Tạp chí Sông Hương -
18 năm, Trung Quốc gây hấn 500 lần ở Biển Đông
14:25 | 06/07/2015

 Với sự hung hăng cao độ của mình, trong vòng 18 năm Trung Quốc đã có 500 hành động "gây hấn" trên mọi lĩnh vực liên quan đến Biển Đông, trở thành nước hiếu chiến nhất ở vùng biển này, theo nghiên cứu do Trung tâm Đông - Tây ở Honolulu (Hawaii, Mỹ) công bố.

18 năm, Trung Quốc gây hấn 500 lần ở Biển Đông
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng công suất cao phun nước vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam ngày 3.5.2014 trong vụ giàn khoan Hải Dương - 981 ngang nhiên hạ đặt trong vùng biển Việt Nam - Ảnh: CSB Việt Nam
Tờ Star and Stripes (Mỹ) ngày 2.7 đã đăng kết quả nghiên cứu của hai nhà nghiên cứu độc lập từng làm việc với đại học National Defense University. Kết quả này do Trung tâm Đông - Tây ở Honolulu (Hawaii, Mỹ) công bố.
Những cuộc đối đầu ở Biển Đông liên tục xảy ra nhiều đến mức không ai biết chính xác có bao nhiêu vụ, tuy nhiên 2 nhà nghiên cứu trên đã theo dõi và lập cơ sở dữ liệu trong suốt 18 năm, từ 1995 đến 2013.
Họ theo dõi hành động trên mọi lĩnh vực của các nước có tranh chấp ở Biển Đông và chia những hành động này theo 9 nhóm gồm quân sự, bán quân sự, kinh tế, hành chính, luật pháp, ngoại giao phối hợp, thương lượng, quản lý tranh chấp và tuyên truyền.
Dựa trên những dữ liệu này, hai nhà nghiên cứu thấy rằng Trung Quốc gây ra 500 hành động nhằm gây sức ép về chủ quyền toàn bộ Biển Đông. Trong số này các hành động gây hấn quân sự và bán quân sự là 148 vụ, chiếm một nửa số vụ "gây hấn" thuộc loại này ở Biển Đông trong vòng 18 năm qua. Với 300 vụ, Philippines là nước thứ 2 sau Trung Quốc mang tính "gây hấn" nhiều nhất ở Biển Đông theo cách xếp loại của 2 nhà nghiên cứu.
Trung Quốc ngụy biện hành vi hung hăng bằng cách đổ lỗi cho Mỹ
18 năm, Trung Quốc gây hấn 500 lần ở Biển Đông - ảnh 2
Khu trục hạm USS Mustin (DDG 89) của Hải quân Mỹ tuần tra trên Biển Đông cùng trực thăng MH-60R Sea Hawk ngày 3.6.2015 - Ảnh: Hải quân Mỹ
Những phát hiện của các nhà nghiên cứu đặc biệt có ý nghĩa quan trọng liên quan đến lập luận của Trung Quốc rằng việc gia tăng yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông là vì chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á -Thái Bình Dương (công bố vào năm 2011), theo Christopher Yung, một trong hai nhà nghiên cứu.
Trong 4 năm qua, Trung Quốc luôn lập luận rằng chiến lược tái cân bằng của Mỹ làm các nước tranh chấp trong vùng trở nên khiêu khích hơn, và Bắc Kinh chỉ đơn giản phản ứng lại sự hung hăng đó, theo nhà nghiên cứu Yung.
“Bất kỳ khi nào trong các cuộc gặp ngoại giao với Trung Quốc hoặc của nước khác có sự hiện diện của Trung Quốc, lập luận này luôn được Bắc Kinh đưa ra”, ông Yung nói. “Dữ liệu chúng tôi thu thập được cho thấy điều này hoàn toàn không đúng. Lập luận của Trung Quốc là không có căn cứ”, ông nói tiếp.
Ông Yung đưa ra ví dụ trong năm 2009 và 2010, các hành động của Trung Quốc luôn quá đáng so với các nước có tranh chấp; và những năm tiếp theo thì hành động đó còn nghiêm trọng hơn so với tất cả hành động những nước có tranh chấp cộng lại.
Washington đã sử dụng dữ liệu này mỗi khi đối phó với Trung Quốc, ông Yung chia sẻ trên Star and Stripes.
Cuộc nghiên cứu không phản ánh đầy đủ hết các hành động "khiêu khích" của các nước vì hai nhà nghiên cứu chỉ tổng hợp những hành động này khi được thông tin trên báo đài, theo ông Patrick McNulty, nhà nghiên cứu còn lại. Ông thừa nhận sự thiếu vắng này làm cho cuộc nghiên cứu chưa được đầy đủ, toàn diện.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết dữ liệu nghiên cứu của họ sau này được bổ sung mỗi khi có cơ hội gặp gỡ đại diện các nước liên quan.
Ông Yung cho biết khi mang kết quả này sang Trung Quốc trình bày với các nhà nghiên cứu về Biển Đông của nước này, ông ngạc nhiên khi một nhà nghiên cứu Trung Quốc nói rằng: "Chỉ có 500 vụ thôi sao? Phải nhiều hơn số đó chứ?".
"Trói chặt" ASEAN
Trong khi bị các nước xem các hành động do mình gây ra là "gây hấn" thì Trung Quốc tự bào chữa đó là "phản ứng bảo vệ chủ quyền". Các nhà nghiên cứu cho rằng Trung Quốc khôn khéo trong việc sử dụng các "hành động gây hấn ngoại giao" khiến các nước trở nên khó xử khi đối phó với Trung Quốc.
Họ đưa ví dụ trong Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đang được soạn thảo có một đề nghị đã được thảo luận trong các nước ASEAN hồi năm 2012 ở Campuchia rằng "các nước không được liên minh để chống lại Trung Quốc ở Biển Đông". Và các nhà ngoại giao Trung Quốc luôn tìm cách phá vỡ mối liên kết có thể có trong các nước thành viên ASEAN về vấn đề Biển Đông.
Bằng cách đưa ra nhiều chiêu thức hỗ trợ kinh tế cho ASEAN, Bắc Kinh đã lôi kéo một số nước trong khối này đi theo mình hoặc ít ra không chống Trung Quốc, theo hai nhà nghiên cứu. Họ còn cho biết Trung Quốc rất khôn khéo để tránh đối đầu về pháp lý, như trường hợp Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế về Luật Biển là một ví dụ. Phiên tòa này dự kiến tiến hành nghe điều trần trong tháng 7.2015, và trước đó Trung Quốc đã tuyên bố bác bỏ phiên tòa.

Theo Minh Quang - TNO

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng