VTV có các chương trình hằng tháng, như: Bài hát Việt, Điểm hẹn âm nhạc... và các chuyên mục hằng tuần, như: Tác phẩm mới (VTV1), Nhịp điệu trẻ (VTV3), Sol Cà phê (VTV6). HTV có: Thay lời muốn nói, Nhịp cầu âm nhạc, Album vàng... Chưa kể các cuộc thi hát với hàng chục chương trình TH trực tiếp trong vài tháng liền, các gameshow dưới hình thức ca hát... Các đài truyền hình cáp còn phát sóng âm nhạc với “tần số” dày đặc hơn...
Giựt khán giả của sân khấu biểu diễn
Với nhiều ưu thế, TH là phương tiện truyền thông có ảnh hưởng vào hàng bậc nhất hiện nay ở Việt . Khán giả ngồi nhà có thể xem nhiều chương trình ca nhạc trong một đêm mà không mất một đồng. Chương trình nào cũng “lôi kéo” “ngôi sao” để thu hút khán giả và... nhà tài trợ. Khi mà “nhà nhà tiết kiệm” thì thay cho việc đến phòng trà, ngồi nhà xem tivi là an tâm nhất. Vì thế, TH không những giựt khán giả của các chương trình biểu diễn mà còn “góp công” làm tê liệt nhiều phòng trà ở TP.HCM.
“Chúng ta đang kéo chân nhau xuống vì có quá nhiều chương trình ca nhạc trên TH”, nhạc sĩ Huy Tuấn thốt lên. Anh dẫn chứng, ca sĩ xuất hiện trong hàng loạt các sô diễn quảng cáo cho một sản phẩm hay liveshow do nhãn hiệu tài trợ thì vẫn ngần ấy gương mặt lên hát. Khán giả đi xem miễn phí và chương trình phát trên kênh quảng bá của các đài TH xem cũng không phải trả tiền. “Có bao nhiêu “sao” thì kéo nhau lên TH nên khán giả không còn thèm thuồng đi xem hát để được gặp ca sĩ mà họ yêu thích. Cũng vì “sao” xuất hiện thường xuyên trên TH nên không còn khoảng cách giữa “sao” và khán giả. “Sao” không còn lung linh, hấp dẫn nữa nên khán giả không muốn bỏ tiền mua vé xem liveshow của “sao”, anh cho biết thêm.
Theo nhạc sĩ Huy Tuấn, không có nơi nào phát nhiều ca nhạc miễn phí trên truyền hình như ở nước mình. Các đài TH nước ngoài chỉ phát các lễ trao giải thưởng âm nhạc, trong đó có biểu diễn âm nhạc hay chương trình có ý nghĩa xã hội. Còn liveshow của một ca sĩ nào đó phát trên truyền hình thì ca sĩ phải trả tiền thuê phát sóng chương trình. Người xem cũng phải đóng tiền và số tiền trả cho việc xem các chương trình ca nhạc trên truyền hình không phải ít nên họ buộc phải cân nhắc có nên bỏ tiền mua vé xem liveshow hay ngồi nhà xem mà vẫn phải trả số tiền tương đương.
“Việc các đài “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, tự đứng ra tổ chức chương trình rồi tự quảng bá, một mặt làm đa dạng bộ mặt âm nhạc và động viên, khích lệ các thành tố tham gia chương trình. Mặt khác, việc này làm thui chột đời sống âm nhạc ở những hình thức khác. Làm như vậy là truyền hình hóa đời sống ca nhạc và truyền hình thao túng đời sống ca nhạc chứ không phải thúc đẩy âm nhạc phát triển”, nhạc sĩ Quốc Trung bức xúc.
Chất lượng âm nhạc chưa cao
Các chương trình ca nhạc được sản xuất liên tục nên không trùng lắp về ý tưởng thì cũng nhàn nhạt về nội dung. Đó là chưa kể các “sân chơi” ca nhạc đều na ná nhau, từ Sao Mai điểm hẹn (SMĐH) đến Ngôi sao tiếng hát truyền hình, rồi Tiếng hát mùa Thu và đã có những nghi kỵ về việc các chương trình này bắt chước American Idol. Các cuộc thi hát này cũng bộc lộ những bất cập về “luật chơi”. Ví dụ, SMĐH 2008 đã bỏ rơi những giọng ca cá tính hứa hẹn khả năng trở thành “ngôi sao” khiến vòng hai nhạt hơn vòng một. Một vài chương trình “bùng nổ” tạo thành làn sóng dư luận nhưng không phải là chương trình tôn vinh cái nghe mà chủ yếu nặng về phần nhìn... Nhiều chương trình âm nhạc biến thành phương tiện quảng cáo. Ngoài việc xuất hiện “mọi lúc, mọi nơi”, quảng cáo xen ngang, xen ngửa trong chương trình.
Cùng với sự ra đời của các chương trình giới thiệu tác phẩm mới như Bài hát Việt, Tác phẩm mới... trên VTV, Album Vàng trên HTV là tần suất ca khúc mới xuất hiện ngày càng nhiều. Nhạc sĩ Quốc Trung cho biết, ở một số nước, mỗi ca khúc mới được giới thiệu trên sóng TH thì chủ sở hữu ca khúc phải trả chi phí khoảng 50 USD cho TH. Trong khi ở ta, ca khúc mới thông qua thẩm định của BTV âm nhạc rồi được dàn dựng và giới thiệu hằng tuần. Trong khi, không phải BTV âm nhạc nào cũng có trình độ thẩm định ca khúc. Bài hát Việt có cả một hội đồng thẩm định nhưng cũng giảm bớt số lượng ca khúc xuống còn một nửa chứ không phải 12 ca khúc dàn hàng lên sóng mỗi tháng như các năm trước.
Sự tràn lan các liveshow ca nhạc được TH trực tiếp nhưng chất lượng âm thanh không đạt chuẩn, kịch bản chương trình không mới...; ca nhạc theo chủ đề vẫn là ca sĩ xếp hàng lần lượt ra hát; MC dẫn dắt theo kịch bản viết sẵn rồi... đọc; hầu hết các chương trình THTT đều yêu cầu ca sĩ hát nhép... khiến ca nhạc TH đi vào nhàm chán. Với lý do thiết bị âm thanh không đảm bảo, nhất là các chương trình tổ chức ngoài trời, TH vô hình trung đã dung túng cho một bộ phận lớn ca sĩ lười luyện tập, ỷ lại công nghệ phòng thu. Họ cứ mặc nhiên sớm tối đi về với chiếc đĩa trong tay!
Thực tế đáng buồn khác khiến không ít ca sĩ và nhà sản xuất băng đĩa kêu ca: một số đài địa phương hay các kênh truyền hình cáp mua đĩa lậu để phát sóng các video clip ca nhạc. Chất lượng âm thanh không đạt chuẩn (dĩ nhiên), bài hát và hình ảnh ca sĩ quá cũ. Chỉ vì muốn có chương trình phát sóng đáp ứng thời lượng, các đài vẫn cứ... liều, dẫu rằng biết vi phạm bản quyền và hạ thấp ca sĩ xuống một nấc.
Chất lượng đội ngũ BTV âm nhạc của một số đài cũng... đáng phàn nàn, nhất là thiếu vắng các BTV âm nhạc có chuyên môn và am hiểu về âm nhạc cổ điển. Nhạc trưởng Phạm Hồng Hải – Phó giám đốc Nhà hát Nhạc - Vũ kịch VN kể: Cách đây mấy năm, một BTV rất trẻ làm PTV ở chương trình Văn nghệ thiếu nhi của một Đài TH ở Hà Nội. Sau vài năm, cô thành BTV đến nhà hát chúng tôi để thu một hợp xướng do các em thiếu nhi thể hiện. Cô không hỏi chúng tôi về hợp xướng có mấy bè. Cô dường như chỉ chú ý đến phần hình mà để quên mất phần nghe. Quay xong bài này chuyển ngay sang bài khác, trong khi có một vài em hát bị phô do tâm lí lúc ghi hình thì không cần thu lại”. BTV không có... tai nghe để biết cắt bỏ hay sửa chữa lỗi đã đành nhưng biết rồi cũng cứ để thế phát sóng. Trình độ BTV âm nhạc cùng với thái độ làm việc chưa nghiêm túc khiến những sản phẩm âm nhạc trên TH đến với khán giả có không ít sạn. Chưa kể tâm lý của không ít người làm TH, coi việc ca sĩ hay ca khúc có mặt trong chương trình là “ân huệ”...
Bao giờ TH đồng hành với âm nhạc?
Các chương trình âm nhạc trên sóng TH đã góp phần tích cực trong việc đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả. Một số chương trình có ý nghĩa với nền âm nhạc Việt, đặc biệt ở khía cạnh giáo dục kiến thức âm nhạc, phổ biến những tác phẩm âm nhạc có chất lượng và đưa âm nhạc trở thành phương tiện tuyên truyền những chương trình xã hội hay giáo dục cộng đồng... Tuy nhiên, do những đặc thù của phương tiện TH cũng như những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện khiến hoạt động âm nhạc trên sóng TH gây nên những tác động tiêu cực và đôi khi TH trở thành... kẻ thù của âm nhạc.
TH đồng hành với âm nhạc không phải là việc ngoài “tầm tay” của các đài, mặc dù các đài TH là cơ quan báo chí thuộc cơ quan quản lý về thông tin- truyền thông. Ngoài chức năng và ảnh hưởng của một phương tiện truyền thông, TH trở thành một phương tiện phổ biến văn hóa rộng khắp nhưng trong cuộc đua để tồn tại và phát triển, dường như vị trí của một đơn vị sản xuất những sản phẩm văn hóa bị coi nhẹ, nên âm nhạc hay các loại hình nghệ thuật khác lên sóng TH có méo mó hay bị kém chất lượng cũng vẫn chỉ là chuyện “biết rồi, khổ lắm...”.
Theo VHO |