Tạp chí Sông Hương -
Huế mộng Huế mơ, lơ ngơ không hề mất dép
08:46 | 03/07/2015

4 năm trước, khi tôi lên kế hoạch du lịch Huế một mình, rất nhiều tay chuyên đi du lịch bụi cảnh báo: “Nghe câu Huế mộng Huế mơ, lơ tơ mơ là mất dép chưa? Ra Huế mà đi một mình còn lơ ngơ là bị luộc như chơi”.

Huế mộng Huế mơ, lơ ngơ không hề mất dép
Sông Hương thơ mộng của xứ Huế

Luộc có nghĩa là bị lừa đảo, chặt chém. Vậy nên, nhiều người căn dặn tôi đi Huế, trước khi ăn gì, mua gì, thậm chí bơm bánh xe cũng phải hỏi giá trước. Nghe lời các bậc tiền bối, chuyến đi đó tôi là Tào Tháo chính hiệu và dĩ nhiên chẳng bị sứt mẻ gì.

4 năm sau, tôi trở lại Huế...

Thật lạ, 4 năm là một khoảng thời gian quá dài vậy mà Huế hầu như không có gì thay đổi. Những con đường vẫn vậy, vẫn rợp bóng cây xanh; những cổng thành vẫn vậy, vẫn cổ kính rêu phong; dòng sông Hương, An Cựu vẫn vậy, vẫn mơ màng trong nắng sớm mưa chiều; và người Huế vẫn như vậy, vẫn dịu dàng, kín đáo trong từng cử chỉ, lời ăn tiếng nói... Chỉ có tôi là thay đổi, tôi không còn quá lơ ngơ để răm rắp tin lời đồn đại của giang hồ, tôi bỏ cái tính đa nghi Tào Tháo để mở lòng với Huế và nhận ra mình đã yêu mất rồi.



Trời nước một màu ở cồn Hến


Không yêu làm sao được khi trong những bữa sáng mát trong, chạy xe đạp lang thang qua cồn Hến, ghé nhầm hàng bún bò hỏi cơm hến bán ở đâu thì được chỉ dẫn tận tình tới chỗ ăn ngon.

Không yêu làm sao được khi một tối mưa tầm tã, ăn có một đĩa ốc mà mất tới 3 giờ đồng hồ vì anh chủ quán cứ hỏi thăm chuyện nọ xọ chuyện kia chẳng cho về chỉ vì: “Giọng con gái Sài Gòn dễ thương quá!”.

Không yêu sao được khi một đêm trời trong, đứng ngắm cầu Trường Tiền đổi màu trên sông, nghe bác xích lô kể về lai lịch của những cửa thành, về trận đánh ở đồn Mang Cá, về những ngày Huế đau thương và cả chuyện di dời giải tỏa dân tình để bảo tồn di tích tường thành ra sao. Hỏi sao chú biết nhiều vậy? - Tui chạy xích lô chở khách du lịch nên phải tìm hiểu để kể họ nghe. Thấy cô thích nên tui đang rảnh kể cô nghe cho vui”.



Hàng cơm hến, bánh mì đơn sơ dưới gốc đa già

Đạp xe lòng vòng thăm những cửa thành là thú vui của tôi khi đến Huế

Một chiếc cầu cong cong duyên dáng

Cầu Trường Tiền rực rỡ trên sông Hương


Du lịch khắp mọi miền đất nước, tôi thích người miền Tây nhất bởi cái tính chân chất và nồng nhiệt. Cũng chân chất, nhiệt tình nhưng người Huế khác người miền Tây bởi sự kín đáo và trang nhã.

Tôi quý đôi vợ chồng luống tuổi chủ ngôi nhà cổ ở phố cổ Bao Vinh, thấy khách đứng ngó nghiêng trước nhà thì lật đật thay quần áo chỉnh tề ra tiếp.

Tôi mến đôi bàn tay dịu dàng của cụ già bán chè, gian hàng nghèo nàn, đơn sơ nhưng không thiếu cái khăn sạch lau nhẹ thành ly trước khi trao cho khách.

Tôi thương cái tiếng mệ thân thương của những người bán bánh canh, bún bò, bún hến, thấy khách phương xa nên ưu ái: “Con ăn thêm rau không, đưa tô đây mệ cho thêm một chút nì”.

4 năm, xã hội thay đổi từng ngày, giá cả tăng vùn vụt vậy mà thương làm sao xứ Huế, giá cả đồ ăn thức uống có vẻ như chẳng thay đổi gì cả. Tô bún hến, bún mắm nêm giá chỉ 7.000 đồng; tô bún bò với cục giò to, chả thịt đầy ụ mà giá chỉ 15.000 đồng. Vào chợ ăn chè, ốc, bánh lọc, bánh nậm,... no căng cả bụng mà quanh đi quẩn lại chỉ vài chục ngàn đồng. Mà ăn uống cũng chẳng cần hỏi giá, cứ sà xuống gọi, lúc tính tiền khách du lịch cũng không khác gì dân địa phương. “Hỏi sao giá ở Huế rẻ hơn nhiều nơi khác?”, cụ già bán chè trong chợ cổ Bao Vinh cười: “Ở đây người ta kiếm đồng tiền cực lắm, bán mắc người ta không ăn mô”.






Đồ ăn vặt ở Huế vừa ngon vừa rẻ


Huế với tôi là những kỷ niệm nho nhỏ, dịu dàng như thế đó. Dẫu rong chơi đã chai sần mọi cảm xúc nhưng đến Huế tôi bất chợt thấy mình lơ ngơ để khi trở về lại giật mình nhận ra mình đã đánh mất, không phải đôi dép mà là một mảnh tâm hồn....

 
Theo www.nld.com.vn

 

Các bài mới
Các bài đã đăng