Tạp chí Sông Hương -
Vào hang… nghe nhạc thính phòng
20:28 | 02/05/2009
Những ngày này đến với Hạ Long, đi thăm hang Đầu Gỗ du khách không chỉ được nghe những bản giao hưởng của các nhạc sĩ lừng danh thế giới mà còn được thưởng thức những bản hợp xướng mượt mà của dân ca quan họ Bắc Ninh hay những “Tình ca Hạ Long”, “Biển khát”… kết hợp những vũ điệu của tập thể diễn viên Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.
Vào hang… nghe nhạc thính phòng
Những bản nhạc làm đắm lòng du khách

Thoạt đầu khi nghe cụm từ này nhiều người đã thắc mắc tại sao lại nghe nhạc thính phòng, giao hưởng trong hang động bởi họ đã khá quen với loại hình nghệ thuật này chỉ gắn bó ở các nhà hát nổi tiếng. Nhưng quả thật vào hang nghe nhạc thính phòng lại là nét độc đáo của du lịch Quảng Ninh bởi có lẽ chưa đâu trên thế giới lại có một vòm hang như hang Đầu Gỗ.

Như được thiết kế để trở thành nhà hát trong hang động, nhà hát do bàn tay thiên nhiên tạo ra này những năm gần đây đã bừng tỉnh bởi những giai điệu du dương của dàn nhạc giao hưởng thính phòng với những bản nhạc cổ điển của các nhạc sĩ lừng danh thế giới như Mozart, Johannes Brahms, Tchaikovsky… Đây cũng là một trong những hoạt động độc đáo vào dịp Lễ hội du lịch Hạ Long năm nay.

Du khách đến với thành phố biển này lại có dịp thưởng thức một không gian âm nhạc thính phòng - cổ điển rất độc đáo ở một trong những hang động gần nhất tính từ bến tàu Bãi Cháy.

Sản phẩm du lịch có một không hai này xuất phát từ ý tưởng của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - người có nhiều duyên nợ về âm nhạc với Quảng Ninh. Tại Lễ hội du lịch Hạ Long năm 2005, chương trình hòa nhạc giao hưởng đã được tổ chức lần đầu tiên rất hoành tráng, gây được sự bất ngờ đặc biệt cho nhiều du khách.

Dường như tạo hóa chỉ dành riêng cho Đầu Gỗ những yếu tố cần thiết cho một chương trình hòa nhạc trên biển. Một vòm hang rộng rãi đủ sức vang vọng của âm thanh, một nền sân khấu đủ rộng để dàn nhạc có thể hoạt động và không gian dành cho du khách ngồi thưởng thức âm nhạc. Không những vậy Đầu Gỗ còn là hang giữ lại nhiều nét nguyên sơ nhất, nói như ông Lê Văn Chính - phó Ban quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh - là “đưa nghệ thuật theo dấu chân người tiền sử”.


“Nhà hát” hang Đầu Gỗ nhìn từ trên xuống


Bước vào hang Đầu Gỗ, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tạo hóa, các nhũ đá... Vết tích của thời gian in lại trên ngấn đá tạo thành các hình thù rất đẹp bên cạnh việc thưởng thức một dòng nhạc tinh túy có được từ sự thăng hoa cảm xúc mà các nhà soạn nhạc tài danh trên thế giới để lại, du khách như thả hồn vào thế giới của âm thanh, sự bí ẩn, huyền diệu của thiên nhiên, những giai điệu trầm bổng do con người tạo nên. Tất cả hòa trộn nhau tạo nên một xúc cảm rất khó tả…

Để tôn vinh nét đẹp nguyên sơ, mộc mạc của hang động, dàn nhạc được dàn dựng như trong nhà hát bình thường nhưng phông nền trang trí rất đơn giản với cách bài trí đậm chất Việt. Các ngọn nến lớn được thắp sáng bên cạnh các gốc tre mô phỏng sử dụng thay hệ thống đèn chiếu sáng tạo nên những ánh sáng huyền ảo, lung linh khi dội vào nhũ đá.
 
Không thể tả được cảm giác khi nghe những bản hòa tấu mượt mà trong hang động, đâu đó còn vài cánh én lượn trong không gian “nhà hát” tạo nên một cảnh rất nên thơ, trữ tình. Xin được lấy bài thơ Hạ Long gọi của nhà thơ Nguyễn Xuân Đức thay cho lời kết cũng như là lời mời gọi của Hạ Long…

Hồn buông trên sóng khách dong chơi
Buồm lá lênh đênh giữa nước trời
Mờ sớm sương giăng hồng cá nhảy
Tàn đêm gió thoảng trắng sao rơi

Núi non kỳ vĩ bồng bềnh nổi
Muông thú phi phàm mải miết bơi
Du khách mơ màng say cảnh lạ
Mai về xa ngái nhớ khôn vơi...

                                                                                                                          Theo TTO

Các bài mới
Các bài đã đăng