hư hỏng nặng. Chín tác phẩm trưng bày trong sân vườn chỉ có hai tác phẩm làm bằng đá là Khóm hoa tulip (1991) và Thần vật (1994) còn nguyên vẹn. Bảy tác phẩm còn lại đều bằng nhựa tổng hợp, một số mảng nhựa bong ra, bị phân hủy hoặc thủng lỗ chỗ.

Hàng loạt tác phẩm bị phân hủy

Ở khu nhà cổ với hai tầng trệt và lầu, nơi trưng bày 110 tác phẩm Điềm Phùng Thị, hầu hết tác phẩm cũng xuống cấp. Trong đó, khoảng 20 tác phẩm làm bằng vải, len và giấy dù nằm trong khung kính nhưng độ ẩm cao nên phần lớn bị ố mốc, đổi màu.

Nghiêm trọng hơn cả là tình trạng tác phẩm đang bị “nhốt” trong bốn kho chứa, hai kho ở tầng hai và hai kho ở tầng trệt, mỗi kho chưa đến 10m2. Đặc biệt, tại một kho chứa ở tầng hai chúng tôi vô cùng kinh ngạc lẫn tiếc nuối trước hàng chục tác phẩm vải, giấy và nhựa nằm xen lẫn nhau đều xuống cấp trầm trọng. Hàng chục bức tranh giấy đang bị mất màu, mục mủn nếu tháo khỏi khung kính sẽ vỡ vụn, hoàn toàn bị hủy hoại. Nhiều tác phẩm bằng vải hư hỏng rất nặng, có bức mục nát, vô phương cứu chữa.

Một nhân chứng (xin giấu tên) kể rằng chính quyền TP Huế từng đặt vấn đề với nhà điêu khắc tài ba Điềm Phùng Thị về việc mua một tác phẩm tranh bằng vải. 4.000 USD là giá tác giả đưa ra. Khi chính quyền nhờ người “vận động” giảm giá thì tác giả từ chối và trả lời rằng nếu muốn thì bà tặng, còn mua phải trả đúng giá, vì tác phẩm Điềm Phùng Thị không dưới 4.000 USD... Hiện chưa ai định giá tác phẩm của tác giả nổi danh thế giới đã quá cố này là bao nhiêu. Song chắc chắn giá trị sẽ rất lớn.

Thế nhưng, các tác phẩm quý giá đang được trưng bày trong tình trạng: không camera giám sát, không khung kính, không có máy hút ẩm hay máy lạnh, phòng cháy chữa cháy rất kém đảm bảo... Nhiều tuyệt tác điêu khắc nhỏ gọn đang được trưng bày gần như ngang tầm tay với, rất dễ bị mất cắp.

Đang trình dự án

Nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị có 368 tác phẩm nghệ thuật, không gian hẹp nên trưng bày 120 tác phẩm. Trong số gần 250 tác phẩm lưu kho, có hơn 50 tác phẩm bằng chất liệu dễ hỏng như giấy, vải, thảm len... Các kho ở đây đều không đúng tiêu chuẩn kho bảo tàng, chỉ có một quạt thông gió, tường nhà gần 100 tuổi, cộng với thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao của Huế nên tác phẩm rất nhanh chóng xuống cấp.

Ông Phan Đình Hối, phụ trách Nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị, cho biết cứ “kêu hoài lên trên” về tình trạng xuống cấp và nguy cơ mất cắp trong nhiều năm liền. Năm 2013, UBND tỉnh mới duyệt chi giai đoạn 1 với 2,2 tỉ đồng để chống xuống cấp ngôi nhà, nâng nền nhà và nền vườn... Ông nói: “Tôi thiết tha mong có sự đầu tư khi tác phẩm còn vóc dáng hình hài. Nếu muộn sẽ rất khó, sẽ có lỗi với người nghệ sĩ quá cố cũng như với con cháu sau này!”.

Ông Phan Tiến Dũng, giám đốc Sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế, cho biết từng trình dự án tổng thể về nhà trưng bày này nhưng UBND tỉnh kêu khó khăn, cho nên sở mới chia ra nhiều giai đoạn. Ông cho biết đang trình dự án giai đoạn 2 bao gồm: trang bị hệ thống camera bảo vệ, phòng lạnh bảo quản, tu bổ và gia cố một số tác phẩm điêu khắc xuống cấp...

Tài năng lớn của nghệ thuật thế kỷ 20

Nghệ thuật Điềm Phùng Thị nổi danh thế giới thông qua việc sáng tạo ra bảy môđun trở thành bảy “ký tự” để lắp ghép, biến hóa thành thiên hình vạn trạng... Điềm Phùng Thị (1920 - 2002) được ghi danh vào từ điển Larousse là tài năng lớn của nghệ thuật thế kỷ 20. Đã có 36 tác phẩm của Điềm Phùng Thị đặt rải rác trên khắp nước Pháp...

Đầu thập niên 1990, Điềm Phùng Thị đồng ý về Huế và được tỉnh giao căn biệt thự cổ là trụ sở phòng giáo dục làm nhà trưng bày tác phẩm và là nơi sinh hoạt thường ngày. Nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị khai trương năm 1994, ban đầu trưng bày 125 tác phẩm do tác giả chuyển về từ Pháp.

Đến nay, nhà trưng bày này đang sở hữu 368 tác phẩm mỹ thuật và điêu khắc trên nhiều loại chất liệu, toàn bộ đã được cố điêu khắc gia ký tặng cho Huế. Nhà trưng bày này không có nguồn thu vì không bán vé, toàn bộ kinh phí hoạt động lấy từ nguồn ngân sách rất eo hẹp của Sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế... 

Theo TTO

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng