Tạp chí Sông Hương -
Sách vén màn văn minh Ả Rập qua câu chuyện nàng Sheherazade
15:06 | 12/08/2015

Nhà báo Phan Quang nghiên cứu, phân tích truyện dân gian để mang tới bức tranh văn hóa xứ Trung Đông trong cuốn "Nghìn lẻ một đêm và văn minh A Rập".

Sách vén màn văn minh Ả Rập qua câu chuyện nàng Sheherazade

Hơn một nghìn năm qua, tác phẩm văn học dân gian Nghìn lẻ một đêm có sức lan tỏa mạnh mẽ, phát triển và ảnh hưởng sâu rộng tới nghệ thuật của nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, tác phẩm đã xuất hiện trên mặt báo cách nay hơn 100 năm. Bản dịch Nghìn lẻ một đêm của nhà báo Phan Quang chuyển ngữ từ tiếng Pháp được xuất bản năm 1981, tới nay đã tái bản trên 30 lần. Những câu chuyện do nàng Sheherazade kể hầu bạo chúa Shariar trong tác phẩm đã trở thành di sản tuyệt vời của nhân loại.

Là người nghiên cứu kỹ tác phẩm văn học dân gian của xứ Trung Đông, nhà báo Phan Quang mới đây cho ra đời cuốn sách Nghìn lẻ một đêm và văn minh A Rập. Mỗi một mục trong cuốn sách là sự khám phá một khía cạnh khác nhau về A Rập như: "A Rập và người A Rập, họ là ai?", "Phác họa chân dung nhà sáng lập đạo Hồi", "Một hiện thực khác của đạo Hồi", "Khoa học thời Nghìn lẻ một đêm", "Sự khác biệt giữa người Pháp và người Thổ Nhĩ Kỳ"...

Trong sách, tác giả đưa ra giải đáp cho nhiều thắc mắc về Nghìn lẻ một đêm như: Nguồn gốc thật sự của tác phẩm? Có bao nhiều chuyện kể trong toàn bộ truyện? Tác phẩm có phải là sáng tạo của một phụ nữ?... Phan Quang cũng lý giải sức hút của Nghìn lẻ một đêm, những giá trị vượt thời gian, địa lý để trở thành tác phẩm mang tính toàn cầu.

Theo nhà nghiên cứu, Nghìn lẻ một đêm phản ánh một hiện thực Hồi giáo khác biệt so với hình ảnh về đạo Hồi phổ biến trong suy nghĩ của nhiều người. Có xuất xứ dân gian từ nhiều nguồn: Ấn Độ, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, A Rập... bộ truyện cổ mang tinh thần nhân văn sâu sắc. Đó là tiếng hát tôn vinh lao động, tinh thần kiên cường, quật khởi của con người, là lời ca ngợi quyền tự do yêu đương, mưu cầu hạnh phúc của con người. Hơn cả, bộ truyện dân gian còn là thiên sử thi về lòng dũng cảm, trí thông minh và sự phản kháng của người dân với bất công xã hội.

Mở rộng biên độ nghiên cứu, tác giả Phan Quang đặt bộ truyện cổ trong đối chiếu với Nghìn lẻ một ngày của Ba Tư - tác phẩm được đánh giá là công trình hoàn hảo nhất của nghệ thuật kể chuyện phong cách thế kỷ 18. 

Tác giả Phan Quang nói lý do thực hiện cuốn sách xuất phát từ niềm say mê Nghìn lẻ một đêm của ông: "Khi bắt tay dịch tác phẩm từ tiếng Pháp sang tiếng Việt vào những năm 1970 của thế kỷ trước, tôi đọc tất cả những gì gặp được có liên quan tới bộ truyện cổ. Tôi kiên trì ghi chép một số điểm tâm đắc kèm theo cảm nhận của mình". Các ghi chép được ông dày công tìm hiểu, phát triển sâu hơn và sắp xếp, bố cục thành Nghìn lẻ một đêm và văn minh A Rập.

Theo Lam Thu - Vnexpress

 


 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cười cùng Haydn (11/08/2015)