Chị đang rất hạnh phúc sau khi
Chinatown
được dịch sang tiếng Pháp?
- Tôi lúc nào cũng vậy.
Thường nhìn vẻ bề ngoài, trông chị rất lạnh lùng, khó gần.
- Tôi không nghĩ mình khó gần. Tôi ở nước ngoài trong khi độc giả của tôi ở Việt , gần đây tôi mới có độc giả Pháp. Tôi cũng không biết độc giả của mình cụ thể là ai, thi thoảng có người gọi điện thì tôi cũng không biết nói gì. Tôi không có thói quen gặp độc giả của mình. Nếu có gặp cũng chỉ trong các buổI giao lưu đông người. Ai đặt câu hỏi thì tôi trả lời.
Chị nghĩ mình là người thân thiện?
- Cái chính là thân thiện với những ai.
Cuộc sống của chị dạo này bận rộn chứ?
- Công việc chủ yếu của tôi lúc này là đi giới thiệu
Chinatown
với độc giả Pháp, nhà xuất bản tổ chức thế nào thì tôi làm thế ấy, nên cũng không bận lắm.
Chị thường xuyên ngồi vào bàn viết?
- Một năm tôi bỏ ra một khoảng 3 hay 4 tháng để viết. Viết liền một mạch, mỗi ngày khoảng 15 tiếng, 16 tiếng, chỉ còn dư vài tiếng để nghỉ thôi.
Trong thời gian viết, bản thân chị có bị thay đổi không?
- Tôi mất ngủ triền miên và đầu óc chỉ xoay quanh những thứ đang viết. Và trở nên dửng dưng với tất cả những gì mà bình thường tôi vẫn coi là quan trọng.
Dường như tôi thành một người khác. Nhiều tác giả nói rằng họ viết là để tìm bình tĩnh cho tâm hồn. Còn tôi lại có quan niệm: viết là để phá vỡ cân bằng, làm một cuộc phiêu lưu, vào vai những kẻ không quen. Có lẽ bởi cuộc sống hàng ngày của tôi khá đơn điệu, mà nếu không viết thì tôi cũng sẽ là một phụ nữ bình thường như bao phụ nữ xung quanh.
Chồng, con chị có thông cảm với công việc của chị?
- Chồng tôi cũng là một người làm nghệ thuật, nên thông cảm cho công việc của tôi. Nhưng con tôi thì khác. Khi còn bé, mỗi khi thấy mẹ ngồi vào bàn viết, thế nào cháu cũng thất thanh: “Ôi mẹ ơi! Mẹ lại viết à?” (Cười lớn!). Như thể nó sợ bị mất mẹ đến nơi. Nó rất hãi cảnh phải ăn bánh mì triền miên. Nhưng bây giờ thì cháu có vẻ hiểu hơn. Có lẽ nó đã lớn, và quen với công việc của mẹ.
Đó là thời gian bi kịch đối với 2 cậu con trai, đặc biệt là cậu út mới hơn 10 tháng tuổi?
- Không hẳn là bi kịch! Thật may là tiểu thuyết Vân Vy đã hoàn thành trước khi cháu thứ hai ra đời, chứ không thì không biết giải quyết ra làm sao. Tôi đang đợi cháu lớn hơn chút nữa để gửi đi nhà trẻ, lúc đó sẽ có nhiều thời gian hơn.
Tuy vậy, chắn chắc tôi sẽ phải thay đổi nhịp viết. Nên sẽ không là 3, 4 tháng mà phải 5 tháng, hoặc hơn nữa mới có thể đặt dấu chấm hết cho một tiểu thuyết.
Chị có thêm thu nhập từ nguồn nào ngoài viết văn nữa không?
-
Chinatown
là tiểu thuyết đầu tiên của tôi được dịch ra tiếng Pháp. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được nhận nhuận bút bằng tiền euro.
Chị là tác giả Việt đầu tiên được Seuil (một thị trấn ở tỉnh Ardennes, miền bắc nước Pháp) xuất bản sách, số lượng in
Chinatown
cũng lên đến 5000 cuốn. Cuộc sống của chị có bị thay đổi không?
- Chắc cũng thay đổi ít nhiều, vì thường xuyên phải đi giao lưu với độc giả, và gặp gỡ giới truyền thông. Tuy vậy, có lẽ vì tôi không phải là tác giả nổi tiếng, và cuộc sống cá nhân ở Pháp nói chung là được coi trọng (mọi hoạt động liên quan tới
Chinatown
đều do nhà xuất bản lo liệu) nên tôi vẫn không phải đeo kính râm ra đường. Và cũng nên biết thêm một chút rằng bên này, trừ một vài tác giả cực kì bán chạy, các nhà văn còn lại, ngay cả từng được Goncourt cũng không phải là đối tượng của giới săn tin. Dân chúng thích mua báo có tin và ảnh của các siêu sao điện ảnh và âm nhạc hơn. Tôi không ít lần được tận mắt chứng kiến Le Clézio (giải Nobel năm nay) đi dạo thảnh thơi ngoài đường. Còn chuyện tôi được xuất bản ở Seuil thì cũng là may mắn thôi.
Rất ít khi tôi thấy tác giả Thuận nói đến từ “may mắn”?
- Tại mọi người không hỏi đấy thôi! Tôi luôn tôn trọng sự thật.
Chị không tin mình có khả năng?
- Tất nhiên tác phẩm của tôi cũng có chất lượng, không thì Seuil chẳng nhận làm gì. Tuy vậy, tôi lại nghĩ, cũng có nhiều tác giả có tài, nhưng vì một lý do nào đấy, nên chỉ được một nhà xuất bản nhỏ hơn để mắt tới.
Tử vi cũng bảo tôi và chị Đoàn Cầm Thi sinh ra dưới ngôi sao rất đẹp. May mắn được vào Seuil, sau đó lại may mắn được giới thiệu với các tác giả khác của Seuil, những cái tên mà nếu Chinatown xuất bản ở một nơi khác, tôi sẽ chỉ được nhìn trên mặt báo mà thôi.
Chị gặp gỡ các độc giả Pháp và Việt Nam, chị thấy độc giả cảm nhận sách mình có khác nhau lắm không?
- Ở đâu cũng có độc giả trình độ cao, độc giả trình độ thấp. Và có thể nói trình độ đọc không phụ thuộc lắm vào bằng cấp chuyên môn. Tôi phát hiện ra rằng, nhiều người Pháp được coi là trí thức nhưng cũng không thoát khỏi cái nhìn định kiến về văn chương Việt . Với họ, văn chương như bưu ảnh, đọc các tác giả Việt Nam là để đi du lịch Việt Nam một cách rẻ nhất, ít mất thời gian nhất, để biết người Việt Nam ăn món gì trong ngày Tết, vịnh Hạ Long nằm ở đâu trên hình chữ S, Huế trở thành kinh đô từ đời nào...
Bởi vậy, những độc giả nào từng quen với văn chương Việt đều không khỏi ngỡ ngàng khi tiếp xúc với
Chinatown
. Họ bảo tác giả như cố tình thử thách sự kiên nhẫn của họ, sao mà lặp lại nhiều thế, sao mà đọc mãi mà không thấy cốt truyện, sao không ép nhân vật chính lấy anh chàng người Pháp cho thơ mộng đáng yêu.
Song song với những ý kiến như vậy, Chinatown cũng có thêm những độc giả vô cùng trong sáng, nghĩa là đọc mà không dò mìn, không đong đếm xem tác phẩm của tôi mang trong mình bao nhiêu phần trăm văn chương xứ Việt.
Mỗi lần viết là mỗi lần chị cố gắng có một văn phong khác với những gì mình đã có. Chị có mệt mỏi không?
- Đúng là rất mệt. Nhưng như vậy mới đúng là điều tôi muốn. Cho nên đến bây giờ, tôi mới chỉ thích được
Chinatown
và T mất tích trong số những đầu sách của mình. Tôi dự định một ngày nào đó sẽ ngồi viết lại Made in VN,
Paris
11 tháng 8 và Vân Vy.
Nhưng chị có viết đến mấy cũng khó làm hài lòng đám đàn ông viết văn?
- Theo quan điểm của tôi, trước nghệ thuật, mọi tác giả đều bình đẳng, không phân biệt màu da, tôn giáo, tuổi tác, giới tính… Tôi nghĩ nếu có quyền con người, thì cũng có quyền nhà văn.
Đọc Chinatown, tôi thấy nó như một thước phim, một thước phim về Việt Nam cũ, về số phận những người Việt Nam tha hương… Sao chị không thử đặt vấn đề với đạo diễn Trần Anh Hùng (một người bạn thân của gia đình chị)?
- Cách đây 4 năm, khi
Chinatown
ra đời, tôi có gửi tặng anh Hùng. Anh Hùng có nói: “Thuận ơi! Hùng đọc Chinatown rồi, khi đọc Hùng luôn tưởng tượng xem
Chinatown
lên phim sẽ như thế nào. Nhưng Hùng thấy không có khả năng làm được. Nó sẽ là một thứ khác hẳn, chứ không còn như tiểu thuyết của Thuận nữa”.
Tôi thì nghĩ: Nếu Chinatown được dựng thành phim, nó sẽ là tác phẩm của người khác, là thành công của người khác, chứ không còn là của tôi, không can hệ gì tới tôi nữa.
Có lần tôi hỏi anh Hùng đang chuẩn bị làm phim gì? Anh ấy nói đang tìm nhịp cho phim, và anh ấy nghĩ rằng nếu tìm được nhịp có nghĩa là đã xong ½ công việc. Có lẽ về khía cạnh này, tôi cũng có quan điểm tương tự. Tôi thường viết loay hoay 50 trang rồi tôi mới tìm được nhịp. Và sau khi tìm được rồi, tôi sẽ bỏ đi 50 trang ấy đi, và viết lại hoàn toàn từ đầu.
Chinatown
tôi đã bỏ đi nhiều lắm, không phải 50 mà có thể cả trăm trang.
Nhưng khi bắt đầu viết, chị đã ý thức sự khác nhau với những cái chị đã viết. Và chị phải có một cái “nhịp” hay thi pháp khác với những cái đã viết chứ?
- Khi bắt đầu viết, tôi chẳng có cái gì trong đầu cả. Made in Việt viết xong được một năm, tôi nghĩ đã đến lúc phải bắt tay vào một tác phẩm thứ hai. Tôi chẳng biết phải viết cái gì cả, và chợt nảy ra ý định đi tìm chất liệu mới. Trước đấy, tôi cũng được nghe nói rất nhiều về ngoại ô và giáo dục, nhưng có lẽ tận mắt chứng kiến vẫn hơn. Và tôi đã làm cái công việc dạy tiếng Anh cho một trường cá biệt ở ngoại ô
Paris
như thế.
Suốt ba tháng ấy, tôi phải ngồi tàu ba tiếng mỗi ngày, phải làm giáo viên trước một đám trẻ bất trị, với một mức lương vô cùng hẩm hiu. Những kỉ niệm này thật khó mà quên, nhưng nhiệm vụ của tôi không phải là kể lại. Giờ đây tôi không còn nhớ nghệ thuật viết của
Chinatown
đã được hình thành như thế nào. Có vẻ như nó đã nhập vào tôi để khôi phục lại những suy nghĩ vô cùng mất trật tự của nhân vật chính. Từ đó nảy sinh ra cuộc độc thoại nội tâm không phân chia chương đoạn, mớ bòng bong của kí ức và hiện tại, của hiện thực và hư cấu…
Dù thế nào thì tôi cũng không bao giờ xây dựng sẵn nội dung cho tác phẩm. Tôi nghĩ rằng, để độc giả bất ngờ, bản thân tác giả cũng phải bất ngờ, cũng phải vừa viết vừa khám phá, vừa viết vừa tưởng tượng. Thế nên từ dự định tới kết quả là một chặng đường rất dài, và các tác giả thường tránh kể cặn kẽ các dự định là vì thế.
Theo VietNamNet |