Tạp chí Sông Hương -
Nghề bóc vỏ hạt sen
15:55 | 21/07/2015

Mùa sen bắt đầu vào khoảng tháng năm đến tháng tám, hết đợt thu hoạch hoa sen, người trồng sen lại trông ngóng đến ngày thu hoạch những gương sen đầy ắp hạt. Không biết từ bao giờ, các cô, các bà ở Huế lại có thêm một nghề mới vào mùa sen - nghề bóc vỏ hạt sen.

Nghề bóc vỏ hạt sen

"Không tốn sức nhưng tốn công”

Đó là chia sẻ của cô Đỗ Thị Thanh Mỹ - TP Huế khi nói về nghề bóc vỏ hạt sen. Cô bảo rằng: “nghề ni có chi mà mệt, chỉ ngồi một chỗ thôi chỉ cái là tốn công lắm, bởi có nhiều công đoạn đòi hỏi sự cẩn thận mới cho ra được hạt sen thành phẩm đẹp”. 
 
Vào mùa sen này, dọc đường Đinh Tiên Hoàng sát hồ Tịnh Tâm dễ dàng bắt gặp những người phụ nữ cặm cụi ngồi bóc vỏ hạt sen ven đường, mục đích là vừa làm vừa bán ngay cho khách đi đường. Hạt sen được lấy quanh khu vực thành nội và những vùng trồng sen gần thành phố như Phú Diên, Vinh Thanh, huyện Phú Vang hay Phong Sơn, huyện Phong Điền… “Đồ nghề” của các cô là một con dao nhỏ và sắc, một chiếc rổ đựng hạt sen và một cây tăm nhỏ dùng để lấy tim sen. 
 
Sen vừa mới được thu hoạch màu còn rất tươi và xanh, khi hạt còn tươi, việc lột vỏ cứng ở ngoài và lớp vỏ lụa mỏng bên trong rất dễ dàng. Tuy nhiên, nếu hạt sen để qua ngày thì lớp vỏ sẽ ngày màu nâu và cứng hơn, khi đó công việc lột vỏ lụa cũng rất khó khăn. 
 
Những món ăn chế biến từ hạt sen rất bổ dưỡng, tuy nhiên hình thức bên ngoài cũng được những người phụ nữ Huế chăm chút kỹ càng. Vì vậy mà công đoạn bóc vỏ hạt sen rất được chú trọng và phải làm cẩn thận. Lớp vỏ lụa bên trong tuy mỏng nhưng lại không thể không lột ra. Theo cô Mỹ, nếu không lột bỏ lớp vỏ lụa này thì màu sắc của sen sẽ không được đẹp, khi chế biến các món ăn thì sẽ có vị chát. Những hạt sen tươi khi được bóc vỏ nên dùng trong ngày, nếu để qua ngay thì hạt sen sẽ bị thâm đen, khi đó thì món ăn sẽ không được đẹp mắt. 
 
Sen tươi sau khi thu hoạch được bán với giá hoảng 30.000 – 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sen thành phẩm lại có giá nhỉnh hơn rất nhiều, vào khoảng 120.000 đồng/kg. Sở dĩ có sự chênh lệnh giá cả như vậy là bởi vì, bóc vỏ hạt sen rất tốn công và nhiều công đoạn, đòi hỏi cần thời gian và yêu cầu. Sau khi bóc lớp vỏ cứng, phải lập tức bóc lớp vỏ lụa bên trong, nếu để lâu lớp vỏ sẽ khô và khó tách ra khỏi hạt. Công đoạn này cần được chú ý đặc biệt, bởi theo những người trong nghề này chia sẻ: “có nhiều người không cẩn thận, nhẹ nhàng tách lớp vỏ lụa lại dùng mũi dao cạo vào hạt sen, điều này làm cho hạt sen xấu và nhanh thâm đen hơn”. 
 
Mặc dù không tốn nhiều sức lực, nhưng bóc vỏ hạt sen lại cần sự kiên nhẫn vào một chút khéo léo mới cho ra được những hạt đẹp mắt, riêng đối với ẩm thực Huế thì hình thức lại càng được chú trọng hơn cả. 
 
Mười ký đổi một lạng
 
Mới nghe chắc hẳn ai cũng nghĩ rằng đó là sự trao đổi khập khiễng. Tuy nhiên khi biết, để lấy được 1 lạng tim sen bán với giá 30.000 đồng, thì người làm nghề phải bóc được hơn mười ký hạt sen thô. Tim sen được lấy ra bằng cách cắt hai đầu hạt sen sao cho thấy được hai đầu của tim nằm chính giưa hạt. Sau đó, dùng cây tăm nhỏ xuyên giữa hạt sen thì lấy được tim sen ra ngoài. 
 
Tim sen lúc mới lấy ra hơi nhớt và dính tay, để bán được, người làm nghề phải phơi khô sau đó rang lên. Việc rang tim sen cũng là công đoạn quan trọng, phải rang thật nhỏ lửa đảo đều tay nếu không tim sen sẽ cháy. Sau khi rang thì khối lượng của tim sen giảm xuống, khi chia sẻ với tôi về điều này, cô Mỹ cười lớn và nói rằng: “bởi rứa mà có khi mười kí sen cũng không được một lạng tim sen mô”. 
 
Tuy ít ỏi và việc chế biến lại tốn nhiều công sức, nhưng người làm nghề này không hề bỏ phí bất cứ một tim sen nào. Bởi lẽ, tim sen được xem là loại thuốc chống mất ngủ rất hiệu quả, uống tim sen có thể giúp ngủ sâu và ngon hơn. 
 
Nếu như chè hạt sen là vị ngọt thanh của đường phèn và vị bùi bùi của hạt. Thì tim sen dù nằm chính giữa hạt nhưng đắng ngắt, khiến nhiều người khi lần đầu thưởng thức phải nhăn mặt bởi vị đắng của nó. Xoi tim sen cũng đòi hỏi có một chút kinh nghiệm, phải đặt đầu tăm vào đúng chỗ của tim sen, nếu tim sen còn sót lại bên trong hạt thì khi chế biến sẽ có vị đắng, ảnh hưởng đến mùi vị của món ăn. 
 
Trước đây tôi nghĩ rằng, sở dĩ hạt sen được bán với giá khá cao như vậy là do công dụng và sự bổ dưỡng. Nhưng sau khi chứng kiến và tận tay làm thử công việc này mới thấy sự kỳ công của nó. Người làm nghề này xem đây như một nghề lấy công làm lãi. Những tháng khác trong năm họ có thể làm nhiều nghề khác nhau, nhưng đến hẹn lại lên khi vào mùa sen, những người phụ nữ thành nội lại trở về với nghề bóc hạt sen để kiếm sống. 
 
Mùa sen đã qua hơn nửa, hoa sen chỉ còn lác đác dăm ba bông trên đồng, nhưng những gương sen vẫn mặc cho cái nắng xứ Huế thiêu đốt trên đầu, ôm ấp những tinh túy của thiên nhiên. Và nghề “bóc vỏ, xoi tim sen” của những người phụ nữ Huế cũng thật đáng trân trọng. Chính bàn tay tỉ mỉ của họ mà đã đưa hạt sen thành những tinh hoa của ẩm thực xứ Huế
 
Diệp Phan
 
Theo trt.vn

 

Các bài mới
Các bài đã đăng