Tạp chí Sông Hương -
Lễ Vu lan: Xứng đáng là di sản văn hóa Việt
15:08 | 31/08/2015

Xúc động, đầy tính nhân văn và hoàn toàn tương đồng với những giá trị đạo đức của người Việt, lễ Vu lan báo hiếu đang được một số chuyên gia đề nghị tìm hình thức tôn vinh xứng đáng.

Lễ Vu lan: Xứng đáng là di sản văn hóa Việt
Lễ Vu Lan với những bông hồng cài áo từ lâu đã là một hình ảnh quen thuộc với văn hóa Việt. Ảnh: TTXVN

1. Theo thông tin từ Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa tôn giáo (thuộc Hội Di sản Văn hóa VN), đơn vị này đã có kiến nghị đề xuất công nhận Lễ Vu lan báo hiếu (diễn ra vào rằm tháng 7 Âm lịch) là “Quốc lễ văn hóa Việt Nam”.

Là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo, Vu lan đã du nhập vào nước ta từ rất lâu và trở nên vô cùng quen thuộc với cộng đồng. Xuất phát từ truyền thuyết “Mục Kiền Liên cứu mẹ”, ngày lễ này được vận hành với mong muốn cầu an, chúc phúc cho bậc sinh thành đã mất, hoặc ước nguyện giúp những người thân còn tại thế được hưởng thêm phúc đức, trường thọ.

“Dù được du nhập, lễ Vu lan đã dần trở thành một nghi thức mang đậm màu sắc văn hóa việt Nam” - GS Ngô Đức Thịnh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn tín ngưỡng văn hóa Việt Nam) chia sẻ với Thể thao & Văn hóa (TTXVN).

Bởi từ khởi thủy, ý thức mẫu hệ đã chi phối rất lớn tới đời sống tâm linh Việt, mà sự xuất hiện của hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu là ví dụ điển hình. Ngoài ra, ý nghĩa của lễ Vu lan cũng hoàn toàn trùng hợp với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, ông bà của chúng ta”.

Từng có dịp tới các nước Đông Á, GS Thịnh cho rằng kể từ khi “bén rễ” tại Việt Nam, lễ Vu Lan nhanh chóng phát triển, bổ sung thêm nhiều yếu tố mới và trở nên phong phú về nghi thức, ý nghĩa so với nhiều quốc gia khác.

Điển hình, từ thập niên 1960, sau khi thiền sư Thích Nhất Hạnh viết đoản văn Bông hồng cài áo về lễ Vu lan, hình tượng bông hoa hồng đã dần trở thành biểu tượng cho lễ Vu lan của người Việt. Và trong nghi thức Vu lan hiện có, tùy theo cha mẹ còn tại thế hay đã khuất, người tham dự đều thành kính cài lên ngực những bông hoa hồng (có màu sắc khác nhau), để nhớ về bậc sinh thành ra mình.

Thậm chí, không dừng ở việc cầu an và tưởng nhớ các bậc sinh thành, theo ông Trần Khánh Dư (giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo), lễ Vu Lan tại VN còn phát triển lên thành một nghi lễ “Báo tứ trọng ân đức”.

Theo đó, bốn nội dung được nhắc tới tại ngày lễ này là nhớ ơn bố mẹ, ông bà, tổ tiên; ơn người thầy dạy dỗ; ơn những người đã bảo vệ cuộc sống an lành cho mình; ơn quốc gia, xã hội đã nuôi dưỡng bản thân.

2. Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo, qua một số cuộc hội thảo, thăm dò ý kiến được đơn vị này tổ chức 2 năm qua, nhiều chuyên gia nghiên cứu về văn hóa, xã hội, tôn giáo… đã đồng tình với đề nghị công nhận lễ Vu lan là “Quốc lễ văn hóa” trên toàn quốc.

Đặc biệt, trong bối cảnh dư luận đang liên tục cảnh báo về sự xuống cấp của đạo hiếu và luân lý  trong xã hội hiện đại, ông Trần Khánh Dư cho rằng việc tôn vinh lễ Vu lan cũng là một biện pháp hiệu quả, để góp phần cùng pháp luật điều chỉnh và ngăn chặn sự băng hoại này.

Tuy nhiên, theo GS Thịnh, ý tưởng này không đơn giản, mà cần được bàn thảo kỹ. “Khái niệm Quốc lễ tại VN còn khá mông lung. Nếu chiếu theo góc độ tín ngưỡng truyền thống, ta hiện chỉ có một ngày Quốc lễ duy nhất là Giỗ tổ Hùng Vương vào tháng 3 Âm lịch” - GS Thịnh nói.

“Bây giờ, dù mang đậm màu sắc văn hóa Việt, Vu lan vẫn đang là một ngày lễ của Phật giáo. Để công nhận Vu lan là Quốc lễ, chúng ta cần trả lời câu hỏi: Phật giáo có đang là Quốc đạo của người Việt không?”.

Theo, GS Ngô Đức Thịnh, trong hoàn cảnh hiện tại, lễ Vu lan trước mắt nên được đề nghị là Di sản văn hóa phi vật thể của người Việt. “Cách vinh danh này là hoàn toàn hợp lý và xứng đáng” - ông nói. “Về giá trị văn hóa, tâm linh, lễ Vu lan mang đậm những dấu ấn của Việt Nam trong quá trình tiếp biến từ Phật giáo. Về ý nghĩa, ngày lễ có tính chất hướng thiện, khuyến khích mọi người tri ân, nhớ về nguồn cội - những yếu tố đạo đức cốt lõi của người Việt”.

“Cũng cần nói thêm, việc tôn vinh Vu lan cũng chỉ hướng tới cái đích: giúp cộng đồng có thêm sự trân trọng, thành kính trước những giá trị đạo lý mà ngày lễ đưa ra” - GS Thịnh chia sẻ thêm. “Và xa hơn, bên ngoài chuyện nghi lễ, việc làm tròn chữ hiếu với cha mẹ còn đang hiện hữu - cũng như làm điều tốt, có ích cho xã hội để xứng đáng với công dưỡng dục của bậc sinh thành đã khuất, mới là giá trị cuối cùng mà chúng ta theo đuổi”.

Theo Sơn Tùng - TT&VH

 


 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng