Tạp chí Sông Hương -
Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương để quản lý, bảo tồn và phát triển
13:40 | 03/09/2015

Đó mục tiêu quan trọng của nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao phê duyệt tại Quyết định số 1706/QĐ-UBND ngày 01/9/2015.

 Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương để quản lý, bảo tồn và phát triển

Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch là khu vực dọc sông Hương đoạn từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh (bao gồm cồn Hến và cồn Dã Viên), chiều dài khoảng 15 km, bề rộng của mỗi bên sông tiếp cận đến các tuyến đường dọc hai bờ sông hoặc cách mép bờ sông mỗi bên trung bình khoảng 100m. Khu vực này thuộc phạm vi quản lý hành chính của thành phố Huế, một phần của thị xã Hương Trà và một phần của huyện Phú Vang.

Quy mô diện tích khu vực lập quy hoạch là 836 ha, bao gồm 313,6 ha đất dọc hai bờ sông; 26,4 ha đất khu vực cồn Hến; 11 ha đất khu vực cồn Dã Viên và 485 ha diện tích mặt nước.

Đây là trục cảnh quan tự nhiên đa dạng, phong phú, với các hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, làng mạc lâu đời, khu vực công viên trung tâm thành phố và các vùng cảnh quan đặc trưng ven sông khác; trong đó sông Hương được nhìn nhận là yếu tố phong thủy quan trọng trong cấu trúc đô thị Huế (đô thị di sản, đô thị sinh thái); là khu vực có tầm quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, cảnh quan, môi trường của đô thị Huế; cần được cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang… để phát huy các giá trị nhằm góp phần xây dựng mục tiêu đô thị phát triển bền vững.

Tuy nhiên, đứng trước bài toán bảo tồn và phát triển, sông Hương đang bị xâm hại bởi nhiều tác nhân khác nhau. Trước thực trạng đó, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã tài trợ 6 triệu USD để thực hiện quy hoạch này với mục tiêu thiết lập quy hoạch phù hợp với sự phát triển của đô thị Huế, mang tính bền vững của một thành phố văn hóa và du lịch.

Trên cơ sở đó, quy hoạch sẽ phân tích, nghiên cứu, đánh giá các giá trị nổi bật về văn hóa, lịch sử, cảnh quan, yếu tố phong thủy, bảo vệ môi trường và giá trị thương mại của sông Hương; phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội; thực trạng đất xây dựng; hiện trạng dân cư và lao động; hiện trạng sử dụng đất đai; hiện trạng không gian, kiến trúc, cảnh quan; hiện trạng công viên cây xanh; hiện trạng hạ tầng xã hội; hiện trạng hạ tầng kỹ thuật đô thị; hiện trạng môi trường; hiện trạng quản lý đô thị; hiện trạng thiên tai; Phân tích đánh giá các quy hoạch, dự án, chương trình liên quan, đánh giá hiện trạng và các chiến lược phát triển tương đồng… nhằm định hướng các vấn đề quản lý, bảo tồn và phát triển; xác định các chỉ tiêu quy hoạch như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng xã hội, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị; xác định khu vực trọng tâm, các khu vực lân cận mang tính phối hợp, hỗ trợ và đề xuất biện pháp liên kết, chiến lược phát triển để phát huy giá trị; quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất; quy hoạch tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan; quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; định hướng hệ thống hạ tầng xã hội, thiết kế đô thị, phát triển du lịch – thương mại; đánh giá môi trường chiến lược; xy dựng quy định quản lý theo đồ án quy hoạch.

Dự án được giao UBND thành phố Huế là cơ quan chủ dự án:  UBND thành phố Huế; Sở Xây dựng là cơ quan thẩm định; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Hếu là đơn vị phản biệ; đơn vị lập quy hoạch là Liên danh tư vấn Hàn Quốc (Công ty Kỹ thuật Dohwa và Viện nghiên cứu đô thị Han-A).

Theo KTS Hồ Viết Vinh (ĐH Kiến trúc TP.HCM), quy hoạch sông Hương cần phải đảm bảo 4 nguyên tắc cơ bản, đó là: đảm bảo tính nhất thể và mối liên hệ tương hỗ giữa hai bờ; can thiệp cảnh quan phải thích ứng di sản; làm sống lại cấu trúc đô thị phong cảnh duy nhất của Việt Nam và phải thay thế phương pháp tiếp cận quy hoạch cho phù hợp với đô thị di sản.

Tại hội thảo khoa học “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương-Nhiệm vụ và giải pháp” tổ chức vào 5/2015, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng, phải coi sông Hương là một điểm tựa để Huế giữ gìn và kiến tạo diện mạo riêng mình, do đó cần chủ động trong các phần việc bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang định hình, hiện đại hóa theo nhận thức chuyên biệt về di sản về đô thị - di sản, về đô thị sinh thái lịch sử. Các giải pháp lớn nên vận dụng cho hai bờ sông Hương có thể là duy trì các khoảng cách, ấn định các khoảng cách không gian mà lịch sử đã ấn định cho dòng sông này; giải tỏa những công trình xây dựng và những vật cản, xé vụn sự thông thoáng của không gian hai bờ để giữ cho được tính tự nhiên và độ xanh tươi của dòng sông cùng hai triền sông. Hệ công viên vườn hoa từ cầu Tràng Tiền đến Chùa Thiên Mụ là một mảng cảnh quan phù hợp và cần củng cố thêm.

www.thuathienhue.gov.vn

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng