Tạp chí Sông Hương -
Gheaoreg Fnrdiederlich Haendel- Thiên tài hay “bóng ma trong nhà hát”?
09:43 | 04/05/2009
Ngày nay, mỗi khi các fan tụ tập trên sân vận động hay trước màn hình ti vi để theo dõi giải bóng đá Champions League, người ta lại “phải nghe” giai điệu mở màn bất hủ của ông: Georg Friedrich Haendel (1685- 1759), nghệ sĩ đầu tiên được dựng tượng đài trong lịch sử, nhà soạn nhạc mà cho đến hôm nay, sau 250 năm ngày mất, vẫn làm hàng triệu người nghe ngây ngất. Nhưng thực sự thì có mấy ai biết rõ ông?
Gheaoreg Fnrdiederlich Haendel- Thiên tài hay “bóng ma trong nhà hát”?

Huyền thoại mờ ảo

Georg Friedrich Haendel có thể được xem là một giai thoại trớ trêu của lịch sử: chính Haendel là nhà soạn nhạc đầu tiên được chép lại tiểu sử, vậy mà hôm nay bên ngoài giới âm nhạc ông vẫn tồn tại như một... “bóng ma”. Nhưng ngay cả “ma” cũng hiện diện ở khắp nơi, trong khi gần như chẳng ai biết đến Haendel.

Quay trở lại cái gọi là tiểu sử. Hôm nay, đó là một khái niệm thông thường, thông thường cả theo nghĩa phàm tục, bởi bất cứ ai cũng có thể ngồi viết ra tiểu sử của mình hay người khác, nhưng vào thời điểm một năm sau khi Haendel qua đời thì chưa có nhu cầu đó. Con người hầu như không có giấy mực, mà cũng chẳng có nguyện vọng biết đến nhau. Bản thân nhà nghiên cứu thần học John Mainwaring cũng không trực tiếp quen biết Haendel. Khi ông ngồi vót cây bút lông ngỗng để viết Memoirs Of The Life Of The Late George Frederic Haendel (Ký ức về cuộc đời của Georg Friedrich Haendel) năm 1760, ông chỉ có trong tay một mớ giai thoại và tục truyền. Âu cũng không thể so sánh các phương tiện thông tin ngày ấy với bây giờ. Hậu quả là hôm nay những gì ta biết và muốn biết đến Haendel đều ít nhiều phải dựa trên cuốn sách mỏng ố vàng của John Mainwaring mang trên mình mấy trăm năm thời gian. Không chỉ sơ sài và thiếu chính xác, nó còn là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại phỏng đoán và thêu dệt xung quanh nhạc sĩ thiên tài này.

Nhưng có khi thế lại tốt - hay ho gì đâu, khi mỗi ngôi sao to sao nhỏ trong một lĩnh vực được gán cho mác “nghệ thuật” bị các paparazzi bám riết từng bước và không có chi tiết - dẫu nhạt phèo nào trong cuộc đời họ là không hiện lên nhật báo của ngày hôm sau để người đời đàm tiếu? Ngày 23/2/1685, một ông thợ cắt tóc khéo tay và sau này nhờ vậy được nâng lên chức thầy thuốc ngoại khoa cho quận chúa vùng Sachsen - Weissenfels (miền Trung nước Đức ngày nay) được cô vợ thứ hai tặng cho một đứa con trai, Georg Friedrich. Ở tuổi khả kính và có nhiều tiền trong tay, ông muốn hướng con trai vào một nghề tử tế, nhưng cậu bé chỉ rình dịp trốn lên tầng áp mái để nghịch cây đàn dương cầm cổ trên đó. May mắn cho cậu, một ngày đẹp trời, quận chúa Sachsen - Weissenfels nghe cậu đánh đàn và cho đi học nhạc - khởi đầu của sự nghiệp siêu sao theo đúng nghĩa hôm nay, vì chẳng mấy chốc Haendel trở thành người chơi đại phong cầm lớn nhất thời ấy. Sau khi cha qua đời, Haendel rời khỏi chốn thị tứ quê mùa để lên Hamburg , ngày đó được coi là một trong những thủ phủ của ca kịch thế giới. Ở đây ông nối tình thân hữu với Johann Mattheson, một nhạc trưởng nổi tiếng, và con đường hoạn lộ có vẻ như không biết đến trở ngại nào. Năm 1706, vừa qua tuổi 20 Haendel đã được quận chúa Gian Gastone mời qua Italia, để rồi thành Roma có thêm một nghệ sĩ được nhà thờ Cơ đốc giáo La Mã trọng vọng. Ở một lễ hội hóa trang, khi nghe Haendel (ẩn sau mặt nạ) chơi vĩ cầm, nhạc trưởng của cung đình Domenico Scarlatti đã thốt lên: “Nếu đây không phải là Haendel thì là đích thân quỷ sứ!”.
 
Haendel đã tặng lại đất Italia hai vở nhạc kịch bất hủ Rodrigo và Agrippina. Cho dù làm được bước đột phá ở đây, Roma cũng chưa phải chặng cuối, vì Haendel còn có một đích ngắm nữa: London , ngày ấy là thành phố lớn nhất thế giới, đồng nghĩa với nhiều tiền, nhưng tiếc thay, ít nhạc kịch.

Từ 1711 trở đi Haendel lấy London làm đất màu để phát triển một doanh nghiệp bộn tiền. 30 năm ròng, ông không chỉ biết dùng ngoại ngữ để mê hoặc khán giả, mà còn bỏ bùa các nhà quý tộc để biến họ thành lực lượng bao cấp cho sự nghiệp sáng tác của mình. Trong các tác phẩm của mình, Haendel tạo ra một thế giới đầy những thánh thần và ma quỷ, người hùng và kẻ dâm loạn. Ông là người có tầm nhìn xa và sống thực tế, biết học mót và sáng tạo độc đáo, đồng tiền kiếm được qua các sáng tác và một nhà hát riêng do ông tự tay quản lý được Haendel giữ chặt trong hầu bao, nhưng có dịp là ông vung như rác. Một nhân vật sáng láng và nhiều mâu thuẫn.

Kho tác phẩm đồ sộ

Rồi cũng phải đến lúc ngôi sao Haendel nhợt nhạt. Ông lụi bại về kinh tế và lâm bệnh nặng. Haendel quay về Aachen (Đức) để dưỡng sức. Và cũng để hiến cho thế giới tổng cộng 42 tác phẩm nhạc kịch và 25 bản thánh ca. Hiện nay người ta chỉ còn giữ lại được 39 nhạc kịch, phần lớn thuộc kho lưu trữ của Hamburg . Năm 1741 lại cũng là năm bản lề trong sự nghiệp Handel. Chính những nhạc phẩm nặng tính tôn giáo đã giữ cho Haendel bất tử cho đến ngày nay. Ảnh hưởng sâu rộng của ông khiến những thiên tài hậu thế như Bach (con) hay Mozart ưa soạn lại và hiện đại hóa nhạc của ông.

Haendel không chỉ trọng vọng nhạc cụ. Các sáng tác cho thanh nhạc của ông được coi là thách thức cho thanh quản con người. Nhưng chính đó là điểm khác biệt để dễ nhận ra nhạc Haendel, một tài năng mà hậu thế lẽ ra phải (và đã một phần) xếp ông cùng hàng với Mozart, Schubert, Bellini, Verdi, Tchaikovsky, Puccini và Strauss. Nhưng, như đã nói, hôm nay có mấy ai biết đến Haendel?

Là người đồng tính ái?

Ngoài âm nhạc ra, ông còn yêu gì hoặc yêu ai ? Chúng ta cũng không biết. Handel không có vợ con. Chàng trai khôi ngô và hào hoa một thuở khi về già ngày càng phì nộn và chỉ còn thú vui vùi đầu vào tôn giáo. Nói theo ngôn ngữ của ngày nay thì rất có thể ông là người đồng tính ái? Ông chết sau lỗi ngớ ngẩn của một thầy lang vườn cách đây đúng 250 năm. Ông là nghệ sĩ đầu tiên được dựng tượng trong lịch sử. Nhà tạc tượng Pháp Louis Francois Roubiliac dựng tượng ông trong bộ dạng đi dép ở nhà, mặc áo ngủ, vẻ mặt láu lỉnh. Bức tượng cẩm thạch hiện được lưu giữ ở bảo tàng Victoria & Albert ( London ). Chỉ có các vở nhạc kịch của ông, vì lý do nào đó, nhanh chóng bị lãng quên. Gần 200 năm sau khi mất, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Oskar Hagen mới đưa Haendel trở lại sân khấu Goettingen (Đức), nhưng với một sự cẩu thả đáng trách. Dĩ nhiên, một phần nguyên nhân cũng là do Haendel sáng tác khá nhiều cho giọng castrate (nam ca sĩ tự nguyện hoạn để có giọng cao), điều mà thời nay rất khó đáp ứng như một sự “hy sinh vì nghệ thuật”. Vậy là Haendel bất đắc dĩ trở thành một “bóng ma trong nhà hát opera”.

"Haendel - một tài năng mà hậu thế lẽ ra phải xếp cùng hàng với Mozart, Schubert, Bellini, Verdi, Tchalkovsky, Puccini và Strauss"

Kỷ niệm 250 năm ngày mất

Hy vọng trong năm 2009, với sự kiện trọng đại - kỷ niệm 250 năm ngày mất của Haendel - người ta sẽ nỗ lực lấy lại được chút hào quang cho ông. Nước Đức, quê hương mà ông quay lưng lại lúc hoàng kim, sẽ tổ chức công diễn tối thiểu một nửa các sáng tác nhạc kịch của ông. Nhà hát danh tiếng Metropolitan Opera ( New York ) cũng đưa Haendel vào chương trình biểu diễn của họ. Và một nét đặc biệt: Năm nay thậm chí sẽ có nhiều ca khúc cho giọng countertenor vốn hay được sử dụng để “diễn thế” cho castrate.
 
Nhạc kịch Haendel là một chùm pháo hoa của sự hưng phấn và màu sắc, luôn hàm chứa nghệ thuật dẫn dụ và sự tuyệt vọng (của thất tình?). Đã có một thời, hình thức lặp lại cảnh mở màn (dacapo) được ưa thích, ngày nay nhờ Haendel mà lại được trọng dụng như một thủ pháp biên kịch “hiện đại”.

Người ta có quyền nhìn nhận tác phẩm của Haendel với ánh mắt mỉa mai hay trọng vọng, nhưng Haendel đang hứa hẹn trở lại sân khấu như một nhân tố không thể bỏ qua. Giới âm nhạc giật mình khi tái khám phá Haendel: những nhà soạn nhạc như Schumann, Mendelssohn, Haydn hay cả Schubert đều có thời đại của mình. Haendel giống Mozart hơn: người ta bất giác phải ngưng thở một nhịp khi nghe nhạc của ông, trong âm nhạc của ông có hơi thở của hôm nay, của thế kỷ 21, và vì thế mà không hề ngẫu nhiên chúng đã được dùng làm nhạc dạo đầu cho Champions League!

                                                                                                                     Theo TT&VH

Các bài mới
Các bài đã đăng