Chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh, kỷ niệm 119 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), với bài mở đầu “ Lửa tháng Năm” của tác giả Trường An ôn lại chặng đường hào hùng của dân tộc, của đất nước trong tháng năm lịch sử này; và bài viết “ Ba lần gặp Bác” của tác giả Trọng Sâm kể về những lần được gặp Bác Hồ đầy xúc động. Chuyên mục NHẠC kỳ này giới thiệu ca khúc “ Hương Giang còn mãi bóng Người” của tác giả Trần Hữu Pháp, với giai điệu tha thiết đầy cảm xúc về những con đường, “ từ Đông Ba đến trường Quốc Học...” và dòng Hương Giang còn in mãi bóng Người, hình bóng Bác Hồ vẫn còn mãi mãi với Huế và trong mỗi chúng ta.
Chuyên mục VĂN giới thiệu truyện ngắn “ Làng thời mở cửa” của tác giả Nguyễn Việt Hòa. Truyện đã nêu cái ánh sáng phản chiếu của đồng tiền vào cánh cửa làng, sức nóng của nó gần như thiêu rụi mọi nền tảng đạo đức của một bộ phận không nhỏ gồm đám quan viên, giới thượng lưu ở làng. Trong chuyên mục này còn có truyện ngắn “ Thoại khúc rìu và thơ” của tác giả Trần Hạ Tháp. Trong chuyên mục THƠ có các bài bài thơ của các tác giả: Lê Huỳnh Lâm, Lưu xông Pha, Ngọc Tuyết, Ngô Thiên Thu, Tuệ Nam, Phạm Trường Thi.
Chuyên mục TÁC GIẢ - TÁC PHẨM VÀ DƯ LUẬN giới thiệu nhiều bài viết được dư luận quan tâm. Mở đầu chuyên mục là bài viết “ Nguyễn Tài Cẩn trên nền thi học Việt Nam” của tác giả Đặng Tiến, và bài “ Viết vào Bùi Giáng mong manh” của tác giả Đỗ Quyên. Cũng trong chuyên mục này, trong phần giới thiệu các tác giả thuộc Chi Hội Nhà văn Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, với sự xuất hiện của hai cây bút tên tuổi ở Huế- nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và nhà văn Nguyễn Đắc Xuân. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là một trong những gương mặt thơ tiêu biểu của thế hệ thơ xuất hiện trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, lần này nhà thơ gửi đến bạn đọc bài thơ “ Ngày về”, “ Những bài hát, con đường và con người”, “Tháng tư Trường Sa”, “Cánh đồng buổi chiều”. Phần giới thiệu nhà văn Nguyễn Đắc Xuân, tạp chí trích chương 6 “ Huế và thơ, nhạc, sách” trong hồi ký “ Mười bốn năm đèn sách” chưa xuất bản của tác giả Nguyễn Đắc Xuân. Chuyên mục HUẾ DÒNG CHẢY VĂN HOÁ với bài viết “ Búi tó củ kiệu và vành khăn vấn ngày xưa của các cụ ở Huế” của tác giả Bùi Minh Đức, mô tả lại nét văn hoá trong cách ăn mặc của người Huế xưa và tản văn “Nơi an trú của văn hóa tâm linh” của tác giả Lãng Hiển Xuân, giới thiệu nét văn hoá trong đời sống tâm linh chốn thiền môn xứ Huế. Ở chuyên mục NGHIÊN CỨU & BÌNH LUẬN có các bài viết: “Thời khắc hy sinh lẫm liệt của hai nhà chí sĩ” của tác giả Trương Đản; “Tình hình văn học chữ Hán nửa sau thế kỷ XIX” di cảo của nhà văn Trần Thanh Mại và bài viết “ Vấn đề người kể chuyện trong tiểu thuyết” Những kẻ thiện tâm” của Jonathan Littell” của tác giả Chu Đình Kiên...
Ngoài ra Sông Hương còn có chuyên mục MỸ THUẬT, CỦA SỔ NHÌN RA VĂN HỌC THẾ GIỚI ĐƯƠNG ĐẠI, TRANG VIẾT ĐẦU TAY, TIN VĂN HOÁ VĂN NGHỆ, NHỮNG KHOẢNH KHẮC ĐẸP với nhiều bài viết của các tác giả Chơn Hữu, Hạnh Nhi, Sorbon ( Vĩnh Hiền dịch), Hoàng Kim Nhi, Đặng Văn Trân...
Tạp chí Sông Hương số 243 tháng 5/2009 hiện đã có mặt trên các quầy báo, mong bạn đọc tiếp tục quan tâm và ủng hộ SÔNG HƯƠNG. |