Mới đây (ngày 3.5), bà Nguyễn Lan Hương - Giám đốc Trung tâm văn hóa Ca trù Thăng Long, gửi cho Thanh Niên một bức thư “đau đớn, xót xa” phàn nàn về bức thư “đau đớn, xót xa” của GS-TS Trần Văn Khê đăng trên một tờ báo hồi cuối tháng 4.2009.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là chỉ vì mấy chữ “ca trù Thăng Long” (được cho là trùng với tên Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long ra đời từ 3 năm trước và hiện đang hoạt động suôn sẻ) mà suốt cả tháng trời nay, giới ca trù bêu riếu, nghi kỵ nhau, thậm chí còn tính chuyện kiện cáo, đưa nhau ra tòa.
Trên thực tế, Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long được Hội Văn nghệ dân gian Việt
thành lập. Trung tâm văn hóa Ca trù Thăng Long được Công ty cổ phần và đầu tư thương mại Nguyên Lai khai sinh, giấy phép hoạt động do UBND TP Hà Nội cấp. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, cả hai đơn vị này đều chưa đăng ký bản quyền tên gọi. Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long dù ra đời trước song “sự công nhận của Hội Văn nghệ dân gian Việt thì chưa đủ tính pháp lý, tính bản quyền để khởi kiện” (trích lời ông Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội). Như vậy, nếu kiện, về lý, không dễ để phân thắng - bại!
Theo lời giới thiệu trên catalogue, Trung tâm văn hóa Ca trù Thăng Long hướng đến các mục tiêu: xây dựng không gian sống cho ca trù; bảo tồn, đào tạo, truyền dạy, quảng bá… Trong khi đó, hoạt động của Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long cũng không nằm ngoài những mục đích nói trên. Có điều, thay vì chung sức chung lòng, cả Trung tâm văn hóa Ca trù Thăng Long lẫn Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long đều chẳng muốn dĩ hòa vi quý. Buồn bã, GS Tô Ngọc Thanh (Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) nói: “Hai tên ấy tuy có chữ “ca trù Thăng Long” trùng nhau, nhưng lại thuộc hai tổ chức khác nhau, một đằng là “trung tâm”, đằng kia là “câu lạc bộ”. Trong thế giới đa thành phần này, nếu cái tên nào không trùng khít với cái tên đã có trước thì vẫn chấp nhận được. Chuyện tên trùng hay không, không quan trọng bằng chất lượng hoạt động của tổ chức đó thế nào. Cái chính là bây giờ cả hai - Trung tâm văn hóa Ca trù Thăng Long lẫn Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long - phải cùng thi đua với nhau, cùng tự nâng cao chất lượng…”.
Cũng cần nhắc lại, đầu tháng 4. 2009, Thanh Niên đã có bài viết về sự mâu thuẫn giữa các ca nương khi Trung tâm văn hóa Ca trù Thăng Long ra đời. Bởi trước đây ở Hà Nội đã có Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long của đào nương Phạm Thị Huệ nên bà Huệ bức xúc vì cho rằng cái tên Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long đã tồn tại suốt 3 năm nay, gắn với một bản sắc, phong cách định hình. Hơn nữa, Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long đã gây được một số ấn tượng nhất định và nhờ thế mới lôi kéo được sự chú ý của nhiều Mạnh Thường Quân, trong đó có Quỹ Ford. Mặt khác, tháng 3.2009, trong hồ sơ ca trù người Việt trình UNESCO đề cử vào danh sách Kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại thì tên của Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long cũng góp mặt với tư cách nhóm bảo tồn và gìn giữ. Và như vậy, theo đào nương Huệ, việc đặt một cái tên na ná giống tên của một nhóm khác sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín và quyền lợi của Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long bởi dễ gây sự nhầm lẫn. Vì vậy, bà Huệ đã gửi đơn kiến nghị Cục Bản quyền văn học nghệ thuật (Bộ VH-TT-DL) yêu cầu Trung tâm văn hóa Ca trù Thăng Long phải đổi tên khác (!)
Hồ sơ di sản ca trù đã lên đường đến trụ sở UNESCO. Chưa biết có được vinh danh hay không, chỉ biết rằng trước mắt, nếu các đào, kép cứ lo đôi co, tranh cãi thì chẳng những “xấu chàng, hổ ai”, mà có lẽ cũng chẳng còn đủ thời gian, công sức giữ gìn, bảo tồn loại hình nghệ thuật dân tộc này.
Theo TNO |