Tạp chí Sông Hương -
Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015: Những nỗ lực làm mới
14:48 | 24/08/2015

Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc là sự kiện được tổ chức định kì 5 năm/lần do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh, thành phố tổ chức nhằm công bố, phổ biến tác phẩm lớn nhất của giới mỹ thuật với mục đích tổng kết quá trình 5 năm sáng tạo nghệ thuật, ghi nhận thành tựu sáng tác của các họa sĩ, nhà điêu khắc Việt Nam. 

Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015: Những nỗ lực làm mới
“Hà Nội có cầu Long Biên”, sơn mài, 120 x 240 cm, của Nguyễn Trường Linh. Huy chương Vàng MTTQVN 2010.

Hoạt động này cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển mỹ thuật Việt Nam, đồng thời tổng kết đánh giá thực trạng lực lượng, năng lực và trình độ chuyên môn của đội ngũ sáng tác hiện nay, qua đó có chế độ, chính sách, giải pháp phù hợp để thúc đẩy mỹ thuật Việt Nam phát triển đúng hướng.

Trung tuần tháng 3/2015, lễ phát động Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch tổ chức. Theo quy định của Ban tổ chức, tác phẩm dự thi được sáng tác trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2015 với nội dung phản ánh sinh động cuộc sống lao động, học tập, sinh hoạt, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, các vấn đề của cuộc sống đương đại. Những loại hình nghệ thuật tham gia bao gồm: hội họa, đồ họa, tượng, phù điêu, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, video art. Trong thời gian chờ xét chọn tác phẩm để trưng bày và trao giải (dự kiến diễn ra vào tháng 9/2015), các nghệ sĩ đang rất mong chờ và hi vọng vào những nét đổi mới của kì triển lãm lần này.

Những đổi mới về quy định

Ngay từ tên gọi, năm nay, sự kiện được đặt tên gọi mới là “Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015” thay cho “Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc” như trước đây. Ngoài ra, theo ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, còn có những đổi mới như: nâng mức Giải nhất từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng; hạn chế số lượng tác phẩm trưng bày là 500 tác phẩm (thay vì 836 tác phẩm được chọn treo tại Triển lãm năm 2010); thành lập Tiểu ban Tuyên truyền chuyên trách nhiệm vụ quảng bá rộng rãi, thông tin đầy đủ tới công chúng và người quan tâm đến sự kiện; ngay trong ngày khai mạc, Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam sẽ công bố những tác phẩm dự kiến sẽ sưu tập.

Đối với các nghệ sĩ cũng như công chúng quan tâm đến nghệ thuật đương đại, nét đổi mới gây được sự hào hứng nhất chính là Ban tổ chức đã mở rộng thêm hai loại hình nghệ thuật: video art và performance art (trình diễn). Trong triển lãm 2010, hai loại hình nghệ thuật này chưa được tham gia mặc dù đã có nhiều nghệ sĩ trình diễn đạt được những thành công và ghi dấu ấn nhất định trong và ngoài nước. Có lẽ qua Festival Mỹ thuật Trẻ 2011 do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, video art và trình diễn được giới chuyên môn đánh giá cao và công chúng đón nhận, nên Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 các nhà tổ chức không để lỡ cơ hội quảng bá sâu rộng hơn nữa các loại hình nghệ thuật này.

Với số lượng tham gia tới hàng nghìn tác phẩm, khó có thể tránh khỏi sự trùng lặp về đề tài, ý tưởng, bút pháp dẫn đến những luồng dư luận không tốt về các tác phẩm “nhái” trong những năm 2005 và 2010 khi triển lãm mỹ thuật toàn quốc diễn ra. Trước vấn đề nhức nhối này, ông Vi Kiến Thành khẳng định: “Những tác phẩm tham gia và kể cả đoạt giải trong Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 nếu phát hiện ra nhái, coppy của người khác thì sẵn sàng hạ giải ngay lập tức (nếu được giải) và bị dỡ bỏ (nếu được treo)”. Ngoài ra, Hội Mỹ thuật Việt Nam vừa thông qua quyết định sửa đổi điều lệ: Hội viên nào vi phạm bản quyền tác phẩm triển lãm hoặc công bố sẽ bị khai trừ.

Mới – liệu có là thử thách

So sánh với các ngành nghệ thuật khác, số lượng nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật rất hùng hậu, chỉ riêng Hội Mỹ thuật Việt Nam đã có gần 2.000 hội viên, chưa tính đến các họa sĩ không gia nhập hội chuyên ngành. Đối với các họa sĩ trẻ, tham gia Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam như một cơ hội để cọ xát trong môi trường chuyên nghiệp, được đánh giá, thẩm định bởi những nhà chuyên môn có trình độ, được công chúng biết đến nhiều hơn. Các loại hình nghệ thuật truyền thống: hội họa, điêu khắc, tượng, phù điêu không đòi hỏi quá khắt khe về không gian hay thời gian trưng bày, nhưng riêng nghệ thuật đương đại: sắp đặt, video art, trình diễn lại có đặc thù riêng mà Ban tổ chức phải tính toán.

Tác phẩm sắp đặt đôi khi được sáng tác từ các chất liệu “khác thường” (như nước đá, thực phẩm tươi…) hay kích cỡ lớn đòi hỏi phải có không gian-thời gian đặc biệt mà nếu điều kiện triển lãm có giới hạn thì không thể chứa được; video art đòi hỏi nguồn điện ổn định, phòng chiếu phù hợp và khán giả phải theo dõi liền mạch từ đầu đến cuối còn với trình diễn thì nghệ sĩ không thể nào “nhảy múa” suốt kỳ triển lãm dài. Hơn nữa, tác phẩm trình diễn buộc giám khảo phải xem và chấm điểm ngay tại thời điểm sáng tác, vì nghệ sĩ không thể biểu diễn được nhiều lần như diễn viên sân khấu. Chưa kể đến tác phẩm trình diễn nhiều khi còn có sự tương tác ngẫu hứng từ người xem và không gian trình diễn không phải chỉ bó hẹp ở một địa điểm nhất định.

Họa sĩ Lê Nguyên Mạnh – người đã có nhiều tác phẩm trình diễn từ năm 2008 đến nay - cho biết, anh đang chờ kết quả xét duyệt vòng 1 sau khi gửi 3 bức tranh giá vẽ và một số đĩa CD ghi lại tác phẩm trình diễn trước đây cùng ý tưởng trình diễn tại triển lãm 2015. Nói riêng về tác phẩm trình diễn, họa sĩ bày tỏ sự ái ngại: “Người của Ban tổ chức nhận đĩa CD đã gọi điện hỏi lại tôi tại sao lại gửi tác phẩm trình diễn từ năm 2008 (tác phẩm “Luồn lách” trong dự án “Ra đường” được tổ chức năm 2008 - PV). Tôi phải giải thích mãi họ mới chịu hiểu rằng tác phẩm trình diễn mỗi lần được nghệ sĩ sáng tác đều không giống nhau ở thời điểm và không gian. Có thể cả đời họ chỉ làm một tác phẩm, cũng có thể một tác phẩm được trình diễn ở nhiều địa điểm khác nhau chứ không giống như tranh, tượng, sắp đặt… Nếu cứ phải giải thích kiểu này, chắc cũng khó mà trình bày được ý tưởng cho tác phẩm trình diễn dự định tham gia triển lãm, nhất là với những người không có thế mạnh về ngôn từ như chúng tôi.”

Chờ đợi sự mới mẻ trong hệ thống giải thưởng

Nhìn lại kì Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010, những tác phẩm được trao giải chưa thực sự thuyết phục được giới chuyên môn, người trong nghề và công chúng về chất lượng. Riêng tác phẩm “Mầm đá” (tranh sơn dầu của Vũ Cương) đạt huy chương Vàng được họa sĩ Đoàn Văn Nguyên đánh giá: “Tác phẩm còn non về mặt kỹ thuật và kể cả về ý tưởng nội dung cũng nên xem xét lại, theo tôi là rất nguy hiểm về mặt định hướng sáng tác cho lớp trẻ. Trao giải như thế này rất dễ gây ngộ nhận, cả đối với người được giải và cả giới làm nghề, nhất là anh em trẻ. Giải vàng Triển lãm mỹ thuật toàn quốc, thực sự phải là một tác phẩm đỉnh cao”. Sau khi triển lãm kết thúc, họa sĩ Trang Thanh Hiền nhận xét: “Về đề tài, tư duy, về bút pháp thể hiện, thậm chí là cách trình bày cũng quá cũ. Cuộc triển lãm chưa thu hút được nhiều gương mặt trẻ tham gia, và những người có tham gia thì cũng chưa thể hiện được gì mới”.

Khoảng thời gian 5 năm cho một lần tổ chức triển lãm quy mô toàn quốc đủ để đánh dấu một giai đoạn phát triển. Vì vậy, trong kì triển lãm 2015, rất nhiều mong đợi từ phía người làm nghệ thuật cũng như công chúng quan tâm đến lĩnh vực này hướng tới các nhà tổ chức. Họ mong muốn có được sự chuyên nghiệp, nghiêm túc trong từng công đoạn, tức là Ban tổ chức có đội ngũ giám tuyển (curator) đủ trình độ định giá chất lượng tác phẩm ngay từ khi phát động chứ không chỉ thông báo và ngồi chờ nghệ sĩ gửi tác phẩm đến tham dự. Không gian triển lãm phải được chia ra từng khu vực như sắp đặt, video-art riêng, hội họa, điêu khắc riêng. Đặc biệt với trình diễn, cần phải có đủ không gian và các yếu tố cần thiết (âm thanh, ánh sáng, đạo cụ…) để nghệ sĩ có thể sáng tạo thăng hoa nhất khi thể hiện tác phẩm gần như duy nhất một lần. Làm được như vậy, hiệu quả triển lãm sẽ tốt hơn, tránh được sự hỗn độn, chồng chéo.

Trước đây, trong các Triển lãm mỹ thuật toàn quốc, hệ thống giải thưởng khá đa dạng, chẳng hạn năm 1946, bên cạnh giải của Chính phủ và Quốc hội còn có nhiều giải của các đoàn thể và tư nhân. Đến Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1995, ngoài giải chính thức của Hội đồng Nghệ thuật còn có 10 giải của Quỹ Văn hóa Thụy Điển. Năm 2005, ngoài giải chính thức của Hội đồng Nghệ thuật cũng có thêm 13 giải của Quỹ Văn hóa Thụy Điển.

Nhưng từ năm 2010, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc chỉ có giải chính thức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Mỹ thuật Việt Nam - hai đơn vị chủ quản của triển lãm. Nếu không có những thay đổi, tiến trình xã hội hóa nghệ thuật và thế mạnh của các nguồn lực đầu tư cho nghệ thuật sẽ bị bỏ qua một cách đáng tiếc.

Cuối cùng là câu chuyện bán tác phẩm của các nghệ sĩ. Theo như Ban tổ chức thông báo trong buổi lễ phát động, năm nay Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam sẽ công bố những bức tranh sẽ được sưu tầm ngay tại buổi khai mạc triển lãm. Vậy những tác phẩm còn lại được trưng bày (tại hai thành phố: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh), nếu có khách hàng muốn mua thì Ban tổ chức đã dự liệu được phương thức bán hàng, cách thức liên hệ giữa tác giả - nhà tổ chức – khách hàng sao cho hiệu quả và thuận tiện nhất? Những kì triển lãm trước, việc này chưa được quan tâm đúng mức nên đã vô tình tạo ra sự khó khăn cho người mua và gây thiệt thòi cho nghệ sĩ.

Chỉ còn hơn một tháng nữa, sự kiện mỹ thuật được chờ đợi nhất trong suốt 5 năm sẽ diễn ra tại Hà Nội. Những người yêu nghệ thuật tạo hình đang rất hi vọng sẽ được thưởng lãm và tôn vinh những tác phẩm xứng tầm, đáp ứng được nhu cầu của công chúng mỹ thuật Việt Nam hiện nay.

Theo Vanvn.net

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng