“Một số sự kiện chỉ mang tính kỷ niệm, lễ lạt, ít nghệ thuật; một số hướng đến nghệ thuật, nhưng lại không đáp ứng những tiêu chí khắt khe”, họa sĩ Phạm Văn Trường nhận xét.
Việt hóa carnival
Khu bến phà cũ của thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) trở nên tưng bừng, náo nhiệt và đầy màu sắc trong carnival với chủ đề Kỳ quan Hạ Long - Điểm hẹn.
Điểm nhấn của toàn bộ chương trình là Lễ hội hóa trang và diễu hành đường phố diễn ra chiều 25/4 tại trục đường trung tâm của thành phố Hạ Long. Hơn hai nghìn người, trong đó có nhiều khách quốc tế tham gia, với nhiều kiểu trang phục và cách trình diễn ấn tượng: những cô gái Việt nóng bỏng trong các bộ bikini và những vũ điệu quyến rũ, đoàn múa rồng mang đậm màu sắc dân tộc, đoàn rước biểu tượng cho sản vật địa phương như cá, tôm, sò, ốc… tưng bừng. Hơn 2.000 nghệ sĩ chuyên và không chuyên mang đến 22 tiết mục nghệ thuật, nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của du khách hai bên đường.
Ông Lê Toán, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ninh kỳ vọng Carnival Hạ Long sẽ trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch mang “thương hiệu” của địa phương này. Đây là một trong những cách quảng bá văn hóa và du lịch trực tiếp nhất tới du khách và cũng là cách làm phổ biến trên thế giới hiện nay.
Được đào tạo bài bản về tổ chức lễ hội ở nước ngoài, đạo diễn Lê Quý Dương hiểu sức hấp dẫn của carnival nên ông đã đưa lễ diễu hành trên đường phố vào chương trình kỷ niệm 310 năm thành phố Biên Hoà. Đoàn diễu hành tái hiện lịch sử 310 năm Biên Hòa - Đồng Nai hình thành và phát triển với các đội hình “cư dân khai khẩn”, “hậu hiền khai cơ” “lễ hội dân tộc”; đội hình đi cà kheo, múa lân - sư - rồng, đội hình xe xích lô, xe cổ...
Mới đây, tại lễ hội hoa anh đào Nhật Bản, những đoàn múa Yosakoi khiến người dân Hà Nội đổ xô ra hai bên đường phố để chứng kiến. Bà Ngọc Mai, Đội Cấn (Hà Nội), cho biết: "Tôi rất thích xem những hoạt động này. Phố Văn Cao ngày thường không có gì đặc biệt, thậm chí khá tẻ, nhưng vào ngày hội, đột nhiên khác hẳn”, bà nói.
Vừa nửa vời, vừa lắm sạn
Giáo sư Tô Ngọc Thanh đồng tình với việc đưa những hoạt động văn hóa - nghệ thuật đến gần hơn với đời sống người dân, mà việc tổ chức những buổi diễu hành như carnival Hạ Long là một ví dụ. Tuy nhiên, vị giáo sư này cho biết, cách gọi “lễ hội” là không đúng, mà phải dùng từ “hội chơi” mới chuẩn xác.
Thêm vào đó, việc rước ảnh trong nhiều sự kiện cũng chưa đúng với cách làm của người Việt. Nhiều hội làng cũng có rước kiệu, nhưng trên kiệu chỉ có bài vị, vừa mang tính linh thiêng vừa kích thích trí tưởng tượng của người dân. “Cùng với quá trình tưởng tượng, những người được tôn vinh càng gắn chặt với tình cảm và tâm tư của người xem hội, nhưng hiện giờ, một số chương trình tôi đã xem đều chưa làm được”, giáo sư Tô Ngọc Thanh nói.
Bàn về chất lượng nghệ thuật của những buổi diễu hành tổ chức ở Việt Nam như lễ hội Xuân Hà Nội với những hoạt động cờ giong trống mở, họa sĩ Phạm Văn Trường dùng từ “rất hạn chế”. Theo lời họa sĩ này, đầu tư về tài chính không nhiều, người cầm trịch chưa thực sự phát huy và kêu gọi được những gương mặt nghệ sĩ có trình độ chuyên môn, khả năng sáng tạo. Lấy ví dụ về buổi diễu hành trình diễn nghệ thuật trên đường phố tại Festival Huế, hoạ sĩ này cho rằng, nhiều nghệ sĩ tham gia biểu diễn không có trình độ cao, chủ đề không có chiều sâu.
Thêm vào đó, thiếu sự giao lưu, ngẫu hứng giữa nghệ sĩ và khán giả là một lý do khác khiến biểu diễn trên đường phố kém chất lượng, họa sĩ Trường nhận định.
Từng được tham dự hội Thánh St. Patrick vào 14/3 vừa qua tại Chicago, anh Lê Thanh Hùng ở phố Tây Sơn, Hà Nội không thể không so sánh: “Nhiều sự kiện ở Việt nam được tổ chức quá cứng nhắc, như dành cho người già, thiếu những phút giây đầy cảm xúc và những màn trình diễn lôi cuốn”.
Thái độ ứng xử của người xem cũng là điều đáng nói. “Ở những nước khác, khán giả trật tự xếp hàng trên vỉa hè nhưng ở nước ta, ai cũng tràn hết cả ra lòng đường, không để ý rằng người biểu diễn phải rất vất vả khi bị bó hẹp không gian”, ông Nguyên Vũ, đường Văn Cao, Ba Đình, Hà Nội nhận xét.
Theo ĐV |