Tạp chí Sông Hương -
Độc đáo thú 'trà ga' đêm ở mảnh đất Cố đô
09:01 | 06/07/2015

Khi đêm đã về khuya, giữa TP Huế vẫn có một nơi nhộn nhịp, rộn rã tiếng người nói chuyện bên những chén trà với đủ câu chuyện. Đó là những quán trà ở ga tàu Huế.

Độc đáo thú 'trà ga' đêm ở mảnh đất Cố đô

Từ lâu, nơi đây đã trở thành điểm uống trà quen thuộc của nhiều người dân sống ở Huế, quen đến nỗi người ta nói ngắn gọn cho cái thú vui ấy là thú “trà ga”.

Trong chữ “trà ga”,  “ga” không phải là tên của một loại trà, mà ở đây, “ga” là địa điểm, đó là điểm bắt đầu và kết thúc hành trình của những đoàn tàu. Ra đời năm 1906, đến nay ga Huế đã có tuổi đời 109 năm. Hơn 100 năm qua, ga Huế không chỉ là nơi đón chào và tiễn đưa bao cuộc hội ngộ, chia ly mà còn là nơi mưu sinh của hàng trăm người bản địa và những người dân tứ xứ.

Ngày xưa, do xuất phát từ nhu cầu cần chỗ ngồi để đứng chờ người thân hay tiễn người đi xa nên các hàng quán phục vụ khách mọc lên và trà trở thành thức uống nhâm nhi “giết” thời gian phổ biến nhất.

Sau nhiều năm tồn tại, bây giờ, trà bán ở ga Huế, ngoài việc phục vụ cho những người khách chờ tàu hay người đưa tiễn, thì đây cũng là địa điểm uống trà của nhiều tầng lớp người dân. Mà đông đảo, quen thuộc và trung thành nhất, có lẽ vẫn là những bạn sinh viên.

Trà ga Huế độc đáo ở chỗ là bán thâu đêm suốt sáng, nhưng đông khách vẫn là khoảng thời gian về khuya từ 22h cho đến  sáng sớm hôm sau. Lúc ấy, trà ga như một xã hội thu nhỏ với đủ loại người. Từ những người áo quần là lượt, đi xe hơi bóng nhoáng đến những bác xe ôm, xích lô quần áo lôi thôi, khuôn mặt khắc khổ. Ai cũng có chỗ ngồi nơi đây.

Trong cái không gian ồn ã đặc trưng của một ga tàu, dưới ánh đèn dầu leo lắt, chỉ cần một chiếc bàn nhỏ, đôi ba ghế đẩu cùng với ấm trà, đĩa hạt hướng dương, có khi kẹo lạc, cộng thêm ống điếu cày và bao thuốc lào là người ta có thể ngồi với nhau hàn huyên mấy giờ liền.

Bác Trần Anh Nhạc, ở phường Xuân Phú, TP Huế, một viên chức nghỉ hưu chia sẻ: “Tối đến, ghé đây nhấm nháp tách trà đậm chan chát, ăn kèm cái ngọt bùi của hướng dương, kẹo lạc, phê nồng với hơi thuốc lào thì hết sảy!”

Khi hết nước trà, người ta lại gọi chủ quán chế thêm ít nước sôi, uống đến khi trà nhạt thì thay ấm khác. Tiếng rít của điếu cày, tiếng xì xào nói chuyện của khách trà, thi thoảng lẫn với tiếng còi của đoàn tàu nào đó về đến ga đã trở thành nét đặc trưng và không gian riêng biệt ở quán trà ga Huế.

Có người đến đây, không chỉ để ngồi uống trà, họ đến chỉ để đôi khi ngắm nhìn niềm vui của sự đoàn tụ hay sự bùi ngùi của những người sắp đi xa. Anh Võ Văn Hiếu, quê ở Thanh Hóa vào Huế lập nghiệp từ nhiều năm nay, tâm sự: “Đến đây, vừa uống trà, vừa nghe tiếng còi tàu, nó làm tôi vơi đi sự nhớ nhà, bởi nhà tôi gần đường ray nên tiếng còi tàu rất thân quen”.

Một ấm trà ở đây có giá 10.000 đồng, đĩa kẹo lạc, hướng dương 5.000 đồng. Ai hút thuốc lào thì có sẵn điều cày, gọi thêm giấy châm lửa 3.000 đồng. Vậy là chưa đến 20.000 đồng, người ta đã có ngay chỗ ngồi thú vị cho một cuộc hàn huyên. Giá không đáng bao nhiêu, đó có lẽ cũng là lý do quán trà có rất đông các bạn sinh viên và những người lao động nghèo.

Giữa đêm khuya lạnh, chúng tôi được ngồi uống chén trà nóng cùng với nghệ nhân ưu tú Lê Văn Kinh (86 tuổi, ở đường Phan Đăng Lưu, TP Huế), một người rất am hiểu về trà đạo và cung cách uống trà của người Huế xưa. Ông vừa nhấp ngụm trà vừa chia sẻ: “Thú uống trà về đêm ở ga có lẽ đã là thói quen độc đáo của người sống ở TP Huế, tôi chưa nói đến chất lượng của những ấm trà ở đây, nhưng về không gian thì đã nói lên sự gần gũi, sự kết nối của việc uống trà. Mỗi khi có thời gian, thay vì ngồi độc ẩm trà khuya thì tôi vẫn thường hay lên đây uống trà với những người bạn không quen”.

Trời về khuya, khách mỗi lúc một đông nhưng không gian càng trở nên yên lặng. Bất chợt, vừa nhấp chén trà, nghệ nhân Lê Văn Kinh đọc cho tôi và người bạn đồng ẩm trà nghe bài thơ:

“Đã một kẻ buồn vui với Huế

Mấy ai không biết đến trà Ga?

Dù đó chẳng phải danh trà!

Một ấm trà nóng, dăm ba ngàn đồng

Rót ra chén, nhấp từng ngụm nhỏ

Ngồi cùng bàn cùng có hai anh

Tuy ngồi cạnh nhưng không quen,

Cũng đi đón những người thân về lại

Trong chờ đợi ngồi nhai kẹo lạc

Câu chuyện vui không khác người nhà.

Do quyến rũ bởi hương trà,

Chính nhờ vậy mà trà Ga lưu luyến

Chắc chắn còn nổi tiếng dài lâu

Với chất trà quyện sâu nhớ mãi…”.

 

Theo LÊ KÔNG (ĐS&PL)

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng